Tự hào triết lý giáo dục Hồ Chí Minh

Vũ Hà| 20/11/2017 10:20

Kế thừa truyền thống hiếu học, coi trọng giáo dục của dân tộc và tư tưởng tiến bộ của các bậc tiền nhân, Bác Hồ xác định: “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”. Tin tưởng và kỳ vọng lớn lao vào thế hệ trẻ. Người chỉ rõ: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Theo Bác Hồ, “một dân tộc dốt là một dân tộc yếu”; vì thế, phải ưu tiên đặc biệt cho giáo dục, phải coi giáo dục là quốc sách hàng đầu. Từ năm 1930, trong Lời kêu gọi nhân ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam, Người đã nêu ra khẩu hiệu “thực hành giáo dục toàn dân” tức là phải tiến hành phổ cập giáo dục. Ngay sau khi nước ta giành được độc lập 1945, Bác Hồ đã chú trọng đặc biệt đến vấn đề “diệt giặc dốt” để nâng cao dân trí. Người đã ban hành rất nhiều sắc lệnh liên quan đến giáo dục, như: Sắc lệnh về việc thành lập Nha bình dân học vụ; Sắc lệnh về việc thiết lập một quỹ tự trị cho Trường đại học Việt Nam; Sắc lệnh về việc thành lập Hội đồng Cố vấn học chính...

Triết lý giáo dục của Bác Hồ rất rõ ràng, với quan điểm giáo dục toàn diện. Người nói: “Học bây giờ với học dưới chế độ thực dân phong kiến khác hẳn nhau. Bây giờ phải học để: Yêu Tổ quốc, yêu nhân dân, yêu lao động, yêu khoa học, yêu đạo đức... Học để phụng sự ai? Để phụng sự Tổ quốc, phụng sự nhân dân, làm cho dân giàu, nước mạnh”. Để đạt được mục tiêu và nhiệm vụ giáo dục nói trên thì: “Cốt lõi trong giáo dục là phải dạy cho học trò biết yêu nước, thương nòi. Phải dạy cho họ có chí tự lập, tự cường, quyết không chịu thua kém ai, quyết không chịu làm nô lệ”.

Hạt nhân và cũng là mục tiêu rất quan trọng trong triết lý giáo dục của Bác Hồ là xây dựng một nền giáo dục mang tính nhân dân, mà trong đó: “Ai cũng được học hành”. Quan điểm này thể hiện tư duy hiện đại, tiến bộ vượt bậc trong giáo dục so với các nền giáo dục trước đó. Qua đó cho thấy tính nhân văn, công bằng, dân chủ... chi phối toàn bộ những sự nghiệp cách mạng của Bác. Xét đến cùng, mục tiêu rất quan trọng trong triết lý giáo dục Bác Hồ là tất cả đều xoay quanh vấn đề con người, hướng tới con người, vì con người và do con người, con người phải được phát triển toàn diện.

Bác Hồ rất coi trọng phương pháp giáo dục và đã đưa ra những quan niệm rất mới, rất hiện đại, thể hiện tầm nhìn vượt thời đại của mình về cách học với nội dung cơ bản: Phải biết tự giác học tập “lấy tự giác làm cốt” là cách học được áp dụng rộng rãi trên thế giới; “Phải nêu cao tác phong độc lập suy nghĩ và tự do tư tưởng. Đọc tài liệu thì phải đào sâu hiểu kỹ, không tin một cách mù quáng từng câu một trong sách...”; “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời… Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi”...

Điều đáng nói là, năm 1996 UNESCO mới đề ra khẩu hiệu “học suốt đời”, trong khi đó, Bác Hồ đã đưa ra quan điểm “học suốt đời” từ 1949, sớm hơn UNESCO 47 năm. UNESCO đã đề xuất bốn trụ cột của giáo dục trên toàn thế giới thế kỷ XXI, đó là “học để có kiến thức, học để làm việc, học để biết chung sống với nhau và học để làm người”. Bốn trụ cột đó được xem như là chân lý, triết lý giáo dục cho toàn thế giới trong thế kỷ XXI. Thế nhưng, điều này đã được Bác Hồ đề ra ngay từ tháng 9/1949 trong cuốn Sổ vàng khi Người đến thăm Trường Nguyễn Ái Quốc Trung ương: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại…”. Điều đó đã cho thấy tầm nhìn và sự tiến bộ vượt thời đại trong triết lý giáo dục Hồ Chí Minh.

“Tôi nghĩ rằng mình cần phải gửi thông tin này đến UNESCO để cả thế giới thấy rõ Bác Hồ và Việt Nam đã góp phần phát triển giáo dục như thế nào”. Với suy nghĩ như vậy, tháng 7/2014, Giáo sư Trần Văn Nhung, Tổng Thư ký Hội đồng Chức danh giáo sư nhà nước đã gửi thư tới bà Tổng Giám đốc UNESCO để chia sẻ thông tin. Giáo sư Trần Văn Nhung cũng gửi thư tới bà Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam và ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam đề nghị: “Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam trình nguyên bản bút tích nói trên năm 1949 của Chủ tịch Hồ Chí Minh kèm theo bản dịch tiếng Anh, tiếng Pháp lên UNESCO tại Paris để thấy Hồ Chí Minh hơn nửa thế kỷ trước đã góp phần xây dựng nên bốn trụ cột giáo dục của toàn thế giới trong thế kỷ XXI do UNESCO khuyến nghị năm 1996 như thế nào”.

Sau khi gửi thư đi, Giáo sư Trần Văn Nhung đã nhận được thư phúc đáp từ ông Qian Tang, Trợ lý về Giáo dục của Tổng Giám đốc UNESCO thay mặt Tổng Giám đốc có đoạn: “Quả thực, cách thức nhìn nhận của Chủ tịch Hồ Chí Minh rất gần gũi với bốn trụ cột giáo dục được đề xuất trong Báo cáo Delors năm 1996 của UNESCO dưới nhan đề “Học tập: Một kho báu tiềm ẩn”... “Chúng tôi cám ơn các ông đã góp phần tiếp tục làm giàu lý luận giáo dục thế giới bằng minh chứng tầm nhìn giáo dục rất nhân văn của Chủ tịch Hồ Chí Minh”.

Nhà văn hóa và Đạo diễn điện ảnh nổi tiếng Đỗ Minh Tuấn đã bình luận: “...Những câu nói về giáo dục của Hồ Chí Minh là những câu nói đầu tiên mang tư tưởng về giáo dục của riêng Hồ Chí Minh mà sau này UNESCO lặp lại, dù vô tình hay có tham khảo, để triển khai từ cách tiếp cận mang tính hệ thống hóa, giải trình chi tiết. Vì thế, bản quyền ý tưởng vẫn thuộc về Hồ Chí Minh". Ngày nay, Đảng và Nhà nước ta đã nghiên cứu, vận dụng sáng tạo triết lý giáo dục Hồ Chí Minh vào việc hoạch định chủ trương, chính sách, pháp luật về giáo dục ở Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tự hào triết lý giáo dục Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO