Ông Sáng “làm dâu trăm họ” ở thôn Nam Sơn

Vũ Trang| 09/11/2015 15:08

Nhiều năm nay, bà con đã quen thuộc với hình ảnh ông Sáng với cái túi y tế rong ruổi trên khắp các ngã đường của thôn vào mỗi buổi sáng sớm hoặc chiều tà”, đó là chia sẻ của nhiều người dân khi nói về ông Vương Văn Sáng-nhân viên y tế thôn Nam Sơn, xã Nam Đà (Krông Nô).

Năm 1987, sau khi rời quân ngũ, ông Sáng trở về với cuộc sống đời thường và tham gia công tác xã hội với vai trò là thành viên ban tự quản thôn. Được tiếp xúc với nhiều người, gặp gỡ nhiều gia đình, ông Sáng nhận thấy nhận thức của bà con về chăm sóc sức khỏe còn rất hạn chế.

Mỗi khi đau ốm, bà con thường mời thầy về cúng hoặc chữa theo những kinh nghiệm dân gian, nên bệnh không những không khỏi mà còn nặng hơn. Trước thực tế đó, ông Sáng luôn ngày đêm trăn trở để làm sao thay đổi nhận thức cùng tập tục sinh  hoạt lạc hậu của bà con. Ông Sáng bắt đầu tìm tòi, nghiên cứu các tài liệu chăm sóc sức khỏe để chia sẻ cho người dân.

Ông Sáng đến từng nhà tư vấn, chăm sóc sức khỏe cho người dân trong thôn

Ông Sáng cho biết: “Lúc bấy giờ, tôi chỉ muốn làm một điều gì đó giúp bà con. Thế nhưng, do cách sống, cách nghĩ của bà con đã tồn tại khá lâu nên trong “một sớm một chiều” khó có thể thay đổi. Bằng nhiều cách tiếp cận, vận động, áp dụng kiến thức chăm sóc sức khỏe vào thực tế gia đình mình, cuối cùng, bà con cũng dần tin tưởng và thay đổi nhận thức, hành vi”.

Nhận thấy năng lực cũng như nhiệt huyết của ông, năm 1999, Trạm y tế đề nghị ông tham gia lớp đào tạo nhân viên y tế thôn bon. Quá trình đào tạo không chỉ giúp ông trang bị thêm nhiều kiến thức về chăm sóc sức khỏe, nhất là cách nhận biết, phòng tránh các loại bệnh thông thường mà còn thực hiện được các phương pháp sơ cấp cứu ban đầu đối với những tai nạn thường xảy ra ở địa phương. Từ đó, ông hoạt động ngày càng hiệu quả hơn trên “mặt trận” tuyên truyền phòng, chống dịch, bệnh tại địa phương.

Đặc biệt, để bà con dễ nhớ, dễ hiểu, ông Sáng đã chuyển tải kiến thức về chăm sóc sức khỏe vào những tác phẩm thơ ca. Đến nay, ông đã sáng tác hơn 20 bài hát và 30 bài thơ về các chủ đề như phòng, chống suy dinh dưỡng trẻ em, dân số-kế hoạch hóa gia đình, phòng, chống dịch, bệnh...

Chị Nguyễn Thị Loan, một người dân trong thôn chia sẻ: “Nhiều bài thơ, bài hát của chú Sáng đã trở thành câu nói cửa miệng của chị em trong thôn. Qua câu thơ, lời hát, kiến thức về chăm sóc sức khỏe giúp chị em lâu quên hơn. Bản thân tôi, từ khi sinh đứa con đầu thì đã thuộc lòng bài thơ “Chăm con thế nào” của chú Sáng”.

Còn bà Nguyễn Thị Canh cũng cho biết: “Nhờ được anh Sáng hướng dẫn, tuyên truyền mà bà con trong thôn đã biết cách phòng bệnh hiệu quả”.

Bằng những cách làm hiệu quả, trong nhiều năm trở lại đây, trên địa bàn thôn hầu như không xảy ra dịch, bệnh nào nguy hiểm. Mỗi khi đau ốm, người dân đều chủ động tìm đến cơ sở y tế để khám và điều trị. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ mang thai khám thai định kỳ, phụ nữ đẻ được cán bộ y tế chăm sóc, tỷ lệ trẻ em được tiêm vắc xin phòng bệnh... đều chiếm từ 98-100%.

Ông Sáng tâm sự: “Làm công tác y tế thôn không khác nào “làm dâu trăm họ”, vất vả là vậy nhưng tôi vẫn rất yêu công việc này. Với tôi, cái cho đi là kinh nghiệm, là nhiệt huyết nhưng cái nhận về là tình cảm của bà con, là sự tin tưởng của ngành, của địa phương”.  

Cho đến nay, được xem là một trong những nam nhân viên y tế thôn hiếm hoi trên địa bàn tỉnh, ông Sáng đã tình nguyện, gắn bó với công tác tuyên truyền, chăm sóc sức khỏe cộng đồng hơn 15 năm.

Với những kết quả hoạt động nổi bật tại địa phương, ông Sáng thường xuyên được chọn để tham gia các hội thi của xã, huyện, tỉnh về các chương trình y tế và luôn đạt được những thành tích cao. Ông còn vinh dự được nhận nhiều Bằng khen, giấy khen của Bộ Y tế, UBND tỉnh… vì có nhiều thành tích trong công tác tuyên truyền phòng, chống dịch, bệnh tại địa phương.

Chia sẻ về công việc, ông Sáng cho biết: “Mặc dù hiện nay tuổi đã lớn, nhưng tôi vẫn mong muốn được tiếp tục tham gia công tác y tế tại địa phương. Tôi sẽ nỗ lực, cố gắng để phục vụ ngày càng tốt hơn cho cộng đồng, xứng đáng là “cầu nối” đáng tin cậy giữa bà con với ngành Y tế”.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Sáng “làm dâu trăm họ” ở thôn Nam Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO