Y Sem không trông chờ, ỉ lại

Đức Hùng| 13/04/2017 10:12

Nhìn vào ngôi nhà xây khang trang, tiện nghi, đầy đủ máy móc phục vụ sản xuất 9 ha cà phê ít ai biết rằng gia đình ông Y Sem từng là hộ nghèo của bon Sar Pa, xã Thuận An (Đắk Mil).

Học chưa hết lớp 5, ông phải nghỉ học vì nhà quá nghèo. Năm 1992, ông Y Sem lập gia đình, cái nghèo, cái đói vẫn cứ đeo bám gia đình do không có đất sản xuất, tập quán canh tác không phù hợp và lần lượt 6 đứa con ra đời.

Nhớ lại khoảng thời gian nghèo đói, ông Y Sem bồi hồi  kể: Thời gian đó thu nhập không có, chỉ dựa vào số gạo nhà nước hỗ trợ nên bữa ăn của gia đình thường chỉ có cơm và rau. Rồi tôi nghĩ, có sức lao động, được vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế, sao mình không vượt qua vòng luẩn quẩn ấy. Xác định cây cà phê là cây chủ lực trong kinh tế hộ gia đình, đã thôi  thúc ông phải tìm hướng đi trong lao động sản xuất, cải thiện cuộc sống gia đình. Không có đất sản xuất, ông Y Sem quyết định đầu tư vào chăn nuôi heo để tạo vốn.

Y Sem cần cù, chịu khó, không trông chờ, ỉ lại

Được hỗ trợ vay vốn hộ nghèo, ông Y Sem đầu tư chăn nuôi heo, mỗi lứa nuôi từ 10 đến 15 con heo thịt. Đàn heo được chăm sóc đúng kỹ thuật, phát triển tốt nên mỗi năm trừ chi phí đầu tư, gia đình ông tích cóp, dành dụm một ít tiền để mua đất, đầu tư trồng cà phê. Cứ thế, liên tục trong nhiều năm, ông đã có tiền mua rẫy cà phê để làm, có nguồn thu nhập đầu tư phát triển kinh tế.

Theo Y Sem thì ông đi làm thuê cho những hộ dân trên địa bàn, vừa làm, vừa học hỏi kỹ thuật chăm sóc cà phê, cách áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, ông thường xuyên tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, hội thảo về sản xuất cà phê bền vững do Hội nông dân, Trạm khuyến nông huyện tổ chức, từ đó học hỏi kinh nghiệm đưa kiến thức vào lao động sản xuất.

Đến nay, gia đình ông đã có 9 ha đất trồng cà phê, trong đó có 5 ha thu chính, 4 ha đang được trồng mới. Không chỉ là người có nhiều đất, ông còn là người nắm rõ kỹ thuật trồng và chăm sóc cà phê. Diện tích cà phê già cỗi, ông đã tự mình cải tạo bằng phương pháp ghép chồi.

Ông Y Sem cho biết: Tôi đã được học kỹ thuật ghép thông qua các lớp tập huấn hướng dẫn. Bên cạnh cà phê, tôi còn trồng xen 1.000 trụ tiêu, 400 cây bơ các loại để tăng thu nhập trên cùng một đơn vị diện tích. Vụ cà phê vừa rồi, gia đình tôi thu được hơn 12 tấn mang về nguồn thu nhập gần 500 triệu đồng.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, Y Sem còn tạo mọi điều kiện cho con cái học hành đến nơi đến chốn. Ông Y Sem là một  trong những hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi của xã Thuận An, biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào trong sản xuất. Đặc biệt, gia đình ông chú trọng sử dụng phân bò, vỏ cà phê, men vi sinh ủ thành phân hữu cơ bón cho cà phê giảm chi phí đầu tư, giúp cải tạo đất.

Vượt qua tư tưởng trông chờ, ỉ lại vào sự hỗ trợ của nhà nước, gia đình ông Y Sem đã thoát nghèo vươn lên làm giàu bằng cách thay đổi tư duy sản xuất, áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật cùng với ý thức tự giác, chủ động, tích cực lao động sản xuất bằng chính khả năng sẵn có của mình.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Y Sem không trông chờ, ỉ lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO