Hợp tác xã nông nghiệp đổi mới để hội nhập

Thanh Nga| 24/05/2016 10:35

Hội nhập kinh tế quốc tế đã và đang mở ra nhiều thời cơ nhưng cũng không ít thách thức đối với kinh tế hợp tác. Trước thực tế này, các hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp của tỉnh Đắk Nông đang đổi mới trong quản lý, tổ chức sản xuất để hội nhập và phát triển.

ADQuảng cáo

Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX Nông nghiệp bon N’ting cùng các thành viên kiểm tra sản phẩm khoai lang để xuất khẩu

Liên kết để phát triển

Gắn bó với HTX hơn 10 năm, trải qua bao thăng trầm, bà Phạm Thị Quê, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp, Dịch vụ, Thương mại Tia Sáng (HTX Tia Sáng, Gia Nghĩa) đã rút ra nhiều bài học, đó là cần phải đổi mới cách quản lý, điều hành và tiếp nhận thách thức thì mới phát triển. Trong đó, liên kết để phát triển là cách làm đã và đang được HTX Tia Sáng thực hiện hiệu quả. Thực tế, trong thời gian qua, HTX đã liên kết với nông dân trong sản xuất chanh dây, rau an toàn và hiện đang được duy trì. Hiện nay, HTX đã liên kết với 5 hộ dân trong sản xuất 2 ha rau an toàn.

Chị Nguyễn Thị Nhàn, thành viên của HTX Tia Sáng đầu tư nhà lồng 2.000 m2 trồng rau an toàn, mỗi tháng trừ tất cả chi phí, công chăm sóc thì đạt lợi nhuận 10 triệu đồng/tháng.

Chị Nhàn cho biết “Tôi liên kết với HTX là tính tới việc làm ăn lâu dài. Hội nhập rồi mà mình cứ sản xuất nhỏ lẻ, hàng ngày đưa vài bó rau ra chợ hay vỉa hè ngồi bán chắc là khó mà ổn định được. Gia đình tôi đã chọn nghề trồng rau và có hướng phát triển lâu dài nghề này nên liên kết với HTX Tia Sáng để sản xuất rau an toàn. Hội nhập sẽ phải cạnh tranh nên tôi phải sản xuất tốt, chất lượng đảm bảo. HTX đã liên kết với Siêu thị Co.opmart Đắk Nông đưa rau của gia đình nhập vào đây bán”.

HTX cũng đang liên kết với 9 hộ dân trồng trên 20 ha chanh dây theo quy trình sản xuất an toàn, năng suất đạt từ 50 – 60 tấn/ha/năm, lợi nhuận đạt hàng trăm triệu đồng.

Bà Phạm Thị Quê cho rằng: “Xu thế của hội nhập đó là sản phẩm phải an toàn, hướng tới các tiêu chuẩn như VietGap hoặc xuất khẩu thì cần tiêu chuẩn cao hơn nữa. Nếu HTX cứ sản xuất manh mún và không có chứng nhận chất lượng sản phẩm, xuất xứ nguồn gốc thì hội nhập ngày càng sâu, hàng hóa nước ngoài tràn vào thì mình “thua” ngay trên sân nhà”.

Ngoài rau, chanh dây an toàn phục vụ tiêu dùng nội địa, HTX đang hướng tới sản xuất theo các tiêu chuẩn quốc tế. Hiện nay, HTX đang được Viện Cây ăn quả miền Nam “kết nối” với một tổ chức phi chính phủ của Đức để sản xuất chanh dây hữu cơ. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn hữu cơ là thị trường rộng mở và xuất khẩu sang thị trường châu Âu. HTX sẽ phối hợp với đối tác sản xuất theo chuỗi liên kết từ sản xuất - chế biến – tiêu thụ và giá trị sẽ cao gấp 3-5 lần so với sản xuất không theo một tiêu chuẩn nào.

Các HTX khác cũng đã liên kết thành công. HTX Dịch vụ, Nông lâm nghiệp Nam Hà  (Chư Jút) đang liên kết với 1.500 hộ nông dân trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận như Đắk Lắk, Gia Lai, Bình Phước trồng hơn 1.000 ha gấc, lợi nhuận trên 200 triệu đồng/ha/năm.

ADQuảng cáo

Ông Trần Văn Định, Giám đốc HTX Dịch vụ, Nông lâm nghiệp Nam Hà chia sẻ: “Hội nhập kinh tế quốc tế mà HTX không tập hợp nông dân lại để sản xuất hàng hóa theo quy trình kỹ thuật mà cứ tự phát thì sẽ không có chỗ để mà “đứng vững” trong thị trường. Trong vấn đề liên kết thì đầu tiên HTX phải sản xuất và tìm đầu ra tốt cho sản phẩm của các thành viên. HTX phải kết nối tiêu thụ hàng hóa thông thoáng và được giá, mang lại hiệu quả kinh tế cho họ, thậm chí là cả hướng tới xây dựng thương hiệu, đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá sản phẩm. Hiện nay, các thành viên tham gia HTX đều sản xuất ổn định”.

Đoàn cán bộ Liên minh HTX Đắk Nông tham quan, học hỏi kinh nghiệm tại một HTX nông nghiệp ở Lâm Đồng

Nâng cao trình độ nhân lực

Sản xuất nông nghiệp là một lợi thế của tỉnh. Các HTX trên địa bàn đã phát huy lợi thế này. Tuy nhiên, chất lượng nhân lực vẫn là điều quan trọng. Thực tế cho thấy, đa số HTX nông nghiệp trên địa bàn tỉnh chủ yếu có trình độ trung cấp, sơ cấp. Bấy lâu nay, các HTX nông nghiệp, quản lý điều hành chủ yếu vừa làm vừa rút kinh nghiệm là chính. Điều này sẽ khó tồn tại trong hội nhập kinh tế, khi mà mọi tiêu chí đều liên quan đến luật, quy định và các điều khoản, công nghệ…

Trước thực tế hội nhập, các HTX cũng đã chuẩn bị về nguồn nhân lực. HTX Tia Sáng hiện đã thuê 2 kỹ sư chuyên ngành bảo vệ thực vật và trồng trọt để chuyển  giao kỹ thuật từ Viện Cây ăn trái miền Nam và hướng dẫn “cầm tay chỉ việc” cho nông dân khi dự án sản xuất chanh dây hữu cơ được triển khai.

HTX Nông nghiệp, Dịch vụ, Thương mại Hợp Tiến (Đắk Glong) hiện cũng đã có những người trẻ tuổi đảm đương nhiệm vụ quản lý và tham mưu.

Ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc HTX cho rằng: Trong hội nhập, HTX nông nghiệp cũng phải tuân thủ “luật quốc tế”. Như vậy, cán bộ HTX đòi hỏi phải có trình độ và kinh nghiệm để  quản lý, điều hành kịp thời. Trong thời gian qua, HTX đã tuyển dụng những người có trình độ từ đại học, thạc sỹ về làm việc. Tôi cho rằng, bằng cấp thể hiện mặt bằng chung về trình độ nhưng thực tế làm việc còn cần nhiều yếu tố khác như sức trẻ, sự năng động, cống hiến, tính kỷ luật. Trong thời gian tới, HTX sẽ cần tuyển thêm những người đủ năng lực làm việc và có thể giao nhiệm vụ điều hành, quản lý để đưa HTX phát triển.

Anh Võ Đình Danh, Giám đốc HTX Nông lâm nghiệp Đắk Mil (Đắk Mil) thì chia sẻ: “HTX của chúng tôi sản xuất, kinh doanh các loại cây giống. Trong thời gian qua, HTX cũng đã trả lương cho các kỹ sư đảm nhiệm khâu kỹ thuật chăm sóc cây giống. Trong hội nhập, chất lượng cây giống là vấn đề quan trọng để thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp. Chính vì vậy, bên cạnh việc lựa chọn sản xuất, kinh doanh các loại cây giống tốt thì HTX đã chuẩn bị nhân lực có trình độ cao, nhất là về kỹ thuật, công nghệ để hướng dẫn nông dân, các thành viên nắm bắt quy trình sản xuất, đáp ứng cho sự phát triển”.

Tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng HTX kiểu mới
(Đồng chí Trương Thanh Tùng, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông)

Phát triển hợp tác xã, liên kết giữa người nông dân với hợp tác xã, hợp tác xã với doanh nghiệp, nhà khoa học là giải pháp đột phá để nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp bền vững, đáp ứng yêu cầu chất lượng hàng hóa của thị trường.

Để tiếp tục phát huy sức mạnh, vai trò của hợp tác xã và hiệu quả sản xuất, kinh doanh của người nông dân trên địa bàn trong giai đoạn hiện nay cần đồng tâm, hiệp lực phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

Thứ nhất, Liên minh HTX tỉnh và các cấp, các ngành cần đẩy mạnh tuyên truyền để mọi người dân hiểu rõ về nguyên tắc, giá trị, vai trò, bản chất của tổ hợp tác, hợp tác xã; giới thiệu, nhân rộng các mô hình điển hình tiên tiến, hoạt động hiệu quả nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò của hợp tác xã kiểu mới.

Thứ hai, tập trung, chỉ đạo hướng dẫn chuyển đổi, tổ chức lại HTX hoạt động theo luật HTX năm 2012, gắn với kiện toàn bộ máy HTX bảo đảm hoạt động đúng theo quy định.

Thứ ba, Liên minh HTX tỉnh và các cấp, các ngành cần tiếp tục tham mưu để triển khai các chính sách phát triển kinh tế tập thể trên địa bàn tỉnh hiệu quả. Trong thời gian tới, Liên minh HTX tỉnh tập trung triển khai thực hiện kế hoạch xây dựng HTX kiểu mới hoạt động hiệu quả ở các địa phương, hướng tới HTX thực sự là chủ thể quan trọng nhất của quá trình tái cơ cấu nông nghiệp, quy mô lớn, công nghệ cao với các sản phẩm chủ lực, quy trình sản xuất hiện đại gắn với chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu. HTX phải chịu vai trò chủ đạo trong việc xây dựng sản phẩm chủ lực của từng địa phương, sản xuất theo chuỗi giá trị và sản phẩm đạt tiêu chuẩn...

HTX là mô hình kinh tế của nông dân trong hội nhập
(Ông Dương Khắc Mai, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã tỉnh Đắk Nông)

Trước mắt và trong tương lai, HTX có vai trò quan trọng, bởi vì nó là tổ chức kinh tế của người nông dân. Nói đến HTX là nói đến tính cộng đồng và cũng là giá trị của mô hình. Các quyết định của HTX không phải ai có vốn nhiều là có quyền quyết định cao mà là công bằng. Đó là quyền quyết định của tất cả thành viên, người có vốn đóng góp nhiều cũng như người có vốn đóng góp ít.

Bên cạnh những đóng góp về kinh tế thì HTX còn có vai trò quan trọng trong việc giữ gìn an ninh trật tự xã hội. Vì thế, Đảng, Nhà nước cần hỗ trợ HTX để phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn. Những năm gần đây, tỉnh Đắk Nông đã có cơ chế hỗ trợ tích cực như thành lập ban chỉ đạo phát triển kinh tế tập thể từ cấp tỉnh đến huyện, thị xã; thành lập Quỹ hỗ trợ phát triển HTX và có cơ chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành...

Hiện nay, Liên minh HTX tỉnh đang chuẩn bị trình UBND tỉnh ban hành chính sách khuyến khích phát triển kinh tế tập thể giai đoạn 2016 -2020 để tháo gỡ những khó khăn cho HTX hội nhập.

HTX cần được Nhà nước hỗ trợ
(Ông Nguyễn Đức Êm, Giám đốc HTX Nông nghiệp bon N’ting (Đắk Glong))  

HTX nông nghiệp vốn có những mặt yếu thế như đa số nông dân tham gia ít vốn, trình độ kỹ thuật canh tác và tính kỷ luật trong thực hiện các quy trình sản xuất chưa cao... Khó khăn nhất của HTX nông nghiệp trong hội nhập sắp tới chính là tổ chức sản xuất tập trung.

Ví dụ, đơn vị nước ngoài liên kết với HTX thì họ muốn sản xuất tập trung để sản xuất đồng đều. Thế nhưng, thành viên mình thì đất đai chỗ này một ít, chỗ kia một ít nên rất khó trong sản xuất đồng đều. Các HTX chỉ liên kết liền kề chứ khó sản xuất tập trung, sản xuất cánh đồng mẫu lớn được.

Thực tế, việc vận động nông dân tham gia vào HTX ban đầu sẽ gặp những khó khăn nhất định. Vì HTX kiểu cũ với lối sản xuất trì trệ đã để lại nhiều “mặc cảm” trong nhân dân. Hiện tại, chúng tôi đang nhận những hộ có kỹ thuật và có chí thú làm ăn vào sản xuất.

Điều quan trọng là sau khi vào HTX, họ thấy có lợi và mang lại hiệu quả cho kinh tế hộ thì mới lan tỏa đến thành viên khác, dần dần HTX mới có uy tín... Tỉnh cần đầu tư xây dựng HTX điểm và nhân rộng thì kinh tế hợp tác mới phát triển trong thời kỳ hội nhập sắp tới.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã nông nghiệp đổi mới để hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO