Nâng tầm nông sản nhờ “thẻ căn cước”

Văn Tâm| 01/01/2020 08:33

Cùng với áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng, việc gắn tem truy xuất nguồn gốc cho nông sản đã giúp các tổ hợp tác (THT), hợp tác xã (HTX) nông nghiệp từng bước xây dựng được thương hiệu trên thị trường, đem lại lòng tin với người tiêu dùng.

ADQuảng cáo

Với cách thức tích hợp những thông tin được mã hóa, khi kiểm tra bề mặt tem bằng ứng dụng phần mềm hoặc ứng dụng mã QR, mọi thông tin về sản phẩm như: Nguồn gốc, ngày sản xuất, hạn sử dụng, lưu ý sử dụng sản phẩm... sẽ hiện ra. Đây có thể xem như là một hình thức cấp “thẻ căn cước” cho sản phẩm nông sản. Hình thức này giúp cho người tiêu dùng biết rõ về thông tin của sản phẩm, với độ tin cậy cao.

Khách hàng đến từ thành phố Hồ Chí Minh trao đổi về sản phẩm bơ của bà Lê Thị Kim Liên, chủ Trang trại trái cây sạch, xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp)

THT Sản xuất bơ an toàn Đắk Mil là một trong những đơn vị trên địa bàn tỉnh triển khai việc gắn tem điện tử truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm bơ. Với chiếc tem này, chỉ cần dùng chiếc điện thoại thông minh là người tiêu dùng có thể kiểm tra được xuất xứ sản phẩm. Những thông tin như: Cơ sở sản xuất, lịch sử canh tác, thu hoạch, sơ chế đóng gói, quá trình vận chuyển, hạn sử dụng… đều được hiển thị đầy đủ trên màn hình điện thoại.

Ông Hồ Văn Hoan, thành viên THT Sản xuất bơ an toàn Đắk Mil cho biết, vườn bơ sáp của ông có trên 60 cây, sản lượng bình quân đạt 2 tạ quả/cây. Vụ bơ vừa rồi, ông thu hoạch khoảng trên 12 tấn quả, với giá bán 40.000/kg, vườn bơ cũng mang về cho gia đình ông gần nửa tỷ đồng. “Sản phẩm bơ sáp của gia đình tôi từ nhiều năm nay thu hoạch đến đâu bán hết đến đó và được mọi người trong ngoài tỉnh hết sức khen ngợi. Nhất là từ khi được gắn tem truy xuất nguồn gốc đã giúp cho quả bơ của gia đình tôi trở thành sản phẩm cao cấp, tạo được niềm tin với người tiêu dùng”, ông Hoan chia sẻ.

Còn bà Lê thị Kim Liên, chủ Trang trại trái cây sạch, ở xã Nhân Cơ (Đắk R’lấp) cho biết, với những quả bơ được dán tem đã giúp cho bà có thêm động lực, ý thức hơn trong việc áp dụng quy trình sản xuất an toàn để cung cấp được những quả bơ chất lượng, mang tính đặc trưng của vùng đất Đắk R’lấp.

ADQuảng cáo

Theo Liên minh HTX tỉnh Đắk Nông, từ cuối năm 2017, đơn vị áp dụng thí điểm dán tem trên 5 sản phẩm nông sản thế mạnh tỉnh gồm: Tiêu ngũ sắc của các HTX Thuận Phát, ở xã Thuận Hà (Đắk Song); Sản phẩm tiêu đen hữu cơ của HTX hữu cơ Đồng Thuận, ở xã Nhân Cơ (Đắk R'lấp); Cà phê bột Đắk Đam của HTX Nông nghiệp Công Bằng, ở xã Thuận An (Đắk Mil); Sản phẩm chanh dây đóng hộp nguyên chất của HTX nông nghiệp Tia Sáng (Gia Nghĩa)…

Bên cạnh đó, thời gian qua, VNPT Đắk Nông triển khai hệ thống phần mềm trên điện thoại để truy xuất nguồn gốc các sản phẩm nông sản như: Cà phê, mắc ca, tiêu của Enjoy Coffe; măng cụt của Trang trại Gia Ân Gia Nghĩa; rau củ quả của Trang trại Thu Thủy (Đắk Song); sản phẩm bơ của Công ty bơ  M’Nông, Bơ sạch Đắk Mil…

Theo ông Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng THT Sản xuất bơ an toàn Đắk Mil, hiện nay THT đang có 10 thành viên, với diện tích hơn 42 ha, sản lượng đạt gần 300 tấn/vụ. Từ khi thành lập THT cũng như sản phẩm bơ được công nhận VietGAP và dán tem truy xuất, chất lượng sản phẩm bơ của THT ngày càng được nâng lên, đồng thời có được những thuận lợi nhất định khi tham gia vào thị trường.

Ông Phan Quang Long, Phó Giám đốc VNPT Đắk Nông cho biết, trong xu thế hội nhập, sản xuất nông nghiệp hướng đến các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, HACCP... là điều tất yếu. Nhiều thông tin của sản phẩm trên bao bì, tem, nhãn, thường thì sẽ không thể hiện được đầy đủ, thiếu chính xác và có khả năng bị làm giả cao. Do vậy, dùng tem truy xuất nguồn gốc sản phẩm có nhiều ưu điểm và là yêu cầu bắt buộc, cho phép người tiêu dùng có đầy đủ thông tin ngược dòng. Với giải pháp này, nhà sản xuất đưa thông tin lên hệ thống từ những khâu đầu tiên của chuỗi sản xuất cho đến khâu đóng gói sản phẩm. Tất cả thông tin về sản phẩm được lưu trữ vào máy chủ, dễ dàng truy xuất và người mua có thể xem thông tin về lô hàng trên hệ thống ngay khi chưa rời khỏi nơi sản xuất. Người tiêu dùng có thể truy xuất nhanh nguồn gốc sản phẩm qua mã QR bằng điện thoại thông minh, hay các phương tiện có phần mềm truy xuất bằng điện tử có khả năng quét mã QR như: Zalo, Viber, VNPT Check…

Có thể nói, việc dán tem truy xuất nguồn gốc đã và đang tạo động lực cho người sản xuất và niềm tin cho người tiêu dùng, từ đó, góp phần thúc đẩy ngành nông nghiệp của tỉnh đầu tư sâu vào quy trình sản xuất sản phẩm sạch, bảo đảm an toàn, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nâng tầm nông sản nhờ “thẻ căn cước”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO