Giải quyết vấn đề lợi ích dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đổi mới hiện nay

P.V ( Tạp chí Cộng sản)| 31/10/2016 16:42

Trong suốt cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nghiên cứu giải quyết lợi ích giữa dân tộc và quốc tế trên nguyên tắc bảo đảm lợi ích dân tộc. Đây là quan điểm nhất quán của Người và được Đảng ta vận dụng sáng tạo trong mọi quyết sách phát triển đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Nhật Bản tham dự Hội nghị Cấp cao Mekong-Nhật Bản lần thứ 8. Ảnh tư liệu

Ngay trong Cương lĩnh đầu tiên của Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930), với mục tiêu giải phóng dân tộc, Người đặt vấn đề dân tộc lên trên vấn đề giai cấp. Người kiên trì quan điểm của mình cho đến khi đường lối cách mạng giải phóng dân tộc chính thức trở thành đường lối của cách mạng Việt Nam.

Năm 1941, sau khi về nước nắm vai trò lãnh đạo cách mạng giải phóng dân tộc và chuẩn bị lực lượng giành chính quyền, vấn đề lợi ích dân tộc càng được đề cao trong tư tưởng Hồ Chí Minh. Người khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi dân tộc giải phóng cao hơn hết thảy”, quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia, của dân tộc.

Từ khi giành được chính quyền, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, sự viện trợ, giúp đỡ của bầu bạn quốc tế là rất quan trọng nhưng không thể trông chờ vào đó mà cần tự lực cánh sinh, tự lực tự cường “… muốn người ta giúp cho, thì trước mình phải tự giúp lấy mình đã”. Cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước là thách thức lớn đối với vận mệnh dân tộc. Vì vậy, việc tranh thủ sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa là rất cần thiết nhằm góp phần thực hiện thắng lợi những mục tiêu của cách mạng Việt Nam.

Bằng những hoạt động tích cực, Chủ tịch Hồ Chí Minh góp phần củng cố tình đoàn kết giữa các nước xã hội chủ nghĩa anh em, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước.

Từ cuối thập niên 50 của thế kỷ XX, đứng vững trên lập trường nguyên tắc, chú trọng vận động, thuyết phục, kiên trì chờ đợi, đấu tranh có lý có tình, cùng với nghệ thuật ứng xử khôn khéo, chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đóng góp quan trọng vào việc giữ được quan hệ tốt đẹp giữa Việt Nam với hai nước lớn xã hội chủ nghĩa là Liên Xô và Trung Quốc.

Trong xử lý mối quan hệ quốc tế, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, phải bảo đảm lợi ích trước mắt và lâu dài của dân tộc, phải tăng cường tình đoàn kết quốc tế, tránh gây mất đoàn kết. Người nói: “Vì đoàn kết mà phải tranh đấu… phải làm sao trong Đảng và trong nhân dân giữ được lòng yêu mến và biết ơn các nước bạn anh em”. Luôn đặt lợi ích của Việt Nam lên trên hết, nhưng Chủ tịch Hồ Chí Minh kiên quyết chống tư tưởng dân tộc vị kỷ, dân tộc hẹp hòi.

Thậm chí đối với nước thù địch, Người cũng tính tới lợi ích của họ, ứng xử độ lượng. Tháng 7/1946, trong thư gửi Bộ trưởng Pháp quốc hải ngoại, Người khẳng định, nếu nước Pháp không thừa nhận độc lập của Việt Nam, đó sẽ là một thiệt thòi cho nước Pháp và cho cả nước Việt Nam nữa. Song đối với nước Pháp sự thiệt thòi sẽ là vĩnh viễn.

Một điểm đáng lưu ý trong tư tưởng Hồ Chí Minh đó là, Việt Nam sẵn sàng mở rộng hợp tác với tất cả các nước, trên nguyên tắc tôn trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của nhau, bình đẳng và cùng có lợi. Trong bản thông cáo về “Chính sách ngoại giao của Chính phủ lâm thời”, Chủ tịch Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ vấn đề hợp tác với từng đối tượng. Đối với các nước đồng minh chống phát-xít: “Việt Nam hết sức thân thiện và thành thực hợp tác trên lập trường bình đẳng, tương ái”.

Đối với kiều dân Pháp thực sự tôn trọng độc lập của Việt Nam thì tính mệnh và tài sản của họ được bảo vệ theo luật pháp quốc tế, còn “riêng với chính phủ Pháp Đờ Gôn, chủ trương thống trị Việt Nam, thì kiên quyết chống lại. Đối với các nước láng giềng, như Trung Hoa, vốn có quan hệ lịch sử lâu đời thì “thắt chặt tình thân ái, khiến hai dân tộc Việt – Hoa tương trợ mà cùng tiến hóa”; với Ai Lao và Cao Miên cùng chung số phận với Việt Nam thì “tương trợ để thực hiện và củng cố sự độc lập, giúp đỡ lẫn nhau để kiến thiết và sánh vai ngang hàng mà tiến hóa”; với các nước nhỏ khác đấu tranh vì độc lập dân tộc trên toàn cầu, Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sẵn sàng thân thiện, hợp tác chặt chẽ trên nguyên tắc bình đẳng để ủng hộ lẫn nhau trong xây dựng và giữ vững nền độc lập.

Có thể coi, Thông cáo chính sách ngoại giao (3/10/1945) như một giác thư của Nhà nước Việt Nam gửi đến cộng đồng quốc tế, khẳng định những quan điểm dân chủ, tiến bộ, nhân đạo, hòa bình và sẵn sàng hợp tác của nhân dân ta với cộng đồng quốc tế. Các quan điểm đó hoàn toàn phù hợp với xu hướng phát triển của quan hệ quốc tế sau chiến tranh, đồng thời cũng phù hợp với nguyện vọng của nhân dân các nước trên thế giới.

Bằng những hoạt động tích cực của mình, Hồ Chí Minh đã làm cho bạn bè trên thế giới biết đến khát vọng, ý chí độc lập, tự do của nhân dân Việt Nam, bày tỏ quan điểm thiện chí sẵn sàng hợp tác của Việt Nam với bạn bè quốc tế.

Ngày nay, quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hợp tác, bình đẳng và cùng có lợi vẫn là một trong những quan điểm mang tính quyết định đến thành công của ngoại giao Việt Nam, đồng thời quan điểm đó còn mang tính thời đại, trở thành tư tưởng chủ đạo trong hợp tác quốc tế của các nước trên thế giới.

Quán triệt và vận dụng những tư tưởng trên của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng ta khẳng định, lợi ích cao nhất của dân tộc và cũng là lợi ích cao nhất của giai cấp công nhân là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam và bảo vệ vững chắc Tổ quốc xã hội chủ nghĩa; ra sức phát triển kinh tế, làm cho dân giàu, nước mạnh, giữ vững độc lập và thống nhất. Bước sang giai đoạn mới, việc xác định lợi ích quốc gia dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Trong suốt 30 năm đổi mới, quan điểm của Đảng ta về lợi ích quốc gia, dân tộc là liên tục và nhất quán, độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Việc coi trọng mục tiêu phát triển và đổi mới tư duy về mục tiêu an ninh là hạt nhân cốt lõi của lợi ích quốc gia Việt Nam trong giai đoạn này. Lợi ích đó nhận được sự đồng thuận cao của nhân dân và sự ủng hộ của bạn bè quốc tế. Những thành công trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hoạt động đối ngoại thời gian qua đã cho thấy nhận thức của Đảng về lợi ích quốc gia là đúng đắn.

Đại hội XII của Đảng tiếp tục khẳng định quan điểm về lợi ích quốc gia nhất quán, xuyên suốt trên, về sự “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, lấy lợi ích quốc gia – dân tộc làm mục tiêu cao nhất”, trở thành kim chỉ nam trong đường lối phát triển đất nước, nhất là đối với công tác đối ngoại của Đảng ta.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giải quyết vấn đề lợi ích dân tộc theo tư tưởng Hồ Chí Minh và thực tiễn đổi mới hiện nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO