Xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu của cán bộ, đảng viên

Nguồn Hội đồng lý luận Trung ương| 27/02/2018 09:08

LTS: Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị theo chuyên đề 2018 của Ban Tuyên giáo Trung ương, Công văn 603-CV/TU của Tỉnh ủy về sinh hoạt chuyên đề năm 2018 là “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về xây dựng phong cách, tác phong công tác của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên”; bắt đầu từ số báo này, Tòa soạn Báo Đắk Nông xin giới thiệu nội dung nghiên cứu, quán triệt của Hội đồng lý luận Trung ương về xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên để giúp cán bộ, đảng viên và nhân dân nắm bắt có hệ thống nội hàm chuyên đề, góp phần cho mỗi cá nhân, đơn vị thực hiện có hiệu quả việc học và làm theo Bác.

ADQuảng cáo

Một số vấn đề chung về phong cách và phong cách Hồ Chí Minh

Khái niệm phong cách

Phong cách là một khái niệm có hàm nghĩa rộng, hẹp khác nhau.

- Theo nghĩa hẹp, phong cách là những lề lối, cung cách, cách thức hành xử của một người hay một lớp người, được thể hiện nhất quán trong lao động, học tập, sinh hoạt,… tạo nên cái riêng của họ, phân biệt họ với những người khác. Phong cách hình thành trên cơ sở những yếu tố về tư tưởng, đạo đức, lối sống, tài năng, sở trường, khí chất… Phong cách chịu ảnh hưởng của nghề nghiệp, tạo nên những thói quen của mỗi người. Có phong cách nhà giáo, phong cách nghệ sĩ, phong cách quân nhân, phong cách lãnh đạo…

- Theo nghĩa rộng, phong cách là người, là những đặc trưng riêng có của mỗi người, phản ánh những phẩm chất và năng lực của họ, thể hiện những đặc điểm bản chất của họ qua các quan hệ với tự nhiên, xã hội và với bản thân mình. Do vậy, phong cách là sự thể hiện của lẽ sống, lối sống, là phương thức để thực hiện mục đích sống của mỗi người.

- Biểu hiện chung của phong cách đối với tất cả mọi người là phong cách sống. Thông thường phong cách sống tương ứng với trình độ học vấn. Nhưng trên thực tế, cũng có không ít nghịch lý, người có trình độ học vấn cao, nhưng trong cuộc sống lại có những biểu hiện tồi tệ đến kinh ngạc. Điều đó cho thấy, phong cách sống của con người không chỉ phụ thuộc vào trình độ hiểu biết mà còn chịu ảnh hưởng của ý thức đạo đức, thái độ và sự rèn luyện của cá nhân. Muốn có một phẩm chất cao đẹp đòi hỏi con người phải phấn đấu, rèn luyện một cách toàn diện và suốt đời.

- Phong cách lãnh đạo, quản lý liên quan đến những người được giao nhiệm vụ lãnh đạo, quản lý trên phạm vi nhất định. Đặc trưng cơ bản nhất của phong cách lãnh đạo, quản lý là phong cách của cá nhân người lãnh đạo, quản lý thể hiện qua thái độ, hành động của họ với tập thể và với các cá nhân chịu sự quản lý. Giống như phong cách sống của mỗi cá nhân, phong cách lãnh đạo, quản lý không tự nhiên mà có. Nó được hình thành thông qua quá trình học tập, rèn luyện của người lãnh đạo, quản lý và chịu tác động bởi những yếu tố chủ quan và khách quan.

Một là, phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống của người lãnh đạo, quản lý. Đây là những yếu tố nền tảng để hình thành và phát triển phong cách lãnh đạo, quản lý.

Hai là, trình độ và kết quả nhận thức, nhất là các tri thức khoa học, tri thức về lãnh đạo, quản lý, tri thức về các bộ môn khoa học xã hội, nhân văn…

Ba là, những đặc điểm về tâm lý, khí chất, nhân cách cá nhân…

Bốn là, kinh nghiệm và sự rèn luyện trong thực tiễn, trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

Năm là, môi trường, công tác; những điều kiện kinh tế - xã hội - văn hóa mà người lãnh đạo, quản lý sinh sống và làm việc.

Phong cách Hồ Chí Minh

Khái niệm phong cách Hồ Chí Minh

- Trước Đại hội VII (tháng 6/1991), Đảng ta thường dùng khái niệm “tác phong” để nói về “tác phong Hồ Chủ tịch”. Hai chữ “tác phong” ở đây được hiểu là phong cách làm việc và phong cách công tác của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Từ Đại hội VII, “tác phong” được thay bằng “phong cách” trong cụm từ “Tiếp tục bồi dưỡng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác – Lênin, những giá trị tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”. Từ đây, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thường được nói liền với nhau, thể hiện những giá trị to lớn, những đặc trưng nổi bật của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

- Nói đến phong cách Hồ Chí Minh là nói đến những giá trị đặc trưng của tư tưởng, đạo đức, lối sống của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Vì vậy, phong cách Hồ Chí Minh mang đậm tính chất dân tộc và hiện đại, khoa học và cách mạng… của một nhân cách lớn, một trí tuệ lỗi lạc, đạo đức trong sáng, nhân văn của nhà văn hóa lớn trên thế giới Hồ Chí Minh.

Phong cách Hồ Chí Minh được thể hiện trong mọi lĩnh vực sống và hoạt động của Người, tạo thành chỉnh thể nhất quán, có giá trị khoa học, đạo đức, thẩm mỹ; là tấm gương sáng cho mọi người, mọi thế hệ người Việt Nam học tập và làm theo.

Những nội dung cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh

Để học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, cần thiết phải quán triệt sâu sắc nội dung cơ bản phong cách của Người. Trong chuyên đề học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2016 và toàn khóa để thực hiện Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị, có đề cập một cách đầy đủ những đặc trưng cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh. Để học tập và làm theo phong cách Hồ Chí Minh, vận dụng vào việc xây dựng phong cách làm việc, phong cách lãnh đạo của cán bộ, đảng viên, cần quán triệt những nội dung cơ bản của phong cách Hồ Chí Minh.

Về phong cách tư duy Hồ Chí Minh

Phong cách tư duy Hồ Chí Minh có những đặc trưng nổi bật như sau:

Một là, phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại. Xuất phát từ lòng yêu nước và mục đích tìm đường cứu nước, trong quá trình hoạt động cách mạng sôi động và phong phú, Hồ Chí Minh đã hình thành cho mình một phong cách tư duy khoa học, cách mạng và hiện đại. Không tiếp thu một cách thụ động, không dừng lại ở sự vật, hiện tượng bề ngoài, Hồ Chí Minh đã đi sâu phân tích, so sánh, chắt lọc, lựa chọn, tổng hợp, rút ra những kết luận, những luận điểm mới, vừa kế thừa, vừa phát triển sáng tạo để tiếp tục vươn lên phía trước. Nhờ đó, Hồ Chí Minh đã bắt kịp nhịp sống và sự phát triển của thời đại, đã hình thành được một phương pháp tư duy đúng đắn, có thể lựa chọn đúng đường đi cho dân tộc và dự kiến được những bước phát triển mới của lịch sử.

Hai là, phong cách tư duy độc lập, tự chủ, sáng tạo. Đó là phong cách tư duy không giáo điều, rập khuôn, không vay mượn nguyên xi của người khác, hết sức tránh lối cũ, đường mòn, tự mình tìm tòi, suy nghĩ, truy tìm bản chất của sự vật, hiện tượng để tìm ra chân lý, phù hợp với nhu cầu và điều kiện thực tiễn.

Ba là, phong cách tư duy hài hòa, uyển chuyển, gắn lý luận với thực tiễn. Thể hiện rõ nhất của phong cách tư duy này ở Hồ Chí Minh là luôn biết xuất phát từ cái chung, cái nhân loại, từ những chân lý phổ biến, những “lẽ phải không ai chối cãi được” để nhận thức và lý giải những vấn đề của thực tiễn. Điều này được thể hiện rõ rệt và nhất quán trong các mối quan hệ. Để giải quyết những vấn đề chiến lược và sách lược của cách mạng Việt Nam, Người xuất phát từ những nguyên tắc, bắt đầu từ quyền độc lập, tự do của các dân tộc. Ở nước nào cũng vậy, độc lập tự do là thứ không thể mặc cả và là thành quả đấu tranh, đều do xương máu của những nghĩa sĩ và đoàn kết của toàn quốc dân mà xây dựng nên…

Về phong cách làm việc

Trong tác phẩm lối “Sửa đổi lối làm việc” Hồ Chí Minh đã chỉ ra một phong cách công tác mới: lấy lợi ích và hiệu quả thiết thực làm chuẩn mực cao nhất để đánh giá tác phong cán bộ và chất lượng công việc. Phong cách làm việc Hồ Chí Minh thể hiện trong những điểm chính sau:

Một là, phong cách làm việc khoa học. Hồ Chí Minh làm việc gì cũng cân nhắc kỹ, điều tra, nghiên cứu, thu thập thông tin, số liệu, để nắm chắc thực chất tình hình, ra quyết định chính xác. Người nói: “Đảng có hiểu rõ tình hình, thì đặt chính sách mới đúng”.

Hai là, phong cách làm việc có kế hoạch. Hồ Chí Minh làm việc gì cũng thường có chương trình, kế hoạch, từ lớn đến nhỏ, từ dài hạn, trung hạn đến ngắn hạn, từ thàng, tuần đến ngày, giờ… Vì làm việc có kế hoạch, nên dù bận trăm công, nghìn việc của Đảng và Nhà nước, Người lúc nào cũng ung dung, tự tại, vẫn có thời giờ học tập, đọc sách, xem văn nghệ, đi xuống địa phương, đi thăm danh làm, thắng cảnh,… Theo Người, trong việc đặt kế hoạch “không nên tham lam, phải thiết thực, vừa sức, từ thấp đến cao”, “chờ làm kế hoạch đẹp mắt, to tát, kể hàng triệu, nhưng không thực hiện được”.

Ba là, phong cách làm việc đúng giờ. Hồ Chí Minh quý thời gian của mình bao nhiêu thì cũng quý thời gian của người khác bấy nhiêu. Người thường không để ai phải đợi mình, chủ động đến trước nếu có thể. Đồng thời Người luôn yêu cầu mọi người cần phải làm việc đúng giờ, vì “thời gian quý báu lắm”…

Bốn là, phong cách đổi mới, sáng tạo, không chấp nhận lối cũ, đường mòn. Đó là một phong cách làm việc không cố chấp, không bảo thủ, luôn đổi mới. Người nói: "Tư tưởng bảo thủ như là sợi dây cột chân”, cột tay người ta… Muốn tiến bộ thì phải có tinh thần mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm". Cuộc đời Người là một tấm gương tuyệt vời về đổi mới, có sức động viên, khích lệ, gợi mở đổi mới, sáng tạo cho Đảng và cách mạng.

Về phong cách lãnh đạo

Trong quá trình lãnh đạo cách mạng Việt Nam, Hồ Chí Minh đã xây dựng cho mình một phong cách lãnh đạo đúng đắn, khoa học, phù hợp và hiệu quả. Nhờ đó, Người đã lãnh đạo Đảng, Nhà nước và toàn dân tộc vượt qua bao nhiêu khó khăn, gian khổ giành được những thắng lợi to lớn, vẻ vang. Nội dung chủ yếu phong cách lãnh đạo Hồ Chí Minh gồm:

Một là, tuân thủ nghiêm ngặt nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Từ soạn thảo “Tuyên ngôn độc lập” đến viết một bài báo,… Hồ Chí Minh đều tham khảo ý kiến của Bộ Chí trị, hay những người xung quanh. Người tuân thủ chặt chẽ quy trình ra quyết định. Mọi vấn đề kinh tế, chính trị, quân sự, ngoại giao, khoa học – kỹ thuật,… Người đều dựa vào đội ngũ trí thức, chuyên gia trong bộ máy của Đảng và Nhà nước, yêu cầu chuẩn bị kỹ, trao đổi rộng, sao cho mọi chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước phải được cân nhắc, lựa chọn thận trọng, để sau khi ban hành, ít phải thay đổi, bổ sung.

Hai là, đi đúng đường lối quần chúng, “lắng nghe ý kiến của đảng viên, của nhân dân, của những người “không quan trọng”. Người yêu cầu và luôn thực hiện người lãnh đạo phải tôn trọng nguyên tắc dân chủ, từ dân chủ trong Đảng đến dân chủ trong các cơ quan đại biểu của dân, thực hiện đường lối quần chúng. Người đi xuống cơ sở, để lắng nghe ý kiến của cấp dưới và của quần chúng, chứ không phải chỉ để huấn thị cấp dưới. Theo Người, phải biết động viên, khuyến khích “khiến cho cán bộ cả gan nói, cả gan đề ra ý kiến”, tức là phải làm cho cấp dưới không sợ nói sự thật và cấp trên không sợ nghe sự thật.

Ba là, thực hiện tốt công việc kiểm tra, kiểm soát. Theo Hồ Chí Minh, sau khi nghị quyết đã được ban hành, phải tổ chức tốt việc thực hiện để nghị quyết đi vào cuộc sống. Điều đó gắn liền với công việc kiểm ra, kiểm soát. Muốn tốt, “phải đi tận nơi, xem tận chỗ”. Theo Người, sở dĩ sự thật còn bị bưng bít vì sự kiểm tra, kiểm soát của các ngành, các cấp, không nghiêm túc, chưa chặt chẽ, tệ quan liêu còn “nồng”.

Trong thực tiễn, Hồ Chí Minh là tấm gương sáng về tác phong kiểm tra sâu sát. Theo tài liệu thống kê của Bảo tàng Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng trong vòng 10 năm xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc (1955-1965), không quản tuổi cao, công việc bề bộn, Người đã thực hiện hơn 700 lượt đi thăm các địa phương, công trường, xí nghiệp, hợp tác xã, đơn vị bộ đội…, từ miền núi đến hải đảo, để thăm hỏi chiến sĩ và đồng bào, để xem xét tình hình, kiểm tra công việc. Tính ra mỗi năm, có hơn 60 lượt Người đi xuống cơ sở, mỗi tháng có khoảng 6 lần lãnh tụ gặp gỡ quần chúng.

Ngoài ra, hàng ngày qua đọc báo, đọc thư của nhân dân gửi lên, thấy có những ý kiến hay, cần tiếp thu, những việc gấp cần giải quyết, Người đều dùng bút đỏ đóng khung lại, chuyển tới các cơ quan có trách nhiệm, yêu cầu nghiên cứu và giải quyết.

Bốn là, phong cách nêu gương. Kế thừa truyền thống đạo đức của dân tộc, Hồ Chí Minh là tấm gương mẫu mực về sự nêu gương, thống nhất giữa lời nói với việc làm, luôn nêu gương trước để cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân noi theo. Thật là cảm động về hành động của một vị chủ tịch nước, tự nguyện mỗi tuần nhịn ăn một bữa, mỗi bữa một bơ gạo góp vào quỹ gạo cứu đói.

Về phong cách diễn đạt

Một là, cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực. Mục đích của nói và viết Hồ Chí Minh cốt làm cho lý luận trở nên gần gũi, dễ hiểu với tất cả mọi người. Với quan điểm cách mạng là sự nghiệp của hàng chục triệu người lao động, làm sao để họ hiểu được, dám vùng lên đấu tranh giải phóng…, Hồ Chí Minh hay dùng cách nói, cách viết giản dị, cụ thể, thiết thực, phù hợp với trình độ nhận thức của người nghe, người đọc…

Hai là, cách diễn đạt ngắn gọn, cô đọng, hàm súc, trong sáng và sinh động, có lượng thông tin cao. Hồ Chí Minh thường viết ngắn, có khi rất ngắn, trở thành câu châm ngôn, như “Nước lấy dân làm gốc”, “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây/ Vì lợi ích trăm năm thì phải tròng người”… Chính vì vậy, những tư tưởng lớn của Người trở nên dễ thuộc, dễ nhớ, nhanh chóng đi vào quần chúng, hướng dẫn họ hành động.

Ba là, cách nói, cách viết sinh động, gần gũi với cách nghĩ của quần chúng, gắn với những hình ảnh, ví von, so sánh cụ thể. Khi nói, khi viết Hồ Chí Minh thường kết hợp với kể chuyện, đan xen những câu thơ, câu ca dao có vần điệu, làm cho bài nói hay bài viết trở nên sinh động, gần gũi với lối cảm, lối nghĩ của quần chúng. Nhờ đó mà nhiều câu nói, bài thơ, bài viết của Người đi vào lòng người, trở thành niềm tin, lời hiệu triệu, thôi thúc quần chúng tham gia các phong trào cách mạng…

Bốn là, phong cách diễn đạt luôn luôn biến hóa, nhất quán mà đa dạng. Trên cơ sở thống nhất về mục đích nói và viết, phong cách diễn đạt Hồ Chí Minh thể hiện rất phong phú, phù hợp với nội dung được trình bày và đối tượng hướng tới. Đó là sự đanh thép với những số liệu rõ ràng khi tố cáo; sự sôi nổi trong tranh luận; thiết tha trong kêu gọi; ân cần trong giảng giải; sáng sủa trong thuyết phục… Người quan niệm: “Mỗi tư tưởng, mỗi câu nói, mỗi chữ viết, phải tỏ rõ cái tư tưởng và lòng ước ao của quần chúng”.

Về phong cách ứng xử

Phong cách ứng xử Hồ Chí Minh là phong cách ứng xử của một nhà văn hóa lớn của dân tộc và nhân loại, với những đặc trưng nổi bật nhất sau đây:

ADQuảng cáo

Một là, khiêm tốn, nhã nhặn, lịch thiệp. Trong các cuộc tiếp xúc, Hồ Chí Minh luôn khiêm tốn, không bao giờ đặt mình cao hơn người khác, mà trái lại, luôn hòa nhã, quan tâm chu đáo đến những người có mặt, nhất là với các cụ già, trẻ em, phụ nữ, người lao động…

Hai là, chân tình, nồng hậu, tự nhiên. Khi gặp gỡ mọi gười, với những cử chỉ thân mật, lời hỏi thăm chân tình. Người tạo nên bầu không khí thân mật, thoải mái, thân thiết như trong một gia đình. Sự ân cần, nồng hậu, xóa bỏ mọi nghi thức, bằng tình cảm chân thực, tự nhiên của Hồ Chí Minh đã đi thẳng đến trái tim con người. Đó là sự thể hiện nét nổi bật trong phong cách ứng xử của những nhà văn hóa lớn của mọi thời đại.

Ba là, linh hoạt, chủ động, biến hóa. Ứng xử văn hóa Hồ Chí Minh đạt tới sự kết hợp hài hòa giữa tình cảm nồng hậu với lý trí sáng suốt, linh hoạt, uyển chuyển, sẵn sàng vì cái lớn mà châm chước cái nhỏ.

Bốn là, vui vẻ, hòa nhã, xóa nhòa mọi khoảng cách. Trong các hoạt động giao tiếp, ứng xử với mọi người, Hồ Chí Minh luôn xuất hiện với thái độ vui vẻ cùng với sự hóm hỉnh, năng khiếu hài hước, đã xóa đi mọi khoảng cách, tạo không khí chan hòa, gần gũi giữa lãnh tụ với quần chúng, như giữa những người bạn… Điều đó lý giải vì sao, mỗi khi và ở đâu Hồ Chí Minh xuất hiện đều rộn lên niềm vui, những tiếng cười, sự hồ hởi không dứt…

Về phong cách sống

Một là, phong cách sống cần, kiệm, liêm chính. Cả trong lời nói và việc làm Hồ Chí Minh luôn luôn tự mình thực hiện cần, kiệm, liêm, chính. Đó không chỉ là do hoàn cảnh mà là đạo dức, nhân cách của con người. Sinh ra tại một vùng quê nghèo, một đất nước nghèo, ra đi làm cách mạng trong tư cách một người lao động, phải tự thân vận động để sống và hoạt động, Hồ Chí Minh đã sớm hình thành cho mình một lối sống đó là rất mực cần cù, giản dị, tiết kiệm, gần gũi với lối sống của những người lao động, người cách mạng chân chính. Ngay cả khi đã trở thành Chủ tịch nước, Hồ Chí Minh vẫn luôn luôn giữ lối sống cần, kiệm, liêm, chính mẫu mực của mình.

Hai là, phong cách sống hài hòa, nhuần nguyễn giữa văn hóa Đông – Tây. Đó là phong cách sống vừa thấm nhuần văn hóa Nho – Phật – Lão, vừa chịu ảnh hưởng sâu đậm của văn hóa Âu – Mỹ nhưng luôn giữ vững, yêu quý và tự hào về văn hóa Việt Nam.

Ba là, tôn trọng quy luật tự nhiên, gắn bó với thiên nhiên. Trong sinh hoạt đời thường, Hồ Chí Minh cứ thuận theo các điều kiện tự nhiên mà làm. Những người được sống bên Người cho biết: Chưa bao giờ thấy Người phàn nàn về thời tiết, mưa không bực, nắng không than, dung mạo lúc nào cũng vui vẻ. Khi tuổi cao, Người chủ động tiếp nhận những quy luật tự nhiên của con người, chủ động viết di chúc để lại những lời dặn dò, những mong muốn cho Đảng và nhân dân ta.

II. Xây dựng phong cách công tác của người cán bộ, đảng viên theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đề cao vai trò của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Người coi “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy”, “cán bộ là tiền vốn của Đoàn thể” và đi đến kết luận: “Công việc thành công hoặc thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Vì thế, Người rất quan tâm đến xây dựng, rèn luyện đội ngũ cán bộ, đảng viên của Đảng, trong đó có xây dựng, rèn luyện phong cách công tác. Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng phong cách làm việc, phong cách công tác của người cán bộ, đảng viên cần tập trung thực hiện các nội dung sau:

Phong cách dân chủ hay “cách làm việc dân chủ”

- Hồ Chí Minh cho rằng, đây là phong cách hàng đầu mà người cán bộ cần phải có. Người chỉ rõ: Đảng ta thực hiện nguyên tắc “tập trung dân chủ” và "chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do”. Vì thế, người cán bộ, đảng viên phải tạo ra được không khí dân chủ thực sự trong nội bộ bằng cách thành tâm lắng nghe và khơi gợi cho cán bộ, đảng viên, quần chúng, cấp dưới nói hết quan điểm, ý kiến của mình. Được như vậy thì cấp dưới và quần chúng mới hăng hái đề ra sáng kiến. Những sáng kiến đó được coi trọng, được khen ngợi thì những người đó càng thêm hăng hái làm việc. Phong cách dân chủ của người cán bộ không chỉ khơi nguồn sáng tạo, phát huy tinh thần cống hiến của cấp dưới và quần chúng nhân dân mà còn làm cho tổ chức cơ quan, đoàn thể thêm gắn bó.

- Người có tác phong dân chủ là người thực hành tốt nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”. Đó là cách “để phát huy trí tuệ và kinh nghiệm của nhiều người”. Cán bộ không bao giờ được “độc tôn chân lý”, phải thành thực lắng nghe ý kiến phê bình của cấp dưới và nghiêm túc sửa mình với tinh thần cầu thị. Làm như vậy thì chắc chắn người cán bộ sẽ được nhân dân yêu mến, cấp dưới nể trọng.

- Nói về sức mạnh của dân chủ, Hồ Chí Minh từng nói:  “Thực hành dân chủ là cái chìa khóa vạn năng có thể giải quyết mọi khó khăn”. Nếu người cán bộ không có tác phong dân chủ hoặc “miệng thì nói dân chủ, nhưng làm việc thì họ theo lối “quan” chủ” là họ tự tước đi của mình vũ khí hữu hiệu nhất để hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, dù có “đầy túi quần thông cáo, đầy túi áo chỉ thị mà công việc vẫn không chạy”.

Phong cách dân chủ theo tư tưởng Hồ Chí Minh là dân chủ có định hướng, có lãnh đạo, dân chủ phải đi đến sự tập trung chứ không phải dân chủ quá trớn, dân chủ vô tổ chức. Nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt Đảng là “tập trung dân chủ”.

Phong cách làm việc quần chúng

Hồ Chí Minh yêu cầu người cán bộ phải có tác phong làm việc quần chúng, xuất phát từ vấn đề có tính nguyên tắc về vai trò của quần chúng nhân dân: “Dễ mười lần không dân cũng chịu. Khó trăm lần dân liệu cũng xong”.

Phong cách quần chúng yêu cầu người cán bộ phải gần gũi quần chúng, lắng nghe và thấu hiểu mong muốn của quần chúng... Người cán bộ phải thường xuyên đi xuống cơ sở mà mình phụ trách, tìm hiểu thực trạng đời sống, tâm tư, nguyện vọng của quần chúng. Người khẳng định: Nếu “cách xa dân chúng, không liên lạc chặt chẽ với dân chúng, cũng như đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại”.

- Phong cách quần chúng không có nghĩa là “theo đuôi quần chúng” vì theo Hồ Chí Minh “trong dân chúng, có nhiều tầng lớp khác nhau, trình độ khác nhau, ý kiến khác nhau. Người cán bộ phải có bản lĩnh vững vàng để vừa nâng cao trình độ giác ngộ, dân trí của quần chúng, tạo ra sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của một bộ phận quần chúng “chậm tiến”, vừa thực hiện tốt vai trò lãnh đạo của mình.

- Phong cách quần chúng Hồ Chí Minh là phải biết cách tổ chức phong trào phù hợp với trình độ, năng lực thực tế của quần chúng, không chủ quan, duy ý chí, áp đặt thực tiễn theo ý mình. Theo Người, “Nếu cứ làm theo ý muốn, theo tư tưởng, theo chủ quan của mình, rồi đem cột vào cho quần chúng, thì khác nào “khoét chân cho vừa giầy”… Ai cũng đóng giầy theo chân. Không ai đóng chân theo giầy”. Người khẳng định: “Cách làm việc, cách tổ chức, nói chuyện, tuyên truyền, khẩu hiệu, viết báo… của chúng ta, đều phải lấy câu này làm khuôn phép: “Từ trong quần chúng ra. Về sâu trong quần chúng”.

- Phong cách làm việc quần chúng của cán bộ, đảng viên còn bao gồm cả trong sinh hoạt. Người cán bộ phải giản dị, hòa đồng với quần chúng, không cho phép mình hưởng điều gì có tính chất “đặc quyền, đặc lợi”. Người cảnh tỉnh những suy nghĩ lệch lạc trong cán bộ, rằng “phải ăn mặc bảnh mới giữ được oai tín, giữ được thể diện”. Khi người cán bộ thấm nhuần tác phong quần chúng, họ sẽ được quần chúng nhân dân yêu thương, tin cậy, ủng hộ và khi đó, việc gì họ cũng thành công.

Phong cách làm việc khoa học

- Theo Hồ Chí Minh, cán bộ làm việc gì cũng phải có mục đích và kế hoạch rõ ràng, thiết thực. Muốn có kế hoạch khoa học thì người cán bộ phải “xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì phải làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy”. Hết sức tránh chuyện vạch ra “chương trình công tác thì quá rộng mà kém thiết thực” và căn bệnh “đánh trống bỏ dùi” gây lãng phí tiền của, nhân lực và thời gian của nhân dân.

- Phong cách làm việc khoa học là phải biết quý trọng thời gian, biết giờ nào làm việc ấy và có năng lực giải quyết công việc một cách tốt nhất trong một thời gian ngắn nhất. Người từng nói: “Ai đưa vàng bạc vứt đi, là người điên rồ. Thì ai đưa thời giờ vứt đi, là người ngu dại”. Người cán bộ phải biết tiết kiệm thời gian của mình nhưng cũng phải biết tiết kiệm thời gian cho người khác. Cách tốt nhất là tập trung giải quyết dứt điểm từng công việc. Không ôm đồm, làm quá nhiều việc, nhiều việc không dứt điểm, không hiệu quả. Người giải thích: “Đích nghĩa là nhằm vào đó mà bắn. Nhiều đích quá thì loạn mắt, không bắn trúng đích nào”.

- Phong cách làm việc khoa học yêu cầu người cán bộ giải quyết công việc trên cơ sở dữ liệu khách quan, dựa trên nền tảng thực tế để lựa chọn ra phương án khả thi nhất và phương án ấy phải đặt trong tổng thể chiến lược lâu dài. Không được rơi vào “bệnh cận thị - không trông xa, thấy rộng. Những vấn đề to tát thì không nghĩ đến mà chỉ chăm chú những việc tỉ mỉ”. Người cán bộ không được vì cái lợi nhỏ trước mắt mà làm tổn hại đến lợi ích to lớn, lâu dài. Tầm nhìn –  đó chính là phẩm chất của người có tư duy khoa học và có cách làm việc khoa học.

- Theo Hồ Chí Minh phong cách khoa học còn đòi hỏi người cán bộ phải có cách đánh giá đúng người, đúng việc, sắp xếp công việc cho hợp lý. Lại phải biết cách kiểm tra, giám sát công việc và cấp dưới một cách hiệu quả, qua đó thấy được việc thi hành đường lối, nghị quyết của Đảng như thế nào và cần điều chỉnh cái gì… Người nói “tình hình khách quan thay đổi hàng giờ hàng phút, một chủ trương của ta hôm nay đúng, hôm sau đã không kịp thời, nếu ta không tỉnh táo kiểm điểm những tư tưởng hành vi của ta để bỏ đi những cái quá thời, sai hỏng, nhất định ta sẽ không theo kịp thế”. Kiểm tra còn có tác dụng phân loại, đánh giá cán bộ vì “có kiểm tra… mới biết rõ năng lực và khuyết điểm của cán bộ, mới sửa chữa và giúp đỡ kịp thời”. Cán bộ lãnh đạo làm việc khoa học, chặt chẽ thì cấp dưới không thể “qua mặt”.

Phong cách làm việc khoa học đòi hỏi người cán bộ sau mỗi công việc phải biết rút ra kinh nghiệm cho lần sau và cho người khác. Hồ Chí Minh viết: “Công việc gì bất kỳ thành công hoặc thất bại, chúng ta cần phải nghiên cứu đến cội rễ, phân tách thật rõ ràng rồi kết luận. Kết luận đó sẽ là cái thìa khóa phát triển công việc và để giúp cho cán bộ tiến tới”.

Phong cách nêu gương, nói đi đôi với làm

Theo Hồ Chí Minh, trước hết phải làm gương trong mọi công việc, từ nhỏ đến lớn, thể hiện thường xuyên về mọi mặt; phải cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, nói phải đi đôi với làm. Cần nêu gương trên ba mối quan hệ với mình, với người, với việc. Đối với mình phải không tự cao tự đại, tự mãn, kiêu ngạo, luôn học tập cầu tiến bộ, luôn tự kiểm điểm để phát triển điều hay, sửa đổi điều dở của bản thân; phải tự phê bình mình như rửa mặt hàng ngày. Đối với người, luôn giữ thái độ chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, thật thà, không dối trá, lừa lọc, khoan dung, độ lượng. Đối với việc, dù trong hoàn cảnh nào phải giữ nguyên tắc “dĩ công vi thượng”, để việc công lên trên, lên trước việc tư.

Theo Hồ Chí Minh, muốn nêu gương được thì nói phải đi đôi với làm. Với cán bộ, đảng viên, sự thống nhất chặt chẽ giữa nói và làm, giữa đạo đức và nêu gương đạo đức cần đạt tới sự nhất quán trong công việc và trong đời sống riêng, giữa đạo đức người lãnh đạo và đạo đức đời thường. Địa vị càng cao, uy tín càng lớn, càng phải ra sức hoàn thiện về đạo đức, thống nhất giữa nói và làm. Người đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên phải làm kiểu mẫu trong công tác và lối sống, trong mọi lúc, mọi nơi, nói phải đi đôi với làm để quần chúng noi theo.

Hồ Chí Minh yêu cầu ai cũng phải nêu gương về đạo đức. Trước hết, mình phải tự làm gương “cán bộ gắng làm gương trong anh em và khi đi công tác, gắng làm gương cho dân”. Làm gương cả về ba mặt: Tinh thần, vật chất và văn hóa. Về vai trò của nêu gương, Người nhắc nhở cán bộ, đảng viên: “Trước mặt quần chúng, không phải ta cứ viết lên trán chữ “cộng sản” mà ta được họ yêu mến. Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Tự mình phải chính trước mới giúp người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý.

Để giáo dục bằng nêu gương đạt kết quả cao, Hồ Chí Minh chủ trương: “Lấy gương người tốt, việc tốt để hàng ngày giáo dục lẫn nhau là một trong những cách tốt nhất xây dựng Đảng, xây dựng các tổ chức cách mạng, xây dựng con người mới, cuộc sống mới”. Trong gia đình, cha mẹ phải là tấm gương cho các con, anh chị là tấm gương đối với các em. Trong nhà trường, thầy giáo, cô giáo là tấm gương cho học trò. Trong cơ quan, tổ chức thì cán bộ lãnh đạo là tấm gương cho cấp dưới, người này có thể nêu gương cho người khác. Trong cuộc sống hàng ngày, người cán bộ, đảng viên phải có trách nhiệm tự tu dưỡng tốt để trở thành con người có đời tư trong sáng, làm tấm gương giúp nhân dân nhìn vào đó mà noi theo, qua đó mà làm tăng thêm những điều đúng, những điều thiện, chống lại thói hư, tật xấu.

XÂY DỰNG PHONG CÁCH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ CỦA NGƯỜI ĐỨNG ĐẦU THEO TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH

- Trong mọi công tác, tùy theo hoàn cảnh cụ thể, người lãnh đạo, quản lý có thể sử dụng nhiều hình thức, biện pháp khác nhau để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của mình. Tuy nhiên, ở đây cần có sự vững vàng, không thay đổi trong những vấn đề thuộc về nguyên tắc. Đó là những vấn đề có tính chiến lược, quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước là “bất biến, phải giữ vững như sắt đá”.

- Cùng với kiên định về nguyên tắc, những vấn đề chiến lược, thì sách lược cách mạng, các hình thức, phương pháp, biện pháp, cách thức tiến hành phải mềm dẻo, linh hoạt, phù hợp với thực tế để có thể đạt kết quả cao nhất. Điều đó thuộc về bản lĩnh của người lãnh đạo, thực hiện “dĩ bất biến ứng vạn biến”, thể hiện sự linh hoạt trong hoạt động lãnh đạo của mình.

- Theo Hồ Chí Minh, mục tiêu đặt ra phải được cụ thể hóa trong từng giai đoạn. T=ính bất biến, mục tiêu trong tất cả các giai đoạn của cách mạng là độc lập, thống nhất cho Tổ quốc, tự do, hạnh phúc cho nhân dân. Trong bản Di chúc bất hủ, Người nói lên mong muốn cuối cùng, cũng là mục tiêu chung của cuộc cách mạng là “xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ và giàu mạnh”. Tuy nhiên, con đường đi đến mục tiêu đó là con đường đấu tranh lâu dài, đầy khó khăn gian khổ. Người lãnh đạo cần sáng suốt, tỉnh táo, nhạy bén để xác định sách lược, hình thức, biện pháp thực hiện trong những hoàn cảnh, điều kiện lịch sử cụ thể, trong mỗi bước đi, mỗi bước tiến lên của cách mạng.

KẾT HỢP TÍNH CÁCH MẠNG VỚI TÍNH KHOA HỌC

- Nhiệt tình cách mạng là yếu tố cơ bản trong phẩm chất của người cán bộ lãnh đạo. Vì có nhiệt tình cách mạng, người cán bộ lãnh đạo mới say mê, tận tụy với công việc để tìm ra những phương án sáng tạo nhằm thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Tính cách mạng, lòng yêu nước, thương dân là động lực lớn thôi thúc người lãnh đạo, quản lý phải có sự tìm tòi sáng tạo, đề xuất được những ý kiến hay, những phương án tối ưu để thực thi nhiệm vụ đạt hiệu quả cao. Theo Hồ Chí Minh, cán bộ lãnh đạo, quản lý, phải là những người vừa “hồng” vừa “chuyên”, có đạo đức cách mạng, có tinh thần anh dũng, gương mẫu, chịu đựng gian khổ, hi sinh và năng lực thực hiện nhiệm vụ được giao.

- Hồ Chí Minh cho rằng tính khoa học phải được bảo đảm bằng tri thức khoa học. Nhiệt tình cách mạng chỉ thực sự đem lại hiệu quả khi nó được thống nhất với các tri thức khoa học và trên cơ sở khoa học. Thực tiễn cho thấy, có nhiệt tình mà thiếu tri thức khoa học sẽ dẫn tới sai lầm, chệch hướng, làm hỏng đường lối, chính sách, hành động trái quy luật, thậm chí dẫn đến phá hoại vô ý thức. Những chương trình, dự án, kế hoạch với những ý tưởng tốt đẹp nhưng do thiếu tri thức dẫn đến thất bại, gây ra tổn thất nặng nề.

- Để có tri thức khoa học, người cán bộ lãnh đạo, quản lý phải chịu khó học tập, nghiên cứu để nâng cao trình độ về chính trị, văn hóa, nghiệp vụ cũng như nắm được tình hình trong và ngoài nước. Chủ quan, tự mãn, ít nghiên cứu lý luận và thực tiễn nên gặp thuận lợi dễ lạc quan, gặp thành công sớm mắc phải căn bệnh kiêu ngạo cộng sản. Khi gặp khó khăn thì dễ lúng túng, bị động, dẫn đến bi quan, dao động, lập trường cách mạng không vững… Chủ tịch Hồ Chí Minh nhắc nhở các cán bộ lãnh đạo, quản lý: “Học hỏi là một việc phải tiếp tục suốt đời. Suốt đời phải gắn liền lý luận với thực tế. Không ai có thể tự cho mình đã biết đủ rồi, biết hết rồi. Thế giới ngày càng đổi mới, nhân dân ngày càng tiến bộ cho nên chúng ta phải tiếp tục học và hành để tiến bộ kịp nhân dân”.

Muốn người ta theo mình, phải làm gương trước

- Trong văn hóa phương Đông, nêu guong được coi là phương pháp giáo dục trọng yếu nhất, “một tấm gương sống còn có giá trị hơn một trăm bài diễn văn tuyên truyền”. Lãnh tụ của giai cấp vô sản -V.I.Lênin khẳng định: Những người cán bộ, đảng viên không có một đặc quyền nào, trừ một quyền là luôn luôn ở phía trước. Thấm nhuần tất cả những quan điểm mang tính chân lý đó, Hồ Chí Minh căn dặn cán bộ: “Quần chúng chỉ quý mến những người có tư cách, đạo đức. Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”. Người còn nói rõ: “Tự mình phải chính trước, mới giúp được người khác chính. Mình không chính, mà muốn người khác chính là vô lý, “mình trước hết phải siêng năng, trong sạch mới bảo người ta trong sạch, siêng năng được”. Điều đó là yêu cầu cao hơn đối với người lãnh đạo.

- Theo Hồ Chí Minh, người cán bộ lãnh đạo phải gương mẫu, thực hành nêu gương trong tất cả các mối quan hệ. Với mình thì không tự cao tự đại; luôn thực hiện cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư. Với người thì luôn chân thành, khiêm tốn, đoàn kết, khoan dung. Với việc thì luôn thực hành nguyên tắc “dĩ công, vi thượng”. Đạo đức công vụ của người cán bộ lãnh đạo kết hợp với đạo đức công dân. Phải là một công dân tốt, phải vận động mọi thành viên trong gia đình sống và làm việc theo pháp luật. Nếu người cán bộ không vận động được những người trong gia đình mình sống gương mẫu thì cũng không đủ tư cách vận động quần chúng.

- Một trong những nội dung quan trọng mà người cán bộ là cần nêu gương, “nói đi đôi với làm”. Với Hồ Chí Minh, nói đi đôi với làm không chỉ là một chuẩn mực trong đạo đức truyền thống mà còn là chuẩn mực đạo đức công vụ tối thiểu. Việc nói đi đôi với làm mang lại cho quần chúng lòng tin và sự tôn trọng đối với người cán bộ, do đó, người cán bộ dễ dàng thực thi quyền lãnh đạo của mình. Người phê phán những cán bộ “chỉ biết nói là nói, nói giờ này qua giờ khác, ngày nay qua ngày khác. Nhưng một việc gì thiết thực cũng không làm được”. Nhân dân không bao giờ tin cậy những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít, nói hay làm dở, nói một đàng làm một nẻo. Muốn rèn luyện được phong cách nói đi đôi với làm, người cán bộ phải thường xuyên tự kiểm điểm, soi xét chính mình, đồng thời phải khuyến khích cấp dưới và quần chúng nhận xét, phê bình, góp ý cho mình, nhắc nhở mình về những điều mình đã hứa. Người cán bộ cũng phải biết tránh căn bệnh hình thức, bệnh “hữu danh, vô thực”, chạy theo những thứ hào nhoáng bên ngoài.

Những nội dung xây dựng phong cách công tác của cán bộ lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu nêu trên không nằm ngoài những quy định chung trong phong cách công tác của cán bộ, đảng viên; đồng thời có phạm vi rộng lớn, mức độ cao hơn, thể hiện vai trò, trách nhiệm của người cán bộ lãnh đạo.

(Còn nữa)

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng phong cách, tác phong người đứng đầu của cán bộ, đảng viên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO