Trung úy Điểu Danh "3 bám, 4 cùng" với đồng bào

Lam Giang| 10/08/2017 09:19

Hơn 3 năm gắn bó với xã Thuận An (Đắk Mil), Trung úy Điểu Danh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An luôn được bà con nơi đây tin yêu, coi là người con của bon làng.

Trung úy Điểu Danh (bên trái) giúp người dân bon Sar Pa, xã Thuận An làm chuồng trại chăn nuôi

Nhận nhiệm vụ công tác tại địa bàn còn khó khăn và phức tạp về an ninh chính trị, trên cơ sở chỉ đạo của Ban chỉ huy đồn, Trung úy Điểu Danh đã chủ động xây dựng kế hoạch, cùng với toàn đội tiến hành các biện pháp, phương pháp vận động theo hướng bám sát quần chúng, nhất là người có uy tín, già làng, trưởng bon, chức sắc tôn giáo. Mặt khác, với đặc thù là địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số M’nông, anh đã cùng đồng đội kiên trì thực hiện phương châm "3 bám, 4 cùng"  (bám dân, bám địa bàn, bám chủ trương, chính sách; cùng ăn, cùng ở, cùng làm và cùng nói tiếng dân tộc) để vận động nhân dân.

Trung úy Điểu Danh chia sẻ: "Là người địa phương nên tôi hiểu khá rõ tập quán, lối sống của người dân. Bởi vậy, để thực hiện hiệu quả công tác vận động quần chúng, tôi cùng anh em trong đội luôn bám, nắm chắc tình hình địa bàn, gần dân, sát dân trong mọi việc, xuống từng hộ dân kiên trì tuyên truyền, giải thích để nâng cao nhận thức cho nhân dân. Những trường hợp không nghe được tiếng Kinh, chúng tôi nói bằng tiếng M’nông để bà con hiểu. Đồng thời, chúng tôi thường xuyên động viên, định hướng sản xuất, giúp các hộ dân vươn lên thoát nghèo, ổn định cuộc sống”.

Từ những việc làm ấy, nhận thức và hành động của bà con đã thay đổi theo hướng tích cực. Tình trạng vi phạm an ninh trật tự như đua xe, trộm cắp giảm hẳn, cũng như ý thức chấp hành pháp luật biên giới được nâng lên...

Chị H’Ban, bon Bu Đắk, xã Thuận An nói: “Có một thời kỳ, tôi và một số bà con nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu đã rời bon làng sang Campuchia, nhưng cuộc sống hết sức cực khổ. Sau đó, được bộ đội biên phòng đưa về, rồi thường xuyên đến động viên, giúp đỡ, cả nhà tôi mừng lắm. Nhà tôi giờ đủ ăn rồi, con cái  được đi học, cả nhà  bây giờ chăm lo làm ăn thôi”.

Để đẩy mạnh hoạt động tổ tự quản đường biên cột mốc, Trung úy Điểu Danh đã tham mưu cho đồn và địa phương rà soát, vận động được 126 hộ gia đình đang làm ăn, sản xuất trên vành đai biên giới tự nguyện tham gia ký kết tự quản đường biên, chia ra sinh hoạt tại 6 tổ tự quản. Đội cũng luôn có hình thức hỗ trợ phù hợp để động viên các thành viên yên tâm sản xuất, tham gia bảo vệ biên giới. Cụ thể, đơn vị đã trực tiếp mời các thành viên trong tổ lên giao nhiệm vụ, thống nhất báo cáo khi có tình huống xảy ra cũng như hỗ trợ một số nhu yếu phẩm như giày, dép, đèn pin... Đồn cũng luôn kịp thời trao đổi tình hình, thăm hỏi các thành viên khi ốm đau, lễ, tết.

Đặc biệt, thực hiện Chương trình “Nâng bước các em đến trường”, với mức hỗ trợ mỗi em 500.000 đồng/tháng, anh Điểu Danh đã đề xuất với chi đoàn gom lại từng quý, 6 tháng một lần hay vào đầu năm học để được số tiền lớn mua cho các em những vật dụng cần thiết, có giá trị như sách vở, cặp, quần áo, xe đạp... Các em học sinh được tặng quà cũng rất phấn khởi, chăm lo học tập. Ngoài ra, anh còn tham mưu và tích cực triển khai mô hình cắt tóc miễn phí cho các em trong các trường học trên địa bàn xã... Các việc làm trên đã nhận được sự quan tâm, khích lệ, tạo điều kiện từ cấp ủy, chỉ huy đơn vị, tổ chức đoàn và sự ủng hộ, giúp đỡ của địa phương, nhân dân trên địa bàn.

Với những nỗ lực của mình, Trung úy Điểu Danh nhiều lần được đơn vị biểu dương, khen thưởng, xứng đáng là tấm gương cho nhiều chiến sĩ trẻ noi theo. Đại úy Lang Văn Năm, Chính trị viên Đồn biên phòng Cửa khẩu Thuận An nhận xét: “Trung úy Điểu Danh luôn xung kích, gương mẫu đi đầu trong mọi công việc, hoạt động của đơn vị, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, được cấp trên đánh giá cao, nhân dân tin yêu".

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trung úy Điểu Danh "3 bám, 4 cùng" với đồng bào
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO