Cần "chăm sóc" thêm cho Vùng sản xuất cà phê Thuận An

Phan Đinh| 13/09/2022 08:48

Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao Thuận An (Đắk Mil) có nhiều ưu điểm vượt trội, nhất là năng suất, chất lượng sản phẩm. Thế nhưng, việc sản xuất cà phê công nghệ cao còn có những khó khăn, cần được quan tâm, hỗ trợ.

ADQuảng cáo

Hiệu quả vượt trội

Ông Thái Viết Tuấn, thành viên HTX Công Bằng Thuận An, có 1 ha cà phê ở thôn Đức An, xã Thuận An. Ông Tuấn cho biết, trước đây, gia đình chăm sóc cà phê theo cách thông thường, nên chất lượng sản phẩm không cao.

Từ khi tham gia vào HTX Công Bằng Thuận An, ông được tập huấn về ứng dụng khoa học, kỹ thuật chăm sóc cà phê một cách bài bản. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm đã cao hơn hẳn so với trước.

Gia đình đầu tư hệ thống tưới nước công nghệ Israel, vừa tiết kiệm nước, vừa giúp cây cà phê phát triển tốt. HTX cũng hướng dẫn kỹ thuật trồng cà phê theo các tiêu chuẩn chất lượng cao, nên năng suất đạt mức ổn định từ 4 tấn/ha.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An cho biết, Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao Thuận An hiện có nhiều yếu tố thuận lợi trong sản xuất.

80% diện tích trong Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao Thuận An là cà phê dây

Trong đó, Vùng sản xuất cà phê này đã quy tụ được diện tích lớn, liền thửa, có đường giao thông thuận tiện, có công trình thủy lợi, điện phục vụ sản xuất ổn định, có nhà máy chế biến sản phẩm...

Trong quá trình sản xuất, HTX vận động thành viên, nông dân ứng dụng khoa học, kỹ thuật vào chăm sóc cà phê. Về giống, HTX đã vận động nông dân trồng cà phê chất lượng cao, nhất là giống cà phê dây Thuận An.

Đến nay, khoảng 80% diện tích cà phê trong vùng là giống cà phê dây. Loại cà phê này cho năng suất bình quân hàng năm từ 3,5 - 4,5 tấn/ha, cao hơn cà phê thông thường từ 1,5-2 tấn/ha.

Hiện nay, HTX và thành viên đang áp dụng kỹ thuật chăm sóc cà phê sạch theo tiêu chuẩn Fairtrade, RFA. Đây là các tiêu chuẩn giúp sản phẩm cà phê đủ điều kiện để xuất khẩu.

HTX vận động nông dân thu hoạch cà phê khi lượng quả đã chín từ  80% trở lên. Những sản lượng cà phê thu hoạch đạt chất lượng, HTX đều thu mua với giá cao hơn 200 đồng/kg cà phê tươi (tương đương 1.000 đồng/kg cà phê nhân) so với thị trường.

ADQuảng cáo

Tháng 9/2021, UBND tỉnh Ðắk Nông công nhận Vùng sản xuất cà phê ứng dụng công nghệ cao xã Thuận An (Ðắk Mil). Vùng sản xuất cà phê này có quy mô 335 ha, do HTX Công Bằng Thuận An quản lý, với 186 thành viên tham gia.

Cần tiếp tục được hỗ trợ

Cũng theo ông Hạ, mặc dù đã mang lại những kết quả cao, nhưng người dân và HTX vẫn mong muốn Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao tiếp tục được nâng tầm, nhất là khâu chế biến sâu, kết nối thị trường xuất khẩu.

Trong đó, HTX cần được hỗ trợ đầu tư về hạ tầng, máy móc để nâng cao chất lượng sản phẩm; kết nối thị trường tiêu thụ, nhất là các thị trường xuất khẩu ở châu Âu, Mỹ...

Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao Thuận An có nhiều ưu điểm vượt trội

Hiện nay, nông dân đều phải tự đầu tư máy móc, thiết bị sản xuất cà phê. Trong khi, công nghệ sản xuất cà phê chất lượng cao đều có chi phí lớn. Do đó, ngành chức năng cần xem xét tháo gỡ, tạo điều kiện hỗ trợ nông dân về chi phí đầu tư.

HTX đang hướng tới sản xuất cà phê hữu cơ, nên các thành viên cũng cần được hỗ trợ, hướng dẫn kỹ thuật canh tác theo tiêu chuẩn này. HTX mới chỉ đầu tư xây dựng nhà máy chế biến cà phê chất lượng cao với công suất 5 tấn/giờ.

Trong khi sản lượng cà phê hằng năm trong vùng là rất lớn. Điều này khiến nhà máy quá tải, không đáp ứng đủ nhu cầu sản xuất. Tuy nhiên, đến nay, HTX chưa có điều kiện nâng cấp, mở rộng quy mô, công suất nhà máy.

"Tỉnh và các ngành chức năng cần tiếp tục có giải pháp để nông dân trồng cà phê trong vùng có lợi nhuận cao hơn trồng cà phê thông thường. Từ đó, giúp bà con có động lực tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất cà phê công nghệ cao", ông Hạ chia sẻ.

Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, HTX Công Bằng Thuận An đã cùng với chính quyền địa phương tập hợp nông dân tham gia liên kết, nâng cao hiệu quả của Vùng sản xuất cà phê công nghệ cao Thuận An.

Thế nhưng, sau thời gian hoạt động, HTX đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế như thiếu vốn, thiếu công nghệ, thị trường xuất khẩu hạn hẹp... Mong rằng, thời gian tới, HTX sẽ được hỗ trợ tốt hơn để có điều kiện nâng cao hiệu quả sản xuất, chế biến cà phê, kết nối tiêu thụ sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần "chăm sóc" thêm cho Vùng sản xuất cà phê Thuận An
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO