Trường THPT Trường Chinh có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học

Hoàng Hoài| 13/06/2019 08:58

Sau 3 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Trường THPT Trường Chinh, xã Đắk Wer (Đắk R’lấp) được đánh giá là tập thể điển hình với những cách làm sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học.

Trường THPT Trường Chinh vinh dự được nhận Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ

Theo ông Đào Công Hùng, Phó Bí thư Chi bộ, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Trường Chinh, hàng năm, trường đã cụ thể hóa các nội dung của Chỉ thị 05 bằng những hoạt động cụ thể, phù hợp với nhiệm vụ của đơn vị. Trường luôn xác định chất lượng giáo viên đóng vai trò then chốt để nâng cao chất lượng học sinh. Vì vậy, từ năm 2017, trường đã xây dựng nội dung đột phá đó là “Dạy học theo định hướng phát triển phẩm chất năng lực học sinh” và tiếp tục thực hiện mô hình “Đồng nghiệp cùng tiến”.

Trên cơ sở khung nội dung chương trình chung của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2017, chi bộ đã chỉ đạo xây dựng bộ phân phối chương trình mới của trường theo định hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh và tổ chức thực hiện trong năm học 2017-2018.

Trong đợt hội thảo chuyên môn do Sở Giáo dục và Đào tạo tổ chức cuối tháng 11/2017, trường đã thực hành 2 tiết dạy và được các đồng nghiệp, đơn vị bạn đánh giá cao về hiệu quả của phương pháp mới, phát huy năng lực học sinh. Việc đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá, dạy học tích hợp, liên môn theo hướng phát huy phẩm chất, năng lực học sinh được giáo viên tăng cường áp dụng và đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, trường còn triển khai nhiều mô hình mới để chia sẻ kinh nghiệm, giao lưu học tập giữa các giáo viên như “Đồng nghiệp cùng tiến”; “Đoàn kết, yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong công tác và học tập”... Cụ thể, mô hình “Đồng nghiệp cùng tiến” có nghĩa là mỗi cán bộ, đảng viên có kinh nghiệm công tác, trình độ chuyên môn vững vàng có trách nhiệm giúp đỡ kèm cặp một đồng nghiệp trẻ, còn thiếu kinh nghiệm công tác hoặc hạn chế về chuyên môn. Qua đó, những giáo viên mới ra trường sẽ được tăng cường kỹ năng sống, kinh nghiệm giảng dạy.

Phân luồng học sinh, tổ chức cho các em học nhóm để phân loại kiến thức là phương pháp được nhiều giáo viên Trường THPT Trường Chinh lựa chọn

Cô giáo Đỗ Thị Oanh, dạy môn Địa lý là một trong những giáo viên giàu kinh nghiệm và có nhiều thành tích xuất sắc trong bồi dưỡng học sinh giỏi hàng năm. Để có những học trò đạt kết quả cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, được phụ huynh tin tưởng, cô giáo Oanh luôn tìm tòi, áp dụng nhiều phương pháp học mới phù hợp với trình độ mỗi em.

Cô giáo Oanh cho biết: “Trong quá trình giảng dạy, tôi đều phân luồng kiến thức. Với học sinh giỏi, tôi sẽ giao những câu hỏi khó hơn mang tính đào sâu về kiến thức và cho học theo hình thức nhóm. Từ đó, các em tự tìm ra được nội dung kiến thức mình tự tìm hiểu, đó chính là kiến thức của học sinh. Đối với học sinh yếu, trung bình, đầu tiên tôi cung cấp kiến thức cơ bản, tiếp đến cho các em làm dạng câu hỏi ở mức nhận biết rồi đến kiến thức thông hiểu và tùy tiếp nhận của mỗi em để có câu hỏi khó hơn. Chính việc học từ từ, không áp đặt, không yêu cầu cao đó, các em đã được nâng cao kiến thức và yêu thích môn học hơn”.

Kinh nghiệm của cô giáo Oanh chính là bài học được nhiều giáo viên khác, nhất là giáo viên trẻ trong trường áp dụng. Cô giáo Phạm Thị Mai, dạy môn tiếng Anh là giáo viên trẻ, nên khi đứng lớp không tránh khỏi bỡ ngỡ. Vậy nhưng, bằng sự giúp đỡ của đồng nghiệp lâu năm, tham gia các buổi dự giờ, đứng lớp và trao đổi kinh nghiệm, cô Mai đã có những phương pháp đứng lớp, truyền đạt nội dung, phân loại học sinh, phân luồng kiến thức ngày càng khoa học. Nhờ vậy, các em đã từng bước hứng thú và say mê với môn tiếng Anh. Điều đáng nói, thông qua mô hình, các thầy cô giáo không chỉ được nâng cao kiến thức, kỹ năng chuyên môn mà còn tăng cường tình đoàn kết, yêu thương, giúp đỡ lẫn nhau và nêu cao tinh thần, trách nhiệm đối với nhiệm vụ “trồng người”.

Năm 2019, trường đã cụ thể hóa việc học và làm theo Bác là tôn trọng ý kiến góp ý của cán bộ, giáo viên, học sinh và chăm lo, tạo điều kiện để giáo viên phát huy năng lực, trách nhiệm của mình trong giảng dạy và các em học sinh có điều kiện tiếp thu kiến thức một cách tốt nhất. Mỗi cán bộ, giáo viên chủ động, sáng tạo, tận tụy, suy nghĩ, tìm tòi, dám nghĩ, dám làm, tự chịu trách nhiệm về những ý kiến, giải pháp của mình đưa ra cũng như đoàn kết, yêu thương giúp đỡ nhau trong công tác, cuộc sống, góp phần đào tạo những học sinh có đủ năng lực, phẩm chất.

Đối với mô hình “Đoàn kết, yêu thương, tôn trọng và giúp đỡ nhau trong công tác và học tập”, hàng năm, trường đều phân công giáo viên kèm cặp học sinh yếu kém, ham chơi lười học cũng như đến nhà vận động các em có nguy cơ bỏ học quay lại trường. Năm 2018, khi một học sinh trong trường chơi thể thao không may xảy ra tai nạn, cán bộ, giáo viên đã đóng góp và vận động các nhà hảo tâm được 20 triệu đồng hỗ trợ em chữa bệnh…

Với những nỗ lực trong lãnh đạo đổi mới phương pháp dạy học, nhiều năm liên tục, Chi bộ Trường THPT Trường Chinh đều được công nhận là “Chi bộ trong sạch vững mạnh tiêu biểu” và được Thủ tướng Chính phủ tặng Cờ thi đua. Kết quả này là minh chứng rõ nét nhất cho sự đoàn kết, trách nhiệm với công việc của cán bộ, đảng viên và giáo viên trong trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Trường THPT Trường Chinh có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới phương pháp dạy học
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO