Hợp tác xã đan thêu Thanh Hằng giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ

Hoàng Hoài| 19/07/2018 09:36

Mặc dù hoạt động chưa lâu, song Hợp tác xã (HTX) đan thêu Thanh Hằng ở thị trấn Đắk Mâm (Krông Nô) đã góp phần tạo công ăn việc làm cho nhiều phụ nữ, nhất là những người không có việc làm, hoàn cảnh gia đình khó khăn.

ADQuảng cáo

Chị em có thêm thu nhập

Khoảng 2 tháng nay, chị Trần Thị Bình ở thôn Jang Cách, xã Đắk Drô đã tìm được niềm vui mới đó là thêu tranh để kiếm thêm thu nhập. Sau khi được Hội phụ nữ giới thiệu, chị Bình mạnh dạn đăng ký xin học việc tại HTX Thanh Hằng và chỉ vài ngày sau đã nắm bắt được cách làm. Từ đó, chị chủ động mang tranh về nhà để thêu lúc rảnh rỗi hoặc ngày mưa không đi rẫy. Chồng và hai con của chị cũng tham gia và thêu tranh trở thành niềm đam mê mới của cả gia đình. Đến nay, gia đình chị đã thêu được khoảng 15 bức tranh cho HTX và có thu nhập hơn 3 triệu đồng.

Chị Trần Thị Bình (giữa) ở thôn Jang Cách, xã Đắk Drô nhận tranh về thêu để kiếm thêm thu nhập

Chị Bình cho biết: “Công việc tương đối đơn giản, chỉ cần mình chịu khó, kiên trì là được. Mặc dù đây là công việc phụ lúc nhàn rỗi, nhưng với khoản tiền kiếm được, tôi cũng đã mua được một số đồ dùng cho con, trả các chi phí sinh hoạt hàng tháng”.

Chị Nguyễn Thị Thanh Ngà ở thôn Nam Sơn, xã Nam Đà thì xác định thêu tranh là nghề chính để tăng nguồn thu cho gia đình. Gia đình chị Ngà không có đất sản xuất, hai con còn nhỏ, chị không có việc làm, nên tất cả mọi sinh hoạt, chi tiêu trong nhà đều dựa vào đồng tiền từ nghề thợ xây của chồng. Khi được giới thiệu công việc thêu tranh, chị không đắn đo mà xin làm ngay. Hiểu được hoàn cảnh của chị, HTX nhận chị vào làm tại xưởng, được hỗ trợ cơm trưa, trang bị điện thoại để tiện liên lạc khi có việc cần. Mỗi tháng, chị Ngà cũng kiếm được ít nhất 3 triệu đồng để phụ giúp gia đình.

Chị Ngà cho biết: “Từ ngày có công ăn việc làm, cuộc sống gia đình cũng vui vẻ hơn. Hơn nữa, nhiều lúc có việc đột xuất, HTX cũng tạo điều kiện cho tôi ứng trước một khoản tiền để giải quyết, nên rất yên tâm”.

Chị Doãn Thị Quyên ở tổ 7, thị trấn Đắk Mâm là một trong những người đã có 10 năm gắn bó với nghề thêu từ khi chỉ là một nhóm nhỏ. Theo chị Quyên, công việc mới nhìn thì cảm giác khó, nhưng lại rất dễ, chỉ cần kiên trì, chịu khó, phù hợp với người có sức khỏe yếu như chị. 10 năm nay, chị đều có tranh để thêu và chưa bao giờ bị gián đoạn.

Thành lập HTX, giúp chị em có việc làm

ADQuảng cáo

Người sáng lập ra HTX đan thêu Thanh Hằng là chị Đặng Thị Hằng. Trước đây, chị Hằng từng đi học nghề đan thêu ở TP. Hồ Chí Minh và làm nghề dưới đó 3 năm để tích lũy kinh nghiệm. Năm 2001, chị về quê nhà lập nghiệp bằng cách nhận hàng từ các công ty về làm. Nhiều năm sau, nhờ uy tín trong nghề đan thêu, các công ty giao hàng nhiều hơn, nên chị thành lập một nhóm nhỏ 5 đến 7 người để cùng làm, ưu tiên phụ nữ nghèo mà chị quen biết.

Năm 2017, nhóm đan thêu của chị được Hội Phụ nữ thị trấn Đắk Mâm chọn để tham gia Cuộc thi phụ nữ sáng tạo cấp huyện, cấp tỉnh và được đánh giá cao, trở thành động lực khuyến khích chị nỗ lực với nghề. Sau đó, nhận thấy nghề đan thêu phù hợp với nhiều chị em, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã gặp gỡ và vận động chị dạy nghề cho những chị em khác và thành lập HTX.

Chị Hằng cho biết: “Ban đầu, tôi cũng không muốn mở rộng hay phát triển HTX, vì với mình như vậy là ổn rồi. Nhưng sau khi suy nghĩ kỹ, tôi thấy hiện nay rất nhiều phụ nữ chưa có việc làm, rồi nhiều người vì lý do sức khỏe không thể lao động nặng nhọc, nên tôi mới xúc tiến thành lập HTX đan thêu này”.

Chị Đặng Thị Hằng (đứng) đã giúp nhiều chị em khó khăn có nghề, việc làm, có thu nhập ổn định

Theo chị Hằng, công việc thêu tranh lợi thế là không đòi hỏi kỹ thuật, không giới hạn độ tuổi, giới tính, ai cũng làm được và phù hợp với nhiều người. HTX hiện có khoảng 179  người thêu tranh chủ yếu là ở Krông Nô, Cư Jút, Đắk Mil và chỉ có khoảng 16 người làm công tại cơ sở, còn lại nhận về nhà làm. Người lao động chỉ cần bỏ công, còn HTX hỗ trợ vật liệu, khung thêu.

Hiện nay, hầu hết những người làm cho HTX đều có hoàn cảnh khó khăn, nên chị luôn tạo điều kiện về nhiều mặt, có khi cho ứng trước tiền công. Đối với thêu cườm, mỗi bức tranh hoàn thiện trừ chi phí, chị trả công 210.000 đồng/sản phẩm; còn thêu bông thì mỗi bông là 10.000 đồng. Trung bình mỗi bức tranh làm liên tục khoảng 2 ngày là xong, còn làm lúc rảnh rỗi thì ít cũng 7 ngày.

Chị Hằng cho biết: “Ngày trước, nhóm vài người làm, tôi không phải lo chuyện vốn, nguyên vật liệu, chi phí vì công ty sẵn sàng cho ứng trước, khi có sản phẩm sẽ trả. Nhưng bây giờ lượng người làm nhiều nên tôi phải đặt cọc tiền nguyên vật liệu, tiền gối đầu cho sản phẩm cả mấy trăm triệu đồng, chưa kể tiền để trả công cho thợ khi cần. Nhiều lúc thấy cũng mệt, nhưng nghĩ cuộc sống mình trước đây cũng lắm cơ cực, may có cái nghề để sống và vui buồn cùng nó, nên cố gắng hết sức để giúp chị em có việc làm, kiếm thêm thu nhập. Đi đến đâu, thấy gia đình khó khăn, việc làm không ổn định hay con cái không có việc làm, tôi đều hướng dẫn ra HTX để học nghề rồi nhận tranh về thêu”.

Theo chị Hằng, nghề thêu không lo hàng gián đoạn hay hết việc làm vì đầu ra ổn định và đều ký kết với các công ty rồi mới đưa về làm. Tuy nhiên, hiện nay, cơ sở của HTX nhỏ hẹp, nên chị cũng mong muốn chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện để có thể mở rộng cơ sở, góp phần giải quyết nhu cầu việc làm cho nhiều chị em trên địa bàn tỉnh.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã đan thêu Thanh Hằng giải quyết việc làm cho nhiều phụ nữ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO