Khuyến cáo dinh dưỡng tại nhà và khu cách ly cho bệnh nhân Covid-19

vietnamnet.vn| 11/11/2021 08:30

Theo khuyến cáo của Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế), người mắc Covid-19 cần ăn đầy đủ 3 bữa chính và 4 nhóm thực phẩm căn bản giúp nâng cao thể trạng và tăng hiệu quả điều trị.

ADQuảng cáo

Ngoài các trường hợp phải cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung, Bộ Y tế đã cho phép những trường hợp F0 đủ điều kiện được cách ly tại nhà. Khi nhiễm Covid-19, người bệnh thường hay mệt mỏi, chán ăn do mất vị giác, khứu giác, thậm chí rất khó ăn khi bị sốt, khó thở, ho… Người bệnh có thể tăng nguy cơ suy dinh dưỡng (thiếu dinh dưỡng) bất kể trọng lượng, đặc biệt ở người cao tuổi, người có các bệnh nền mạn tính như tim mạch, tiểu đường…

Do đó, trong quá trình cách ly, Bộ Y tế lưu ý mỗi bệnh nhân mắc Covid-19 phải được tăng cường chăm sóc dinh dưỡng để nâng cao sức khoẻ, tăng cường sức đề kháng từ đó giúp giảm triệu chứng, rút ngắn và tăng hiệu quả điều trị, tiết kiệm chi phí, nguồn lực cho hệ thống chăm sóc sức khỏe cũng như cho cá nhân và gia đình người bệnh.

Thực đơn tham khảo cho người mắc Covid-19 tự cách ly:

Để có hướng dẫn chi tiết về chăm sóc dinh dưỡng cho bệnh nhân Covid-19, Cục An toàn thực phẩm phối hợp cùng Viện Dinh dưỡng quốc gia xây dựng khuyến cáo dinh dưỡng cho người mắc Covid-19 cách ly tại nhà và tập trung, trong đó khuyến cáo cần đảm bảo 6 nguyên tắc dinh dưỡng:

Thứ nhất: Đảm bảo được cung cấp đủ thực phẩm, cần ăn đủ 3 bữa chính. Mỗi bữa cần đủ 4 nhóm thực phẩm gồm: Ngũ cốc, khoai củ; thịt cá, tôm, trứng sữa, đậu đỗ; dầu mỡ; rau xanh và quả chín.

Chế độ ăn uống cân bằng, lành mạnh cung cấp đủ lượng khoáng chất và vitamin giúp cơ thể đảm bảo đủ số lượng tế bào miễn dịch và kháng thể, điều này rất quan trọng khi cơ thể tăng cường phản ứng với tình trạng nhiễm trùng.

Thứ hai: Cung cấp đủ protein, vitamin và khoáng chất, trong đó lượng thịt cá, trứng mỗi ngày phải đảm bảo 200-250g, rau xanh 300 - 400g phần ăn được và quả chín từ 200-300g.

ADQuảng cáo

Người bệnh cần ăn uống đa dạng, phối hợp từ 15-20 loại thực phẩm và thay đổi thường xuyên các loại thực phẩm trong ngày.

Thứ ba: Trong trường hợp mệt mỏi, chán ăn, mất vị giác vẫn ăn đủ bữa và số lượng thực phẩm, có thể thay đổi cách chế biến thành các dạng thực phẩm lỏng như cháo, súp, chia làm nhiều bữa nhỏ hoặc thay thế bằng các loại sữa, sản phẩm bổ sung dinh dưỡng giàu năng lượng từ 1-3 lần/ngày.

Thứ tư: Đặc biệt lưu ý phòng suy kiệt, thiếu dinh dưỡng cho những đối tượng dễ bị tổn thương như người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ có thai bằng cách tăng cường chế độ ăn. Với người bệnh nền phải thực hiện uống thuốc theo đơn của bác sĩ và có chế độ ăn phù hợp với bệnh lý.

Thứ năm: Uống đủ nước, mỗi ngày uống 1,6-2,4 lít nước, tương đương 8-12 ly thủy tinh, có thể uống thêm nước ép rau củ, quả. Hạn chế sử dụng nước ngọt, đồ uống có cồn.

Thứ sáu: Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, thực hiện ăn chín, uống sôi hạn chế nguy cơ lây bệnh qua thực phẩm, đọc kỹ nhãn mác trước khi sử dụng.

Các nghiên cứu cho thấy, ăn uống đầy đủ, đảm bảo dinh dưỡng trong suốt quá trình mắc Covid-19 sẽ giúp người bệnh tránh bị suy dinh dưỡng, giảm cân, giúp cơ thể xây dựng lại các mô bị tổn thương, chống nhiễm trùng và đối phó với các tác dụng phụ của điều trị.

Theo các hướng dẫn của Bộ Y tế, khi mắc Covid-19, người bệnh không nên kiêng khem thực phẩm nếu không bị dị ứng hoặc phải ăn theo lời khuyên từ bác sĩ.

Các loại thực phẩm bổ sung không nên dùng để thay thế hoàn toàn cho chế độ ăn uống lành mạnh vì không có chất bổ sung nào chứa tất cả các lợi ích mà thực phẩm lành mạnh mang lại.

Người dân cũng có thể tham khảo 2 thực đơn mẫu dành cho người mắc Covid-19 đang điều trị tại nhà. Mỗi thực đơn gồm 3 bữa chính và 2 bữa phụ, đảm bảo đủ 15-18 loại thực phẩm mỗi ngày.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khuyến cáo dinh dưỡng tại nhà và khu cách ly cho bệnh nhân Covid-19
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO