Kinh tế tập thể trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp

20/09/2017 10:51

Kinh tế tập thể (KTTT) với nòng cốt là tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đã và đang có vai trò quan trọng trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp.

ADQuảng cáo

Một trong những nhiệm vụ quan trọng để thực hiện tái cơ cấu nông nghiệp là tổ chức sản xuất, hình thành vùng nguyên liệu tập trung, áp dụng khoa học kỹ thuật và công nghệ hiện đại, xây dựng liên kết chuỗi giá trị, phát triển sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, có sức cạnh tranh cao… HTX, THT là hình thức tổ chức sản xuất đáp ứng được yêu cầu trong liên kết, ký kết các hợp đồng cung ứng sản phẩm đầu vào, bao tiêu sản phẩm đầu ra giữa người sản xuất với doanh nghiệp mà bản thân từng hộ nông dân khó có thể làm được.

Sản xuất theo chuẩn quốc tế

Sản xuất nông nghiệp theo quy trình, chứng nhận quốc tế được nhiều HTX trên địa bàn tỉnh lựa chọn để tăng giá trị sản phẩm. Sản phẩm do HTX sản xuất theo chứng nhận có đầu ra ổn định, bền vững, giá bán cao và thị trường tiêu thụ được mở rộng cả trong nước lẫn nước ngoài. HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (xã Thuận An, Đắk Mil) chuyên kinh doanh, sản xuất cà phê là một điển hình về xây dựng vùng nguyên liệu, bao tiêu sản phẩm, nâng cao thu nhập cho người dân và tìm đầu ra cho sản phẩm.

Sản phẩm cà phê bột Đắk Đam do HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An sản xuất

HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An thành lập vào năm 2012 với 49 xã viên, vốn điều lệ ban đầu là 49 triệu đồng. Năm 2013, HTX chuyển đổi sang hoạt động theo luật Hợp tác xã năm 2012. Hiện nay, HTX có 135 thành viên, diện tích trồng cà phê đạt chứng nhận Fair Trade là 290 ha, sản lượng đạt khoảng 900 tấn/năm. Năm 2017, tổng nguồn vốn hoạt động của hợp tác xã là 3,2 tỷ đồng, trong đó vốn điều lệ khoảng 135 triệu đồng, doanh thu năm 2016 đạt 29,5 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt gần 500 triệu đồng.  

Có được kết quả đó là ngay từ khi mới thành lập, HTX nông nghiệp Công Bằng Thuận An đã liên hệ với đại diện của tổ chức Thương mại Công Bằng thế giới tại Việt Nam để đăng ký sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Fair Trade. HTX tổ chức vận động, tuyên truyền người dân sản xuất cà phê trên địa bàn thay đổi tập quán canh tác, chuyển từ lối canh tác truyền thống sang phương thức sản xuất mới theo tiêu chuẩn Fair Trade.

Đến năm 2013, bằng sự tiên phong và kiên trì vận động các xã viên tham gia sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn Fair Trade đủ về diện tích, sản lượng, chất lượng, xuất xứ nên HTX được tổ chức Thương mại Công Bằng thế giới cấp chứng chỉ đạt chuẩn Fair Trade và đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sản phẩm thông qua kênh Thương mại Công Bằng thế giới.

Việc vận động, thành lập, tổ chức, mở các lớp tập huấn kỹ thuật và hoạt động của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An đã khắc phục tình trạng sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hình thành vùng nguyên liệu cà phê tập trung, đồng nhất giống, kỹ thuật chăm sóc và chất lượng sản phẩm, phù hợp với quá trình hội nhập, xây dựng thương hiệu sản phẩm và nâng cao thu nhập cho người nông dân. HTX đã xây dựng nhà máy chế biến cà phê ướt tại xã Thuận An với trị giá công trình khoảng 1,5 tỷ đồng.

Nhà máy đi vào hoạt động chính thức trong vụ cà phê năm 2014 – 2015, tạo ra các sản phẩm cà phê chế biến ướt có sức cạnh tranh lớn trên thị trường quốc tế. Vì vậy, thành viên HTX được HTX bao tiêu sản phẩm cà phê sau thu hoạch với giá cao hơn thị trường từ 6.000 đến 10.000 đồng/kg.

Theo ông Nguyễn Hữu Hạ, Giám đốc HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An, sau khi liên kết sản xuất với người dân, HTX đã chuyển giao kỹ thuật và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc sản xuất cà phê theo quy trình, tiêu chuẩn của tổ chức Thương mại Công bằng (Fairtrade) và được các thành viên thực hiện nghiêm túc. Nhờ vậy, năng suất cà phê được nâng lên, trung bình đạt từ 3-4 tấn/ha trở lên. Mỗi năm HTX xuất khẩu trên 300 tấn cà phê. Sản phẩm của các thành viên HTX được bán với giá cao hơn giá trị trường từ 6 đến 8 triệu/tấn.

ADQuảng cáo

Ngoài HTX Công Băng Thuận An, trên địa bàn tỉnh cũng đang có một số HTX tham gia các chuỗi giá trị như: HTX Nông nghiệp Đồng Tiến (Đắk R'lấp) tham gia chuỗi giá trị chăn nuôi heo công nghệ cao; HTX nông nghiệp Krông Nô (Krông Nô) được cấp chứng nhận dán nhãn Flocert sản phẩm Ca cao; HTX Tia Sáng (Gia Nghĩa) ký kết hợp đồng xuất khẩu chanh dây sang Đài Loan.

Hỗ trợ, bao tiêu sản phẩm đầu vào, đầu ra

Sau khi đưa cây gấc vào trồng thử nghiệm và đạt được kết quả khả quan, năm 2013, HTX Dịch vụ - Nông lâm nghiệp Nam Hà, có trụ sở tại xã Tâm Thắng (Chư Jút) đã dần hình thành vùng nguyên liệu sản xuất gấc khi liên kết với người dân trên địa bàn. Để khuyến khích trồng gấc, HTX đã hỗ trợ người dân 50% chi phí cây giống, phân bón vi sinh bằng hình thức trả chậm và bao tiêu toàn bộ sản phẩm khi đến vụ thu hoạch. HTX đã tiến hành ký hợp đồng với Công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ - Thương mại gấc Tây Nguyên để liên kết tìm đầu ra cho sản phẩm.

Không chỉ dừng lại ở vùng nguyên liệu tập trung, HTX Dịch vụ - Nông lâm nghiệp Nam Hà chiết xuất gấc thành các loại tinh dầu phục vụ khách hàng

Hiện có khoảng 100 hộ nông dân liên kết sản xuất với HTX và hình thành vùng nguyên liệu gấc tập trung với khoảng 100 ha. Năng suất bình quân mỗi vụ khoảng 20 đến 30 tấn quả/ha, mang lại thu nhập từ 100 – 150 triệu đồng/1ha cho người sản xuất. Để phát triển bền vững, HTX đã liên kết với nhà khoa học để đưa những giống gấc chất lượng tốt vào gieo trồng.

Trước yêu cầu chuyển đổi cơ cấu cây trồng và tìm đầu ra cho nông sản, HTX Dịch vụ - Nông lâm nghiệp Nam Hà liên kết với công ty TNHH Sản xuất Dịch vụ - Thương mại gấc Tây Nguyên và nhập thiết bị máy móc hiện đại để chế biến gấc ra sản phẩm cuối cùng là các loại tinh dầu làm đẹp cho phụ nữ, dinh dưỡng cho trẻ em. Nhờ vậy, nông dân đã vào "guồng máy" sản xuất trong nền nông nghiệp hiện đại, theo chuỗi giá trị sản phẩm. HTX từng bước thực hiện mục tiêu cốt lõi là tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập của người dân, xây dựng cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn với công nghiệp chế biến…

Một số HTX nông nghiệp hoạt động khá hiệu quả, tích cực huy động vốn để đầu tư mua sắm phương tiện, thiết bị sản xuất hiện đại, mở rộng quy mô, đưa tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, áp dụng các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và làm tốt công tác kết nối tiêu thụ sản phẩm.

Các HTX, THT đã dần hình thành nên vùng sản xuất tập trung quy mô lớn, theo một quy trình từ sản xuất đến thu hoạch và chế biến sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn, phù hợp với yêu cầu của thị trường, góp phần nâng cao thu nhập của người dân nông thôn.

Ông Bùi Hoa Thám, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết: Phát triển THT, HTX nông nghiệp là cơ sở quan trọng góp phần thực hiện mục tiêu tái cơ cấu ngành nông nghiệp, tiến tới xây dựng một nền nông nghiệp hiện đại, hiệu quả, chất lượng, nâng cao giá trị hàng hóa và khả năng cạnh tranh. Các HTX nông nghiệp còn góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng trọt, sản xuất.

Toàn tỉnh Đắk Nông hiện có 48 HTX và 261 THT hoạt động trong các lĩnh vực nông, lâm nghiệp, thủy sản với số vốn điều lệ khoảng 27 tỷ đồng. Hầu hết các HTX đã chuyển sang mô hình HTX kiểu mới, xóa bỏ hình thức sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, hướng đến mô hình liên kết chuỗi.
ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh tế tập thể trong tiến trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO