HTX DANOFARM phát triển sản phẩm gắn với du lịch

Thanh Nga| 15/03/2021 08:37

Khai thác những giá trị văn hóa, cảnh quan thiên nhiên để phát triển du lịch là hướng đi đang được Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ DANOFARM triển khai.

ADQuảng cáo

Hướng tới du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng

Trên địa bàn xã Quảng Sơn (Đắk Glong) có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số khác nhau sinh sống. Người dân đồng bào dân tộc M’nông, Mông, Dao… vẫn lưu giữ nghề truyền thống đan lát, dệt thổ cẩm, thêu thùa và các giá trị văn hóa như cồng chiêng, chợ tình, ẩm thực…

Bà H’Mai, 80 tuổi, đã gắn bó với nghề dệt thổ cẩm từ năm 10 tuổi

Từ các giá trị văn hóa này, HTX đang đầu tư phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng để tạo hướng đi mới. Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX DANOFARM cho biết, đơn vị đã có các sản phẩm được sản xuất theo hướng chất lượng cao như cà phê bột, mắc ca sấy, thảo dược, tơ tằm khăn; gối, váy, khố được làm bằng thổ cẩm.

Các sản phẩm này đã và đang đáp ứng được nhu cầu của thị trường và du khách. Vì thế, HTX xác định, các sản phẩm gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái cũng có thể phát triển lâu dài, ổn định.

Thôn Đắk Snao 1 và thôn Đắk Snao 2, xã Quảng Sơn, có trên 470 hộ dân (chủ yếu người Mông) sinh sống. Nơi đây có thác, hồ nước đẹp và các hoạt động sản xuất nông nghiệp thường ngày yên bình, thích hợp với nghỉ dưỡng và du lịch trải nghiệm. Do đó, đây là địa điểm được HTX chọn triển khai làm du lịch cộng đồng.

Hiện nay, đã có 6 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia với HTX để làm du lịch. Anh Giàng A Lỳ, dân tộc Mông ở thôn Đắk Snao 2, cho biết: Gia đình anh đến lập nghiệp ở đây từ năm 2009 theo dự án làm kinh tế mới. Anh thích làm du lịch và hy vọng du lịch sẽ giúp bà con giữ gìn văn hóa, phát triển kinh tế, nâng cao đời sống.

Anh Giàng A Lỳ, thôn Đắk Snao 2 có nhà cửa rộng rãi, sẵn sàng phục vụ du khách đến lưu trú 

Gia đình anh có 3 ha đất và nhà cửa rộng rãi. Anh sẽ trồng rau, nuôi dê, bò, gà… để phục vụ du khách đến lưu trú và thưởng thức ẩm thực truyền thống như thắng cố, các món nướng của dân tộc Mông.

Giàng A Châu, ở thôn Đắk Snao 2 cho biết, dân tộc Mông có khèn và các điệu múa đẹp. nếu khu vực này hình thành được điểm du lịch thì sẽ góp phần bảo tồn văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số và góp phần phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân.

Ngoài việc xây dựng các mô hình lưu trú ở thôn Đắk Snao 1 và thôn Đắk Snao 2, HTX còn liên kết với các gia đình có truyền thống dệt thổ cẩm để phục vụ du khách trải nghiệm.

ADQuảng cáo

Theo bà H’Mai, ở thôn Quảng Hợp (Quảng Sơn), bà rất thích dệt thổ cẩm và được truyền dạy nghề này từ năm lên 10 tuổi. Bà cũng đang tiếp tục truyền nghề cho con, cháu và người dân. Vì thế, nếu HTX đưa thổ cẩm vào phục vụ du lịch thì bà rất vui và sẵn sàng hợp tác. Gia đình bà sẽ chuẩn bị chu đáo về khung dệt, chỉ, len và sẵn sàng hướng dẫn để du khách tìm hiểu và dệt thổ cẩm.

Ngoài ra, bà sẽ hướng dẫn du khách nấu cơm lam, đi rừng hái rau về nấu canh thụt và các món ngon của đồng bào M’nông để mọi người trải nghiệm, thưởng thức.

Các sản phẩm của HTX DANOFARM sẽ đưa vào phục vụ du khách mua sắm làm quà lưu niệm

Cần được tiếp sức

Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX DANOFARM cho biết, HTX hướng dẫn các hộ dân tham gia làm du lịch các kỹ thuật sản xuất theo quy trình chất lượng cao để phục vụ du khách. Các sản phẩm du lịch của HTX sẽ được giới thiệu về quy trình, nguồn gốc và những giá trị riêng biệt…

Thời gian tới, HTX sẽ liên kết với các tỉnh, thành phố giới thiệu sản phẩm ra thị trường, trong đó có sản phẩm du lịch. Hiện nay, có 2 làng nghề trong nước liên kết với HTX để tạo ra sản phẩm tơ tằm phục vụ phát triển các sản phẩm du lịch.

Phong cảnh hữu tình ở đập thủy lợi Đắk Snao 3 dự kiến được HTX đầu tư phát triên du lịch

HTX tạo liên kết với các hộ dân xây dựng khoảng 100 ha vùng trồng dâu, nuôi tằm phục vụ nguyên liệu làm ra sản phẩm tơ tằm. Bà Tạ Thị Liên, Giám đốc HTX DANOFARM mong muốn có các sản phẩm có giá hợp lý để phục vụ du khách.

Phát triển du lịch sinh thái và du lịch cộng đồng cần sự đầu tư vốn lớn và thời gian dài. Vì thế, HTX cần được các cấp, các ngành tạo điều kiện và hỗ trợ về nhiều mặt thì mới triển khai thực hiện hiệu quả.

Theo ông Phan Công Việt, Phó Giám đốc Sở Văn hóa – Thể thao- Du lịch, để thực hiện ý tưởng phát triển du lịch, HTX cần xây dựng đề án cụ thể. HTX nên phát triển các sản phẩm lưu niệm, tiêu dùng gắn với cảnh quan, vùng nguyên liệu…

Hoạt động du lịch phải mang lại kinh tế cho người dân trong vùng và hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. HTX cần dựa vào văn hóa cộng đồng như trò chơi dân gian, lễ hội, các nghề truyền thống, ẩm thực...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
HTX DANOFARM phát triển sản phẩm gắn với du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO