Gần dân, sát dân, tạo được niềm tin trong dân

Hoàng Hoài| 02/08/2017 09:48

Tôi luôn thấm nhuần lời dạy của Bác, lúc nào cũng lấy dân làm gốc, gần dân, sát dân, phát huy vai trò dân chủ của nhân dân để huy động sức dân trong các phong trào, hoạt động”, đó là những chia sẻ của ông Ngân Văn Khâm, Trưởng ban công tác mặt trận thôn Đắk Thanh, xã Nam Xuân (huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông).

ADQuảng cáo

Phát huy dân chủ, tạo sự đoàn kết

Từ năm 2008 đến nay, ông Khâm luôn được bà con tín nhiệm bầu làm Trưởng ban công tác mặt trận thôn. Đây cũng là khoảng thời gian ông luôn đau đáu câu hỏi mình phải làm gì để huy động sức dân tham gia vào các phong trào, hoạt động ở địa phương. Và qua mỗi phong trào, hoạt động, ông ngẫm ra rằng, chỉ có phát huy dân chủ thì mới tạo được sự đoàn kết, thống nhất.

Chính vì vậy, mỗi việc của thôn dù nhỏ dù lớn, ông đều dựa vào ý nguyện của nhân dân để tiến hành. Như trong việc mắc điện chiếu sáng phục vụ nhu cầu đi lại vào các buổi tối, ông đã cùng ban tự quản thôn họp dân để nêu lên mục đích, ý nghĩa. Khi dân đồng ý thì tiếp tục tính toán cách làm như thế nào, thu mỗi hộ bao nhiêu tiền, rồi lại tiến hành thông báo để bà con được biết. Mỗi việc cần làm, ông đều để bà con tự bàn bạc, tự quyết trên cơ sở gợi ý của chính quyền thôn, khi tất cả các hộ dân đều đồng ý thì mới tiến hành làm.

Đến nay, thôn Đắk Thanh đã lắp được 35 bóng điện chiếu sáng tại các trục đường trung tâm. Khi có điện sáng rồi, ông lại vận động, phân tích cho bà con hiểu về việc cần phải chú ý bảo vệ tài sản, nhất là đóng góp để trả tiền điện đúng thời gian quy định. Nhờ đó, hiện nay, vào mỗi buổi tối, con đường thôn Đắk Thanh luôn sáng đèn, không chỉ làm đẹp xóm, sáng thôn mà còn góp phần hạn chế tai nạn giao thông, vi phạm an ninh trật tự ở địa phương.

Không những vậy, ngoài việc đứng ra duy trì, bảo tồn, gìn giữ nép đẹp của dân tộc Thái, ông Khâm còn tự bỏ tiền túi mua bàn bóng bàn phục vụ nhu cầu vui chơi của người dân, góp phần hình thành và phát triển phong trào rèn luyện sức khỏe, nhất là thanh thiếu nhi và các cụ cao tuổi.

Hễ có thời gian rảnh, người dân trong thôn lại đến nhà ông Khâm (bên phải) để chơi bóng bàn miễn phí

Ông Trịnh Xuân Tô, người dân trong thôn cho biết: “Chiều đến, chúng tôi lại lên nhà ông Khâm để chơi bóng bàn. Từ ngày ông Khâm mua bàn bóng bàn này về, anh em chúng tôi có dịp gặp gỡ, nói chuyện nhiều hơn nên càng gần gũi hơn, đoàn kết hơn”.

ADQuảng cáo

Với ông Khâm, tiền ai bỏ hay bỏ bao nhiêu không quan trọng, quan trọng là mình góp được một phần nào đó để nâng cao đời sống tinh thần cho bà con vùng khó này. Khi tổ chức các hoạt động vui chơi cũng là một trong những cách để ông Khâm tuyên truyền các đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như quy định của địa phương, hương ước của thôn đến với bà con một cách nhanh nhất.

Mọi việc vì dân mà làm

Theo ông Khâm tâm sự, Bác Hồ dạy “mọi việc đều lấy dân làm gốc”, nên việc gì ông cũng phải vì dân mà làm. Bởi suy cho cùng, địa phương, bà con giao trọng trách cũng là vì tin ông vì dân mà phục vụ, đoàn kết, tập hợp được nhân dân trên dưới một lòng. Vì thế, nhiều lúc thấy bản thân già rồi nhưng còn được tín nhiệm ngày nào, ông vẫn sẽ làm ngày đó, làm hết sức, hết lòng.

Với suy nghĩ, uy tín trước dân, ông Khâm đã giúp bà con hiểu hơn về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của mình đối với địa phương một cách tự giác. Như trong thu Quỹ vì người nghèo của thôn, trước đây, để thu được 10.000 đồng/hộ như quy định, ông phải thông báo, họp dân, vận động các gia đình, có khi đi hết lần này đến lần khác mới được.

Nhưng những năm gần đây, vì tính công khai, minh bạch trong thu chi của thôn về các khoản đóng góp, nên bà con tin tưởng, chỉ cần thông báo qua loa phát thanh là tự đến địa điểm quy định để đóng. Điều đáng nói, loa phát thanh này cũng được lắp đặt dựa trên sức dân, bởi bà con hiểu được nỗi vất vả của những người “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, nên muốn san sẻ với những người như ông Khâm để phục vụ thôn xóm tốt hơn. Hiện nay, thôn Đắk Thanh lắp đặt 3 loa phát thanh tỏa đi 3 hướng khác nhau…

Theo ông Khâm, vai trò của cán bộ mặt trận chính là đoàn kết toàn dân mà trước hết phải gần dân, sát dân, hiểu dân, lắng nghe ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của dân. Do đó, trong mỗi cuộc họp thôn, ông đều kêu gọi bà con sẵn sàng góp ý cho từng cán bộ, đảng viên và hệ thống chính trị trong thôn về cách thức làm việc, cái gì chưa được cần phải sửa chữa. Vì vậy, bà con đều rất thẳng thắn góp ý xây dựng, không cả nể hay bao che, kể cả góp ý cho cán bộ xã qua các đợt tiếp xúc cử tri.

“Mình cần phải làm gương trong mọi việc để bà con nhìn vào cử chỉ, hành động của mình rồi làm theo. Hơn nữa, trong cư xử với dân, mình cần hòa nhã, hiểu tâm lý từng nhóm đối tượng để ứng xử hợp lý, không thể cào bằng, luôn tôn trọng, sẵn sàng đón nhận góp ý của dân thì mới tạo được niềm tin trong dân”, ông Khâm khẳng định.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gần dân, sát dân, tạo được niềm tin trong dân
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO