Hợp tác xã liên kết sản xuất nông nghiệp tốt để hội nhập

Thanh Nga| 03/10/2016 16:09

Đắk Nông có điều kiện thuận lợi về đất đai cho sản xuất nông nghiệp. Khai thác lợi thế này, hiện nay, nhiều hợp tác xã (HTX) của tỉnh đã và đang đẩy mạnh liên kết sản xuất nông nghiệp tốt theo các tiêu chuẩn VietGap, GlobalGap... để đáp ứng thị trường, hội nhập kinh tế quốc tế.

ADQuảng cáo

Liên kết sản xuất cà phê sạch

Đắk Nông hiện có khoảng 130.000 ha cà phê - một trong những cây trồng chủ lực của tỉnh. Phần lớn các gia đình ở khu vực nông thôn đều có trồng cà phê và là nguồn thu nhập chính của họ. Vì vậy, trong những năm gần đây, các HTX trên địa bàn tỉnh đã tập hợp những hộ dân trồng cà phê, cũng như liên kết với các công ty để sản xuất cà phê sạch theo chuỗi giá trị, bảo đảm đầu vào và đầu ra.

Thành viên HTX Nông nghiệp Hào Quang Đắk Wer sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn 4C. Ảnh: T.L

Tháng 10/2012, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, xã Thuận An (Ðắk Mil) được Hiệp hội Thương mại công bằng Fairtrade của thế giới cấp giấy chứng nhận trở thành thành viên sản xuất cà phê thương mại công bằng ở Việt Nam. HTX tập hợp những nông dân có tâm huyết với cây cà phê để sản xuất ra những sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.

Ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Công Bằng Thuận An cho biết: Hiện nay, HTX liên kết với 135 thành viên sản xuất gần 250 ha cà phê, sản lượng 900 tấn/năm. Thời gian qua, HTX đã chuyển giao kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của Fairtrade và được các thành viên thực hiện nghiêm túc. Năng suất cà phê được nâng lên, trung bình đạt từ 3-4 tấn, chăm sóc tốt đạt từ 5 tấn trở lên. Khi thu hoạch, tỷ lệ trái chín chiếm trên 90% và được phơi, sấy, đóng bao bì bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Các thành viên còn được công ty mua cà phê nhân với giá cao hơn thị trường từ 1.000-4.000 đồng/kg.

Đa dạng sản phẩm Gap

Cùng với cà phê sạch thì các HTX khác trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh liên kết để trồng các loại cây ăn trái, dược liệu theo các tiêu chuẩn Gap.

Điển hình, nhiều năm qua, HTX Nông nghiệp-thương mại-dịch vụ Hợp Tiến, xã Quảng Sơn (Đắk Glong) đã trồng 5 ha thanh long ruột đỏ theo tiêu chuẩn VietGap. Từ đầu năm 2016, HTX đã nâng lên sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGap (tiêu chuẩn thế giới) và được Công ty TNHH Cát Tường (Tiền Giang) ký hợp đồng tiêu thụ sản phẩm. Công ty thu mua với giá từ 25.000-35.000 đồng/kg, cao gấp đôi so với trước đây để xuất khẩu, nên lợi nhuận đạt từ 300-400 triệu đồng/ha.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX Hợp Tiến cho biết: "Nhu cầu sử dụng sản phẩm bảo đảm an toàn của người tiêu dùng ngày càng tăng, nhất là những sản phẩm có chất lượng cao. Do đó, HTX sản xuất thanh long theo tiêu chuẩn GlobalGap để xuất khẩu nhằm nâng cao giá trị kinh tế cho người trồng. Thực tế, sau gần 6 năm trồng thanh long ruột đỏ tại Đắk Nông cho thấy, điều kiện thời tiết và đất đai phù hợp. Thanh long ruột đỏ ra quả to, ngọt và đẹp mắt nên HTX nhận được nhiều đơn đặt hàng, thời gian tới sẽ mở rộng thêm 50 ha”.

HTX Chanh dây Kiến Đức (Đắk R’lấp) và HTX Nông lâm nghiệp – thương mại - dịch vụ Tia Sáng (Gia Nghĩa) đã đầu tư sản xuất chanh dây xuất khẩu sang châu Âu. Trong đó, HTX Chanh dây Kiến Đức đang sản xuất 20 ha theo tiêu chuẩn GlobalGap. HTX Tia Sáng đang hợp tác với Viện Cây ăn quả miền Nam kết nối với một tổ chức phi chính phủ của Đức để trồng 30 ha chanh dây hữu cơ.

Bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Tia Sáng nhận định: Sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ sẽ có thị trường rộng mở, nên HTX trồng chanh dây hữu cơ chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Âu. Trong thời gian qua, HTX đã liên kết với nông dân, thành viên trồng chanh dây có hiệu quả, lợi nhuận đạt từ 100-200 triệu đồng/ha. Khi HTX đầu tư sản xuất theo chuỗi liên kết: sản xuất - chế biến – tiêu thụ - xuất khẩu thì giá trị sẽ cao gấp 3-5 lần so với trước đây, đem lại lợi nhuận cao hơn cho nông dân.

HTX Tia Sáng sơ chế chanh dây. Ảnh: Thanh Nga

Khuyến khích, tạo điều kiện cho HTX phát triển

Đẩy mạnh liên kết giữa người nông dân với HTX và giữa HTX với công ty, doanh nghiệp, nhà khoa học là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu về chất lượng hàng hóa của thị trường và hội nhập kinh tế quốc tế. Nắm bắt xu thế này, các HTX nông nghiệp của Đắk Nông đã và đang từng bước đổi mới tổ chức sản xuất, quản lý để bắt nhịp phát triển.

Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông cho rằng: HTX là tổ chức kinh tế của nông dân bởi mang tính cộng đồng, tự nguyện và cũng là chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, quy mô lớn, công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực, quy trình sản xuất hiện đại, gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. Vì vậy, Liên minh HTX tỉnh và các cấp, các ngành đã đẩy mạnh tuyên truyền để giúp nông dân hiểu rõ về nguyên tắc, giá trị, vai trò, bản chất của tổ hợp tác, HTX và xây dựng HTX kiểu mới ở các địa phương.

Ông Bùi Hoa Thám khẳng định Đắk Nông là một tỉnh thuần nông, nên tỉnh luôn khuyến khích các HTX đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài các chính sách của Trung ương thì tỉnh cũng đã có những chủ trương, chính sách rõ ràng. Cụ thể, Tỉnh ủy có Nghị quyết 04 về phát triển nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2011-2015 và định hướng đến năm 2020. Đầu năm 2016, UBND tỉnh cũng ban hành chính sách về ưu tiên sản xuất nông nghiệp tốt; trong đó có ưu đãi về vay vốn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, xúc tiến thương mại…Vì vậy, các HTX trên địa bàn tỉnh sẽ có thêm những điều kiện thuận lợi để đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp tốt.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã liên kết sản xuất nông nghiệp tốt để hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO