Vươn lên bằng ý chí và nghị lực

Hoàng Hoài| 07/03/2018 09:38

Với suy nghĩ “tàn nhưng không phế”, thời gian qua, nhiều cựu chiến binh (CCB) là thương, bệnh binh trên địa bàn xã Nam Dong (Chư Jút) luôn chủ động vươn lên trong cuộc sống để khẳng định mình.

Mang trên mình bệnh tật do di chứng chiến tranh để lại, song ông  Hoàng Đức Ái luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế, làm gương cho thế hệ trẻ noi theo

Để đáp ứng nguyện vọng được giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm về mọi mặt của nhiều thương, bệnh binh, năm 2009, Câu lạc bộ (CLB) “Thương bệnh binh” xã Nam Dong được thành lập, hoạt động dưới sự quản lý, chỉ đạo của Hội CCB xã. Sau nhiều năm, đến nay, CLB đã thu hút được 38 thành viên sinh hoạt thường xuyên. Tham gia sinh hoạt, các thành viên thoải mái trao đổi, chia sẻ với nhau những tâm tư, tình cảm, buồn vui trong cuộc sống và nhất là giới thiệu cho nhau những cách làm hay, mô hình mới trong phát triển kinh tế cũng như động viên nhau trong xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng.

Dù mỗi người mỗi hoàn cảnh, song hàng năm, các thành viên đều đóng góp quỹ để giúp nhau trong lúc khó khăn hoạn nạn. Hiện tại, CLB đã có số vốn khoảng 100 triệu đồng giúp cho khoảng 6 lượt hội viên vay, người nhiều 20 triệu đồng, ít thì 15 triệu đồng để chăm sóc hồ tiêu, cà phê, chăn nuôi gà, cá, trồng rau…

Ông Hoàng Đức Ái, Chi hội CCB thôn 1 là bệnh binh mất sức 61% và cũng là một trong những thành viên tích cực của CLB. Theo ông Ái, các thành viên đều có sự gần gũi, sẻ chia, động viên nhau rất kịp thời. Khi một người nào đó đau ốm hay gia đình có chuyện gì thì các anh em ngay lập tức có mặt. Sự giúp đỡ về tinh thần chính là nguồn động viên quý giá giúp các gia đình thêm vững tin hơn trong cuộc sống.

Ông Ái cho biết: “Mỗi người mỗi lời nói, tiếp thêm tinh thần cho nhau vượt qua hoàn cảnh, như lời Bác dạy “thương binh tàn nhưng không phế”.

Cũng như những thương, bệnh binh khác, ông Ái có xuất phát điểm khó khăn, nhưng bằng ý chí, nghị lực của “Bộ đội Cụ Hồ”, dần dần, ông đã vươn lên bằng chính bàn tay khối óc của mình. Hiện nay, gia đình ông có 3 ha đất trồng cà phê, tiêu, cao su, lúa và chăn nuôi thêm gà, cá để nâng cao thu nhập.

Mỗi ngày, ông đều nhắc nhở bản thân, mình là “Bộ đội Cụ Hồ”, được tôi luyện trong quân ngũ, khó khăn nào cũng trải qua, nên không được kêu nghèo, than khổ hay ngồi trông chờ vào sự giúp đỡ bên ngoài mà phải vươn lên bằng chính ý chí và sức lực của mình. Vì vậy, bệnh tật là thế, nhưng ông luôn vượt qua tất cả, trở thành tấm gương sáng cho con cháu và bà con lối xóm noi theo. 

Bệnh binh Hoàng Đức Ái luôn nỗ lực trong phát triển kinh tế bằng việc đa dạng hóa cây trồng vật nuôi

Không riêng gì ông Ái, các thành viên khác như ông Triệu Kim Sơn, ông Hoàng Trung Lập… cũng từ khó khăn đã nỗ lực chiến thắng thương tật trở thành những CCB giỏi làm kinh tế, nhiệt tình với hoạt động hội và gương mẫu về đạo đức, lối sống. Điều đáng nói, hàng năm, CLB tổ chức 2 buổi gặp mặt gia đình các hội viên. Qua đó, không chỉ nắm bắt được tình hình cuộc sống mỗi người mà các gia đình còn có dịp gặp mặt, hiểu biết về nhau, động viên nhau luôn đoàn kết, gương mẫu trong cuộc sống và phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2012-2017, toàn xã có trên 200 cán bộ, hội viên CCB tham gia hiến 5.000m2 đất, đóng góp trên 4,35 tỷ đồng và hàng ngàn ngày công lao động để làm đường giao thông. Trên 22 km đường bê tông, gần 70 km đường cấp phối của xã Nam Dong được xây dựng đều không phải đền bù cho người dân, nhất là các CCB, thương, bệnh binh.

Theo ông Đặng Xuân Tản, Chủ tịch Hội CCB xã Nam Dong, CLB “Thương bệnh binh” là một ví dụ điển hình về tinh thần tự lực tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm chính cuộc sống của mình của cán bộ, hội viên CCB trên địa bàn xã. Hiện nay, xã Nam Dong có trên 800 hội viên CCB; trong đó có 46 thương binh và 21 bệnh binh. Mỗi người một hoàn cảnh, nhưng điều đáng trân trọng là các thương, bệnh binh không bao giờ nghĩ mình bị thương tật để ỷ lại vào sự giúp đỡ của xã hội mà luôn tự giác, chủ động vươn lên về mọi mặt. CCB là thương bệnh binh đã chứng minh một điều rằng, bản thân phải chiến thắng khó khăn, phải tự chủ trong cuộc sống.

Bên cạnh phát triển kinh tế, các thương, bệnh binh ở xã còn là những người đi đầu trong các phong trào, hoạt động do địa phương phát động. Như trong xây dựng nông thôn mới, không chỉ tiên phong trong hiến đất xây dựng công trình xã hội, các thương, bệnh binh còn phối hợp vận động các hộ gia đình cùng chung sức xây dựng thôn xóm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vươn lên bằng ý chí và nghị lực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO