Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm tốt công tác cán bộ

H.V| 19/05/2017 10:24

Sinh thời, Bác Hồ rất quan tâm đến công tác cán bộ, Người đã chỉ rõ: "Cán bộ là gốc rễ của mọi công việc", "Muôn việc thành công hay thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém". Người đã cho chúng ta nhiều chỉ dẫn có ý nghĩa phương pháp luận khoa học để xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các đồng chí lãnh đạo xã và Ban chủ nhiệm HTX-NN thôn Lạc Trung, xã Bình Dương, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc về công tác quy hoạch ruộng đất (25/1/1961). Ảnh tư liệu

Hiểu và đánh giá đúng cán bộ để lựa chọn và sử dụng đúng cán bộ

Đây là yêu cầu xuất phát để tiến hành các mặt khác của công tác cán bộ. Nếu không đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ thì không thể đề ra chính sách cán bộ một cách đúng đắn được. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, cứ mỗi  lần xem xét lại cán bộ, một mặt sẽ tìm thấy những nhân tài mới, mặt khác thì những người yếu kém sẽ bị lòi ra.

Hiểu, đánh giá đúng cán bộ và tình hình công tác cán bộ phải có những yêu cầu, chuẩn mực phù hợp với từng thời kỳ, từng địa phương, từng lĩnh vực, đánh giá một cách hoàn toàn công minh, khách quan. Thông thường, việc đánh giá thực trạng công tác cán bộ là rất khó. Đồng thời, trong công tác cán bộ, việc đánh giá cán bộ là một trong những điểm khó hơn cả. Chính vì đánh giá đúng tình hình và đánh giá đúng phẩm chất, năng lực của cán bộ, biết được chỗ mạnh, chỗ yếu của cán bộ, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sử dụng cán bộ rất đúng để làm lợi cho cách mạng, nhất là những lúc cách mạng gặp nhiều thử thách.

Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong việc lựa chọn đúng cán bộ được thể hiện chủ yếu trong bốn nội dung sau đây: Một là, những người đã tỏ ra rất trung thành và hăng hái trong công việc, trong lúc đấu tranh. Hai là, những người liên lạc mật thiết với dân chúng, hiểu biết dân chúng, luôn luôn chú ý đến lợi ích của dân chúng. Ba là, những người có thể phụ trách giải quyết các vấn đề trong những hoàn cảnh khó khăn. Ai sợ phụ trách và không có sáng kiến thì không phải là người lãnh đạo. Người lãnh đạo đúng đắn là người khi thất bại không hoang mang, khi thắng lợi không kiêu ngạo, khi thi hành các nghị quyết thì kiên quyết, gan góc, không sợ khó khăn.

Bốn là, những người luôn luôn giữ đúng kỷ luật. Người làm công tác cán bộ khi đánh giá, xem xét cán bộ phải ''tự biết mình'', tức là biết được ''sự phải trái của mình'', sửa chữa những khuyết điểm của mình, để "mình càng ít khuyết điểm thì cách xem xét cán bộ càng đúng", như thế mới không phạm những căn bệnh: 1. Tự cao tự đại; 2. Ưa người ta nịnh mình; 3. Do lòng yêu, ghét của mình mà đối với người; 4. Đem một cái khuôn khổ nhất định, chật hẹp mà lắp vào tất cả mọi người khác nhau. Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, nếu phạm một trong bốn bệnh đó thì người làm công tác cán bộ cũng như mắt đã mang kính có màu, không bao giờ thấu rõ cái mặt thật của những cái mình trông.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh rằng, xem xét một cán bộ không nên chủ xem xét mặt bên ngoài, xem xét qua một việc, mà phải xem xét kỹ toàn bộ công việc của cán bộ đó. Quan niệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh là: Trong thế giới, cái gì cũng biến hóa, tư tưởng con người cũng vậy, cho nên xem xét cán bộ phải toàn diện, xem xét cả một quá trình công tác của cán bộ. Có người trước đây có sai lầm nhưng nay đã sửa chữa được, có người nay không có sai lầm nhưng sau lại mắc sai lầm, có người trước đây đi theo cách mạng nay lại phản cách mạng, ngược lại có người trước đây không theo cách mạng nay lại tham gia cách mạng... nghĩa là quá khứ, hiện tại, tương lai của mọi người không phải luôn luôn giống nhau. Do đó, xem xét cán bộ phải xem xét cả lịch sử của họ, toàn bộ công việc của họ.

Phải “khéo dùng cán bộ”, ''dùng người đúng chỗ, đúng việc''

Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Phải ''dùng người đúng chỗ, đúng việc''. Người cho rằng: Dùng người như dùng gỗ, người thợ khéo thì gỗ to nhỏ, thẳng, cong đều tùy chỗ mà dùng được. Người phê bình: Thường chúng ta không biết tùy tài mà dùng người, thí dụ: Thợ rèn thì bảo đi đóng tủ, thợ mộc thì bảo đi rèn dao, thành thử hai người đều lúng túng, nếu biết tùy tài mà dùng người thì hai người đều thành công.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê bình nghiêm khắc tệ ''kéo bè kéo cánh'' trong công tác cán bộ. Tệ này phát sinh từ bệnh bè phái, ai hợp với mình thì dù người xấu cũng cho là tốt, việc dở cũng cho là hay, rồi che đậy cho nhau, ủng hộ lẫn nhau; ai không hợp với mình thì người tốt cũng cho là người xấu, việc hay cũng cho là dở, rồi tìm cách gièm pha, nói xấu, tìm cách dìm người đó xuống. Khuyết điểm này, như Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ ra, nó rất tai hại, nó làm Đảng bớt mất nhân tài và không thực hành được đầy đủ chính sách của mình, làm hại sự thống nhất, làm mất sự thân ái, đoàn kết đồng chí, gây ra những mối nghi ngờ...

Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu ra quan điểm toàn diện khi xem xét để đề bạt, bổ nhiệm cán bộ: khi cất nhắc một cán bộ, cần phải xét rõ người đó có gần gụi quần chúng, có được quần chúng tin cậy và mến phục không, lại phải xem người ấy phù hợp với việc gì. Nếu người có tài mà dùng không đúng tài của họ, cũng không được việc. Nếu cất nhắc không cẩn thận, không khỏi đem người bô lô ba la, chỉ nói mà không biết làm vào những địa vị lãnh đạo, như thế rất có hại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh phê phán những bệnh sau đây: 1. Ham dùng người bà con, anh em quen biết, bầu bạn, vì cho họ tốt hơn người bên ngoài; 2. Ham dùng những kẻ khéo nịnh hót mình mà chán ghét những người chính trực; 3. Ham dùng những người tính tình hợp với mình mà tránh những người tính tình không hợp với mình.

Chủ tịch Hồ Chí Minh thăm Hội nghị Cán bộ nữ toàn miền Bắc (1956). Ảnh tư liệu

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ

Trong công tác cán bộ, phải chú ý việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng, đây là công việc gốc của Đảng khi đặt trong mối quan hệ với nội dung vai trò của cán bộ. Công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ là một công việc quan trọng, phải được tiến hành thường xuyên. Những điểm đáng chú ý mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu là:

+ Học phải thiết thực, ''Lấy tự học làm cốt. Do thảo luận và chỉ đạo giúp vào''; Học phải đi đôi với hành, lý luận phải gắn với thực tế; Sắp xếp thời gian và bài học phải hợp lý; Tuyệt đối chống bệnh chủ quan, hẹp hòi, ba hoa; Các tài liệu huấn luyện phải do cơ quan lãnh đạo xét kỹ; Những giờ học tập đều tính như những giờ làm việc; Khi cất nhắc cán bộ, phải xem kết quả học tập cũng như kết quả công tác khác mà định; Phải lựa chọn rất cẩn thận những nhân viên phụ trách việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; Những người lãnh đạo phải tham gia giảng dạy các lớp đào tạo bồi dưỡng cán bộ của Đảng; Đầu tư cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ phải có kinh phí tương xứng với yêu cầu, ''không nên bủn xỉn về các khoản chi tiêu trong việc huấn luyện''.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đưa ra quan điểm dùng cán bộ đúng với 5 nội dung:

Một là, phải có độ lượng thì mới có thể có thái độ và tinh thần chí công vô tư đối với cán bộ, không có thành kiến, khiến cán bộ không bị bỏ rơi.

Hai là, phải có tinh thần rộng rãi mới có thể gần gụi với những người mà mình không ưa.

Ba là, phải có tính chịu khó dạy bảo mới có thể nâng đỡ những cán bộ còn kém, giúp cho họ tiến bộ.

Bốn là, phải sáng suốt mới khỏi bị bọn vu vơ bao vây mà cách xa cán bộ tốt.

Năm là, phải có thái độ vui vẻ, thân mật, cán bộ mới vui lòng gần gụi mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về làm tốt công tác cán bộ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO