Mô hình tổ hợp tác trong xóa nghèo bền vững

Văn Tâm| 19/07/2017 09:55

Trong những năm gần đây, tại các địa phương trong tỉnh Đắk Nông đã hình thành một số tổ hợp tác (THT) làm ăn năng động, hiệu quả, thu hút nhiều thành viên tham gia, từng bước xóa đói, giảm nghèo bền vững.

ADQuảng cáo

Tại xã Trúc Sơn, huyện Chư Jút, từ năm 2013, THT Chăn nuôi bò xã Trúc Sơn được thành lập, với 10 hộ tham gia. Để THT đi vào hoạt động thuận lợi, ban đầu Hội Nông dân xã tạo điều kiện cho các hộ vay 30 triệu đồng. Ngoài nguồn vốn này, các thành viên trong tổ đã đóng góp thêm mỗi hộ từ 20 – 30 triệu đồng để mua 2 con bò sinh sản.

Sau gần 4 năm triển khai nuôi bò, đến nay, tổng đàn bò của THT đã có 70 con, thu nhập của cả tổ sau khi trừ chi phí đạt 1 tỷ đồng/năm. Bình quân mỗi hộ thu lợi nhuận từ chăn nuôi bò là 100 triệu đồng/năm và một con bê để nuôi những năm tiếp theo.

Ngoài chăn nuôi bò, các hộ trong tổ còn chăn nuôi thêm heo, gà và trồng cà phê, hồ tiêu để tăng thu nhập cho gia đình. Nhờ đó, tổng thu của các hội viên từ trồng trọt, chăn nuôi hằng năm đạt 350 triệu đồng.

Cũng tại huyện Chư Jút, để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng rau an toàn trên địa bàn huyện, các hộ nông dân sản xuất rau tại thôn 4, xã Tâm Thắng cùng nhau thành lập THT rau an toàn. Các thành viên trong tổ đã đề ra quy chế hoạt động, cùng nhau trao đổi, học hỏi kinh nghiệm sản xuất, sơ chế, tiêu thụ rau an toàn theo tiêu chuẩn đã đăng ký.

ADQuảng cáo

Năm 2010, Trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ, Sở Khoa học – Công nghệ Đắk Nông hỗ trợ THT triển khai Dự án: Sản xuất và tiêu thụ rau an toàn theo hướng VietGAP. Nhờ đó, nhận thức của các thành viên được nâng lên, vùng trồng rau được cách ly xa nhà ở, chuồng trại chăn nuôi tránh ô nhiễm ảnh hưởng đến cây rau.

Ông Nguyễn Thế Hiện, một thành viên của THT cho biết: Ngoài vấn đề về môi trường sản xuất, THT còn thực hiện nghiêm túc các khâu trong quy trình canh tác như: Làm đất, mua giống, xuống giống, tưới nước, bón phân, xịt thuốc, thu hoạch đều ghi chép đầy đủ, rõ ràng để tránh tình trạng tồn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, lượng nitrat trên cây rau. Thời gian qua, Ban quản lý THT cũng đã chủ động liên kết với các doanh nghiệp, tìm thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đầu ra.

Hiện nay, sản phẩm rau an toàn của THT chủ yếu được cung cấp cho Trung tâm Thương mại huyện và một số nhà hàng trên địa bàn xã Tâm Thắng, thị trấn Ea T’ling… Theo đó, trung bình mỗi tháng, THT sản xuất khoảng 15 tấn rau các loại, năng suất bình quân 30 tấn/sào/năm. Sau khi trừ chi phí, thu nhập của cả THT đạt trên 2,5 tỷ đồng/năm. Như vậy, mỗi hộ thành viên có thu nhập tương đương từ 150 – 200 triệu đồng/năm.

Theo Sở Nông nghiệp – PTNT, hiện nay toàn tỉnh hiện có 179 THT hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Tổng số thành viên THT của tỉnh là 8.381 người, số lao động thường xuyên trong THT là 3.811 người. Thời gian qua, nhìn chung các THT tuy tăng về số lượng nhưng rất nhiều THT vẫn chưa tìm được hướng đi hợp lý trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, tạo lợi thế cạnh tranh trên thị trường cũng chưa thực sự được quan tâm đúng mức. Do vậy, để khuyến khích các THT phát triển, thời gian tới, thực hiện Đề án nâng cao hiệu quả hoạt động của THT trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2017 – 2020, tỉnh sẽ triển khai sâu rộng các chương trình xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường cũng như giúp các THT về vốn, khoa học kỹ thuật… để các THT từng bước tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đang gặp phải như hiện nay.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Mô hình tổ hợp tác trong xóa nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO