Lấy dân làm gốc, khơi dậy, phát huy sức dân (kỳ 1): Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới

Hoàng Hoài| 08/08/2018 10:26

Thấm nhuần quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh về nhân dân "có dân là có tất cả, mất dân là mất hết", thời gian qua, các cấp, ngành từ tỉnh đến cơ sở trên địa bàn tỉnh Đắk Nông luôn coi trọng nhân dân, lấy dân làm gốc, phát huy sức mạnh của nhân dân để từng bước xây dựng địa phương thoát khỏi tình trạng của một tỉnh nghèo, chưa phát triển.

ADQuảng cáo

"Dễ trăm lần không dân cũng chịu, khó vạn lần dân liệu cũng xong" là tư tưởng của Bác Hồ  về phát huy sức mạnh của nhân dân trong xây dựng đất nước. Và thực tế đã chứng minh, ở đâu các tổ chức cơ sở đảng và chính quyền địa phương biết phát huy sức dân, vai trò của dân thì ở đó các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội luôn đạt được những kết quả cao.

Đồng chí Nguyễn Bốn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh trao Bằng công nhận xã Đắk Wer (Đắk R'lấp) đạt chuẩn xã NTM và tặng thưởng địa phương công trình phúc lợi trị giá 500 triệu đồng. Ảnh: Quốc Sỹ

Sẵn sàng hiến đất, góp công, góp sức

Trong các điển hình tiên tiến được Tỉnh ủy tuyên dương tại Hội nghị sơ kết 2 năm thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị, gia đình Điểu Tam ở bon Đắk R’moan, xã Đắk R’moan (Gia Nghĩa) được xem là một “điểm sáng”. Mặc dù điều kiện kinh tế chưa khấm khá là bao, song khi chính quyền vận động đóng góp xây dựng nông thôn mới (NTM), Điểu Tam đã tình nguyện hiến hơn 4.000m2 đất mặt đường để xây dựng trường mẫu giáo và nhà văn hóa cộng đồng.

Dù biết mảnh đất là tài sản rất lớn của gia đình, nhưng từ ngày hiến đất đến giờ, chưa bao giờ Điểu Tam tiếc nuối. Những đóng góp của gia đình Điểu Tam đã tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, giúp đồng bào trong bon nhận thức tốt hơn về vai trò của mình cùng chung tay, góp sức xây dựng bon giàu đẹp, văn minh.

Một phần đất do anh Điểu Tam hiến đã được xây dựng trường học mầm non cho trẻ em trong bon

Điểu Tam chia sẻ: “Mình chỉ góp một phần nhỏ để trẻ em trong bon đi học đỡ vất vả, được đến trường đúng độ tuổi, được tiếp thu kiến thức, học tập và vui chơi lành mạnh, phát triển toàn diện hơn. Đồng bào địa phương cũng có địa điểm để sinh hoạt, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm, gìn giữ các nghề truyền thống, nét đẹp văn hóa dân tộc”.

Nhà văn hóa truyền thống bon Đắk R’moan đã trở thành nơi thực hiện việc xây dựng mô hình bon trọng điểm về văn hóa du lịch của tỉnh

Khoảng 1 năm nay, với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, tuyến đường dẫn vào thôn 6, xã Trúc Sơn (Cư Jút) dài 700m, rộng 3 m đã được bê tông hóa, với kinh phí gần 600 triệu đồng; trong đó có một phần đóng góp không nhỏ của gia đình ông Nguyễn Văn Nạp. Hiểu được tầm quan trọng của con đường đối với sự phát triển của thôn xóm, ông Nạp không ngần ngại hiến gần 1.000m2 đất vườn, trong đó có 120 cây cà phê, 1 ao nuôi cá để làm đường.

Cũng từ sự gương mẫu, tiên phong của gia đình ông Nạp đã tạo ra khí thế mới trong phong trào thi đua chung sức xây dựng NTM ở địa phương. Các hộ dân có tuyến đường đi qua đều đồng thuận trong việc hiến đất, đóng góp kinh phí để xây dựng đường.

Nhờ sự gương mẫu, tiên phong của ông Hoàng Đức Ái (bên trái) ở thôn 1, xã Nam Dong (Cư Jút) về hiến đất, dỡ bỏ tường rào để làm đường bê tông mà nhiều người dân trong thôn đã làm theo

Hưởng ứng Chương trình Xây dựng NTM do xã phát động, gia đình bà Lê Thị Liên, Bí thư Chi bộ bản Đầm Giỏ, xã Thuận Hà (Đắk Song) đã tự nguyện hiến 8.000m2 đất xây trường học cho các cháu trong bản. Bà Liên cho biết: “Trách nhiệm của người đứng đầu bản rất quan trọng, bởi mình chính là gương để những đảng viên khác và nhân dân noi theo. Tôi thực sự rất vui khi việc làm của mình đã góp phần mang lại niềm vui cho các cháu nói riêng, người dân trong bản nói chung”.

Cũng từ việc làm của bà Liên, nhiều hộ dân khác trong xã đã học tập và làm theo. Như ông Lý Văn Chương ở cùng bản hiến 100m2 đất xây nhà cho bà Chương Thị Ong là mẹ liệt sĩ và ông Đàm Nguyên Hùng ở bản Đắk Thốt hiến đất xây nhà cho các cháu mồ côi…

Không trông chờ, ỷ lại

ADQuảng cáo

Không trông chờ vào Nhà nước, cán bộ, đảng viên ở tổ dân phố 4, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) đã tiên phong vận động gia đình, người thân và nhân dân đóng góp để làm đường bê tông. Trước đây, dù ở ngay trung tâm của thị trấn, song mỗi khi mùa mưa đến, người dân trong tổ như “đánh vật” với tình trạng nước đọng do đường xuống cấp. Vì vậy, với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, sự đồng lòng của toàn dân, con đường có chiều dài 170m, rộng 4m, đổ bê tông dày 15 cm đã được thi công thuận lợi. Ngay sau khi tuyến đường hoàn thành đưa vào sử dụng, những hộ dân khác trong tổ cũng họp bàn và đóng góp để bê tông hóa được 2 tuyến đường “xương cá”, với chiều dài gần 500m.

Với việc phát huy nội lực nhân dân, con đường trung tâm của Tổ dân phố 4, thị trấn Ea T’ling (Cư Jút) được bê tông hóa

Điều ghi nhận là trong 720 m đường được bê tông tại tổ 4 được làm đều là do sức dân đóng góp 500 triệu đồng. Bên cạnh đó, nhân dân trong tổ còn đóng góp mỗi hộ 500.000 đồng để lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng và cứ 5 hộ đóng góp mua 1 thùng bỏ rác và trồng cây sao 2 bên đường để tạo bóng mát, góp phần giữ gìn cảnh quan môi trường thêm xanh-sạch-đẹp.

Câu chuyện về ông Hoàng Quốc Hùng ở thôn 11, xã Nâm N’Jang (Đắk Song) tự bỏ ra hơn 300 triệu đồng để thuê thiết kế rồi làm cây cầu bắc qua suối có chiều dài 18m, ngang 3m, trọng tải 18 tấn từ năm 2016 đã không còn xa lạ với nhiều người. Với suy nghĩ, khó khăn thì nhiều, nhưng nếu cứ trông chờ thì biết bao giờ mới có cầu để đi, nên ông Hùng quyết tâm xây cầu, giúp bà con đi lại thuận tiện, nhất là khi mưa lũ về.

Ông Hùng cho biết: “Tôi nghĩ, mình có thì bỏ tiền xây dựng, bảo đảm an toàn cho mọi người là vui rồi, chứ không mong sẽ được đền đáp hay nhận lại cái gì đó”.

Ông Hoàng Quốc Hùng (bên phải) tự bỏ ra hơn 300 triệu đồng để làm cây cầu bắc qua suối giúp người dân đi lại thuận tiện

Khi lòng dân thuận mọi việc sẽ xong

Hiện nay, Đắk R’lấp là huyện có số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nhiều nhất của tỉnh, với 5/10 xã. Kinh nghiệm từ các địa phương thực hiện thành công Chương trình xây dựng NTM của huyện Đắk R’lấp cho thấy, khi huy động thì không được làm quá sức dân, làm từng bước, tránh nóng vội, trên tinh thần tự nguyện, người góp của, người góp công thì mới thành công.

Đơn cử như xã Nghĩa Thắng, được công nhận đạt chuẩn NTM năm 2017, với nhiều tiêu chí được đánh giá đạt cao hơn so với chuẩn. Cụ thể như 3/5 trường học các cấp đạt chuẩn; 10/10 thôn có nhà văn hóa, lồng ghép khu vui chơi giải trí và hội trường đa năng, sân thể thao phục vụ sinh hoạt văn hóa, thể thao của xã; hạ tầng thương mại nông thôn, thu nhập, hộ nghèo. Theo ông Lê Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Thắng, kết quả này có được chính là từ sự đóng góp của nhân dân khi xây dựng NTM.

Nhân dân chung sức làm đường, nâng cấp nhiều công trình công cộng như trường học, nhà văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường, tu bổ nhà cửa, cổng ngõ, tường rào nhằm tạo cảnh quan và môi trường sạch, đẹp.

Cũng nhờ khơi được sức dân, xã Đắk Wer vừa được công nhận đạt chuẩn NTM trong năm 2018. Từ chỗ chỉ đạt 6 tiêu chí vào năm 2010, đến nay, xã Đắk Wer đã đạt 19/19 tiêu chí về NTM. Hệ thống hạ tầng nông thôn trên địa bàn ngày càng hoàn thiện, đời sống nhân dân được nâng cao. Toàn xã đã huy động được hơn 280 tỷ đồng, trong đó vốn đối ứng của nhân dân là 5,6 tỷ đồng và nhân dân hiến đất, cây cối trị giá hơn 83,5 tỷ đồng, cùng các nguồn vốn khác để xây dựng NTM. Thu nhập bình quân đầu người được trên 45 triệu đồng/năm, tỷ lệ hộ nghèo còn 6,6% và 85% số hộ dân có nhà ở đạt chuẩn, không còn nhà tạm, dột nát... Kết quả này là minh chứng rõ ràng nhất cho sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị và nhân dân trên địa bàn xã. Trong đó, sự ủng hộ, tham gia tích cực của người dân vào các công trình, phần việc cụ thể và sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của Đảng bộ xã, vai trò của các tổ chức, đoàn thể, các ban phát triển thôn, bon đã được phát huy.

Nhờ đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phong trào nhân dân hiến đất xây dựng NTM ở địa bàn huyện đã tạo sức lan tỏa đến từng nhà, từng người. Điển hình như ông Võ Minh Tân ở xã Đạo Nghĩa tự nguyện hiến 2.000m2 đất để xây hố chôn lấp rác tạm thời, lò đốt rác thải sinh hoạt, mua xe để thu gom rác thải trong vùng. Ông Nguyễn Văn Hoa ở thôn 7, xã Nhân Đạo không chỉ đóng góp kinh phí, hiến 230m2 đất làm đường giao thông mà còn vận động nhân dân trong thôn tham gia ủng hộ. Ông Điểu N’Tao ở bon Bu N’dóh, xã Đắk Wer hiến 300m2 đất xây dựng hội trường bon. Ông Nguyễn Ngọc Thạch ở thôn 13, xã Đắk Sin vận động nhân dân đóng góp xây dựng 1,5 km đường giao thông nông thôn trị giá 1,7 tỷ đồng…

Theo đồng chí Nguyễn Văn Vân, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy:

Hưởng ứng phong trào thi đua “Đắk Nông chung sức xây dựng NTM”, nhiều địa phương trong tỉnh đã biết phát huy sức dân, lấy dân làm gốc với phương châm “dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, giám sát và dân hưởng lợi”. Từ đó, nhiều địa phương đã huy động được nhân dân chung tay góp sức cùng chính quyền trong xây dựng NTM; trong đó, Đắk R’lấp là một minh chứng rõ nét nhất. Bởi suy cho cùng, xây dựng NTM cũng chính là phục vụ dân sinh. Nhân dân vừa là chủ thể thực hiện vừa là đối tượng thụ hưởng. Vì vậy, khi được tiếp cận với các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, được phát huy dân chủ, nói lên tiếng nói của mình thì mỗi người dân sẽ hiểu trách nhiệm của mình trong đóng góp thực hiện xây dựng NTM.

Đầu năm 2018, tỉnh Đắk Nông đã có thêm 5 xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng tổng số xã NTM toàn tỉnh lên 10 xã. Đến nay, mỗi xã đạt bình quân 11,57 tiêu chí (tăng 0,54 tiêu chí so với năm 2016). Theo lộ trình, năm 2018, tỉnh phấn đấu sẽ có thêm 6 xã nữa đạt chuẩn NTM đó là Nâm N'Jang (Đắk Song), Thuận An (Đắk Mil), Trúc Sơn (Cư Jút), Đắk Nia (Gia Nghĩa), Kiến Thành và Quảng Tín (Đắk R'lấp).

>>Kỳ 2: Lan tỏa phong trào giúp nhau giảm nghèo

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Lấy dân làm gốc, khơi dậy, phát huy sức dân (kỳ 1): Khơi sức dân xây dựng nông thôn mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO