Lan rộng phong trào hiến đất

Mỹ Hằng| 06/04/2015 10:07

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã xuất hiện nhiều hộ gia đình tự nguyện hiến đất để cùng với chính quyền địa phương xây dựng hạ tầng, các công trình dân sinh, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, thực sự là nghĩa cử cao đẹp, đang ngày càng lan rộng trong cộng đồng dân cư.

ADQuảng cáo

Điển hình như ông Nguyễn Hoàng Duyên ở tổ dân phố 1, phường Nghĩa Trung (Gia Nghĩa) đã tự nguyện hiến hơn 3.500m2 đất để xây dựng Trường mầm non Tân Lập Thành. Theo như lời ông kể thì trước đây, phụ huynh trên địa bàn muốn gửi trẻ phải đến các trường ở trung tâm thị xã, vừa xa vừa vất vả, nhất là mùa mưa.

Năm 2010, địa phương được Hội Cựu chiến binh TP. Hồ Chí Minh và Doanh nghiệp tư nhân Tân Lập Thành hỗ trợ 2 tỷ đồng để xây dựng trường học, nhưng lại không có quỹ đất hợp lý để xây dựng. Thế là ông bàn với gia đình về ý định hiến đất của mình và được tất cả thành viên đồng tình hưởng ứng.

Ông còn chặt bỏ hơn 300 cây điều đang độ thu hoạch gần đó để giải phóng mặt bằng, tạo điều kiện cho nhà thầu thi công. Sau khi trường hoàn thành, ngày ngày thấy con em trên địa bàn đến trường học, ông cảm thấy vui và hạnh phúc vô cùng.

Ông Duyên vui vẻ nói: “Thấy các cháu nhỏ có nơi học hành đàng hoàng, thuận tiện, tôi cảm thấy rất vui vì việc làm của mình có ích cho xã hội. Thực tế, không riêng gì gia đình tôi, mà nhiều bà con khác ở nhiều địa phương cũng luôn sẵn sàng hy sinh lợi ích riêng để vì lợi ích chung của cả cộng đồng. Mỗi người ra sức đóng góp một ít thì thôn xóm ngày càng khang trang, khởi sắc hơn mà thôi”.

Tương tự, ông Đậu Văn Dương ở thôn 2, xã Kiến Thành (Đắk R’lấp) đã tự nguyện hiến 2.400 m2 đất để làm đường giao thông liên thôn, giúp bà con, con em sinh hoạt, đi lại đỡ vất vả hơn. Theo như lời ông kể thì thôn 2 và thôn 10 tuy giáp nhau, nhưng lại bị ngăn cách bởi các vườn cà phê của các hộ dân trong xã.

ADQuảng cáo

Trong khi đó, con em ở thôn 10 muốn học ở Trường mầm non Hoa Sen và Trường Tiểu học Lê Quý Đôn (nằm ở thôn 2) phải đi vòng gần 10 km mới đến được trường. Khổ nhất là vào mùa mưa, đường xa, đi lại khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập cũng như sức khỏe của các cháu.

Vì vậy, ông bàn bạc với gia đình hiến 2.400m2 đất để làm đường liên thôn; đồng thời chặt bỏ hàng loạt cây cà phê, điều trong vườn rẫy để mở rộng lòng đường. Từ ngày con đường liên thôn  được hoàn thành và đưa vào sử dụng, việc đi lại của người dân, học sinh thuận tiện hơn rất nhiều.

Ông Dương nói: “Việc gì có ích cho xã hội mà nằm trong khả năng của mình thì làm thôi. Hơn nữa, thông qua việc hiến đất, tôi muốn răn dạy con cháu phải biết hy sinh vì cộng đồng, vì cái chung, chứ không nên bo bo, chỉ biết riêng mình”.

Còn gia đình bà Phạm Thị Mây ở thôn 10, xã Nam Dong (Chư Jút) cũng đã sẵn sàng phá bỏ công trình phụ, tường rào, cây cối để nhường đất làm đường giao thông nông thôn, cùng chính quyền xây dựng nông thôn mới.

Bà Mây vui vẻ nói: “Tôi nghĩ, việc gia đình tôi tự phá bỏ tường rào, cây cối, đóng góp tiền của vẫn chẳng đáng là bao so với các hộ dân khác khi đã hiến nhiều tài sản có giá trị hàng trăm triệu đồng mà không hề tính toán hơn thiệt. Mỗi gia đình, mỗi người hy sinh, chia sẻ, cùng nhau góp sức xây dựng các công trình công cộng cũng là phục vụ cho chính cuộc sống của mình mà thôi”.

Có thể nói, nghĩa cử cao đẹp này ngày càng lan rộng, có thể được gọi là phong trào và có ý nghĩa vô cùng to lớn trong tiến trình thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới. Nó khẳng định một chân lý mà Bác Hồ đã dạy: “Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lan rộng phong trào hiến đất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO