Khuyến nông huyện Đắk Mil: “Lấy ruộng, vườn làm bục giảng”

Hồng Thoan| 23/10/2017 09:49

Lấy ruộng, vườn làm bục giảng” là cách gắn lý thuyết với thực tiễn đang được Trạm Khuyến nông địa phương đẩy mạnh triển khai, từ đó dễ dàng đưa thông tin đến với nông dân.

ADQuảng cáo

Anh Trần Đức Trung, cộng tác viên khuyến nông khối 5, thị trấn Đắk Mil đi đầu trong triển khai, nhân rộng các mô hình trồng hoa, rau trong nhà lưới

Theo bà Nguyễn Thị Xuân Hằng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông Đắk Mil, toàn huyện hiện có 10 khuyến nông viên và 132 cộng tác viên thôn, bon. Đây là đội ngũ nòng cốt trong hoạt động khuyến nông ở cơ sở được xem xét, tuyển chọn khá kỹ để phù hợp với điều kiện của mỗi xã, thị trấn. Với nhiệt huyết của người cán bộ khuyến nông cơ sở, đội ngũ này đã luôn bám sát địa bàn, nắm bắt định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Từ các nhiệm vụ chuyên môn trọng tâm được Trạm khuyến nông đề ra, họ đã chủ động, đa dạng và triển khai có hiệu quả. Để nâng cao năng lực chuyên môn cho đội ngũ này, Trạm Khuyến nông huyện đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, các doanh nghiệp, Viện Khoa học Kỹ thuật Nông - Lâm Nghiệp Tây Nguyên và các cơ quan liên quan tổ chức tập huấn, đào tạo lại cho cán bộ khuyến nông cơ sở. Đồng thời, Trạm cũng đẩy mạnh liên kết với các công ty, các đơn vị nghiên cứu tổ chức các mô hình trình diễn thu hút nhiều hộ nông dân tham gia mỗi năm.

Nhờ được đào tạo về chuyên môn, nghiệp vụ và phương pháp khuyến nông khoa học mà có rất nhiều khuyến nông viên địa phương đã thành công trong công việc.

Điển hình như anh Hoàng Văn Sỹ, khuyến nông viên xã Đắk Sắk, một trong những người tiên phong trong việc đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật đến với nông dân thông qua hội thảo đầu bờ, đầu chuồng. Theo đó, tùy vào nhiệm vụ trọng tâm của từng mùa vụ, từng năm, anh phổ biến kỹ thuật tới bà con phù hợp, không rập khuôn. Cụ thể, đối với lúa, anh cùng bà con thực hiện các khâu từ giống, xuống ruộng cấy, sạ. Đối với giống cá mới thì anh nuôi thử nghiệm trong ao hồ nhà mình trước rồi qua hội thảo hướng dẫn bà con làm sau.

ADQuảng cáo

Ông Đỗ Xuân Cải, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sắk cho biết: Khuyến nông viên Hoàng Văn Sỹ là người tâm huyết với nghề nghiệp, nhận cái khó về mình, nhất là trong quá trình vận động triển khai các mô hình ở địa phương. Anh làm trước có lúc thất bại, lúc thành công, qua đó đúc rút các kinh nghiệm, cách làm hay tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương nhân rộng cho người dân. Anh là người có công lớn trong việc vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, đặc biệt là ở hai bon đồng bào dân tộc thiểu số của xã, giúp bà con xóa đói  giảm nghèo.

Còn anh Trần Đức Trung, cộng tác viên khuyến nông khối 5, thị trấn Đắk Mil lại đi đầu trong việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất hoa, rau. Theo đó, khoảng 5 năm trước, khi trạm chủ trương xây dựng mô hình trồng hoa trong nhà lưới, có hệ thống tưới tự động, thắp sáng cân bằng nhiệt độ, hầu hết nông dân được chọn thực hiện đều ngần ngại.

Anh Trung đã tiên phong thực hiện mô hình ngay trong vườn nhà mình, khi thành công thì tuyên truyền cho bà con nhân rộng sản xuất. Từ mô hình của anh, nhiều người dân đã đến tham quan, học tập và áp dụng đạt hiệu quả. Nói về cách làm này, anh Trung cho biết: “Mình nói lý thuyết nhiều bà con nghe rồi để đó, mà nói lý thuyết ngay trên vườn thì nông dân có thể nhìn tận mắt, sờ tận tay nên dễ học, dễ làm hơn. Tuy nhiên để làm được điều này, bản thân tôi phải nắm vững chuyên môn, có cách nói đơn giản, ngắn gọn thì mới đạt hiệu quả cao”.

Theo Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Đắk Mil thì khuyến nông địa phương với phương châm “coi đầu bờ, đầu chuồng là bục giảng” đang truyền tải tốt hơn các kỹ thuật mới đến với nông dân, đóng góp hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Trong đó, đáng kể nhất là việc tuyên truyền, vận động đưa các giống ngô, lúa mới với năng suất cao, phẩm chất tốt vào sản xuất đại trà.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến nông huyện Đắk Mil: “Lấy ruộng, vườn làm bục giảng”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO