Người là vĩ nhân mà hết sức đời thường

Tường Mạnh| 18/05/2018 09:29

Mới đây, nhân dịp tham dự Hội nghị triển khai công tác hội năm 2018 do Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức tại tỉnh Nghệ An, chúng tôi cùng đoàn đại biểu Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố trong cả nước được về thăm quê hương Bác Hồ ở Làng Sen, thuộc xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (Nghệ An), với nhiều cảm xúc khó tả.

ADQuảng cáo

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm đồng bào Hùng Sơn, xã Phục Linh, huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên năm 1954. Ảnh tư liệu

Ngôi nhà lá đơn sơ

Sau khi dâng hương, hoa, báo công lên Bác tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chúng tôi được hướng dẫn thăm ngôi nhà mà Bác Hồ từng sống từ thời thơ ấu. Hình ảnh dãy hàng rào bằng râm bụt và ngôi nhà lá đơn sơ, với những hiện vật giản dị đã đi vào lịch sử và quá đỗi quen thuộc với bao người dân Việt Nam cũng như bạn bè thế giới. Ngay trước sân dựng một tấm bảng ghi bằng hai thứ tiếng Việt-Anh, giới thiệu tóm tắt lịch sử ngôi nhà để bất cứ ai đến đây đều có thể hiểu rõ gốc tích.

Theo đó, Khoa thi Hội năm Tân Sửu (1901), ông Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh) đỗ Phó Bảng và là lần đầu tiên ở Làng Sen có người đỗ đạt cao. Trước niềm vinh dự đó, nhân dân Làng Sen đã trích mảnh đất rộng 2.500m2 là đất học điền làm vườn, mua một ngôi nhà năm gian bằng gỗ, lợp tranh lá mía về dựng tại đây và mời gia đình Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc về ở. Từ năm 1901-1906, Phó Bảng Nguyễn Sinh Sắc cùng 3 người con (Nguyễn Thị Thanh, Nguyễn Tất Đạt, Nguyễn Tất Thành - tên gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh thời niên thiếu) rời làng Hoàng Trù về sống ở Làng Sen.

Khu vườn và ngôi nhà lá đơn sơ, nơi Bác Hồ sống từ thuở ấu thơ đã đi vào lịch sử

Chính tại ngôi nhà này, Nguyễn Tất Thành đã nhiều lần tiếp xúc với các sĩ phu và nhà nho yêu nước như Phan Bội Châu, Đặng Thái Thân, Đặng Nguyên Cẩn, Vương Thúc Quý… và đã sớm hình thành tư tưởng yêu nước thương dân. Cuối năm 1906, Nguyễn Tất Thành theo cha vào Huế và học ở Trường Quốc học Huế, tham gia tích cực phong trào chống thuế ở Trung kỳ. Cuối năm 1909 rời Huế đi vào các tỉnh phía Nam và ngày 5/6/1911 ra đi tìm đường cứu nước.

Sau nhiều năm biến động của đất nước, gia đình bên nội Bác Hồ không sống ở đây, ngôi nhà được giao cho người khác sử dụng. Năm 1956, ngôi nhà được sưu tầm về và dựng lại trên nền đất cũ để làm di tích lưu niệm. Những hiện vật đơn sơ, giản dị tại ngôi nhà đã gắn bó nhiều kỷ niệm sâu sắc trong 5 năm tuổi niên thiếu của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Nơi đây còn ghi dấu sự kiện hai lần Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm: Ngày 16/6/1957 và ngày 9/12/1961. Ngôi nhà được Nhà nước xếp hạng Di tích Quốc gia năm 1990 và xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt năm 2012.

ADQuảng cáo

Đoàn đại biểu Hội Nhà báo các tỉnh, thành phố nghe giới thiệu về di tích ngôi nhà thời niên thiếu Bác Hồ từng sống ở Làng Sen

Tư tưởng cao cả, vĩ đại

Sau đó, đoàn chúng tôi tham quan Triển lãm học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh được tổ chức ngay tại Khu di tích Kim Liên và có dịp tìm hiểu rất nhiều hình ảnh, tư liệu, bút tích được trưng bày tại đây. Theo như lời giới thiệu thì có đến gần 200 hình ảnh, tài liệu, trong đó có nhiều tài liệu bút tích của Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày nhằm góp phần giới thiệu một trong những di sản Người để lại cho dân tộc Việt Nam, đó là tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong đó, có nhiều câu nói nổi tiếng của Bác tại các hội nghị, cuộc nói chuyện, hay trong các tác phẩm được trích dẫn, in trên panô, cùng với những hình ảnh kèm theo rất sinh động.

Điển hình, với tinh thần khiêm tốn, cầu thị của một người cộng sản chân chính, Bác nói: “Một dân tộc, một đảng và mỗi con người, ngày hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân”; "Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán hai chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”; “Cái gan cần phải to lớn, nhưng cái tâm thì nên tế nhị, chín chắn, cái trí phải suy nghĩ cho toàn diện và đức hạnh phải vuông vắn, ngay thẳng”…

Bài viết của Cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh được trích dẫn tại Triển lãm về học Bác tổ chức ở Khu di tích Kim Liên

Có dịp được chứng kiến những hình ảnh, tư liệu, câu nói của Bác ngay tại quê hương của Bác Hồ, đối với nhiều người thật sự hết sức thiêng liêng về sự cao cả, vĩ đại của tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Mỗi một câu nói của Bác được trích dẫn ngắn gọn, nhưng thật súc tích, ý nghĩa và cũng rất gần gũi, thân quen, ai cũng có thể soi rọi vào đó để học tập và làm theo.

Bên cạnh những câu nói, bút tích nổi tiếng của Bác Hồ, tại Triển lãm còn trích bài viết của cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh khi nói về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc: “Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu tấm gương sáng ngời trước nhân dân Việt Nam về đạo đức mới, tin tưởng tuyệt đối vào lý tưởng cách mạng, vào tương lai tươi sáng của dân tộc và nhân loại. Người tỏ ra một nghị lực phi thường và sống với phương châm “Giàu sang không thể quyến rũ, nghèo khó không thể chuyển lay, uy vũ không thể khuất phục”, với tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Người sống một cuộc sống riêng thanh cao và giản dị. Sự nghiệp, tư tưởng và đạo đức sáng ngời của Người sống mãi trong lòng kính yêu vô hạn của nhân dân Việt Nam”.

Với những hình ảnh, tư liệu sinh động, Triển lãm giúp mỗi người có thêm những cảm nhận về việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, đó là học tư tưởng, cái cốt cách, tinh thần, học về cách tư duy, về cách hành động, về cách ứng xử, về tấm lòng bao dung, rộng lượng của Người. Chủ tịch Hồ Chí Minh là bậc vĩ nhân, bậc đại nhân, đại trí, đại dũng, nhưng lại hết sức đời thường, chứa đựng tình yêu thương con người, dân tộc hết sức bao la. Mỗi người học và làm theo Bác phải thật tự nhiên, thể hiện trong tư duy, hành động, ứng xử trong lối sống, công việc hàng ngày sao cho có văn hóa, phong cách riêng, chứ không thể bắt chước, tỏ vẻ cho giống là được.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Người là vĩ nhân mà hết sức đời thường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO