Nhiều triển vọng với bơ VietGap có truy xuất nguồn gốc

Trần Lê| 06/01/2020 10:00

Bơ là cây trồng được tỉnh xác định có tiềm năng, khuyến khích liên kết phát triển theo hướng hàng hóa, chất lượng cao gắn với bao tiêu sản phẩm. Năm 2019, sản xuất bơ của một số địa phương trong tỉnh đã có bước chuyển mới theo định hướng trên.

ADQuảng cáo

Mang lại nhiều lợi ích

Nhiều năm nay, nông dân các địa phương ở Đắk Mil đã thành lập các nhóm, hội để liên kết sản xuất, tiêu thụ bơ. Trong đó, Tổ hợp tác (THT) sản xuất bơ an toàn Đắk Mil là một điển hình trong sản xuất bơ theo các tiêu chuẩn nông nghiệp tốt gắn với truy xuất nguồn gốc.

Năm 2019, vườn bơ của gia đình anh Phạm Vĩnh San, xã Đắk Sắk được khoảng 40 tấn

Anh Phạm Vĩnh San, thôn Hòa Phong, xã Đắk Sắk (Đắk Mil) năm nay trúng vụ bơ booth. Trên 10 ha bơ, gia đình anh ước thu về sản lượng khoảng 40 tấn quả. Bơ quả to, hình thức đẹp, lại được sản xuất theo quy trình thực hành nông nghiệp tốt (VietGAP), nên được nhiều người tiêu dùng tìm mua. Niềm vui của anh được nhân lên khi THT hoàn thành việc dán nhãn truy xuất nguồn gốc cho sản phẩm bơ của gia đình anh.

Anh San phấn khởi: “Lâu nay mình cũng đã sản xuất theo hướng sạch rồi, nhưng nay có chứng nhận VietGap, có tem truy xuất thì vui lắm, giá bán có nhỉnh hơn. Vui nhất là cái cảm giác khi người tiêu dùng cầm chiếc điện thoại quét qua tem QR là nó hiện lên thông tin về nguồn gốc quả bơ của mình”.

Hiện nay toàn THT đã có 10 hộ sản xuất bơ tham gia, với diện tích hơn 40 ha. Tổng sản lượng bơ năm 2019 cả THT đạt khoảng 300 tấn, riêng bơ booth đạt gần 100 tấn. Theo anh Nguyễn Văn Quảng, Tổ trưởng THT sản xuất bơ an toàn Đắk Mil, trước đây, khi chưa thành lập THT, mỗi nhà mỗi nơi, người ở Đức Mạnh, kẻ ở Đắk Sắk, Thuận An, thị trấn Đắk Mil, mạnh ai nấy làm. Từ khi vào THT, anh em gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm sản xuất bơ thường xuyên. Từ các công đoạn chăm sóc, bón phân, giống, cách sử dụng chồi để ghép, cách phòng, trừ sâu bệnh... mọi người đều chia sẻ, truyền đạt kinh nghiệm cho nhau.

ADQuảng cáo

Anh Quảng cho biết: “Anh em chia sẻ khó khăn, kinh nghiệm trong sản xuất để có được sản phẩm tốt nhất cho người tiêu dùng. Hợp tác sản xuất theo tổ không chỉ đồng đều về chất lượng mà còn đồng đều về mẫu mã ”, anh Quảng chia sẻ.

Sản phẩm bơ dán tem truy xuất nguồn gốc của THT sản xuất bơ an toàn Đắk Mil

Thúc đẩy liên kết, sản xuất theo hướng an toàn

Đến hết năm 2019, toàn tỉnh Đắk Nông có 3.794 ha bơ, sản lượng đạt khoảng 15.050 tấn. Ngành Nông nghiệp đánh giá năm 2019, hoạt động sản xuất bơ của doanh nghiệp, nông dân đã có một số chuyển biến tích cực. Trong đó, việc áp dụng các quy trình, kỹ thuật canh tác theo hướng nâng cao chất lượng sản phẩm được chú trọng.

Thống kê sơ bộ, đã có trên 100 ha bơ trên địa bàn tỉnh được công nhận sản xuất theo tiêu chuẩn nông nghiệp tốt của VietGAP, có gắn tem truy xuất nguồn gốc. Điển hình như bơ của THT trồng bơ an toàn Đắk Mil (Đắk Mil), bơ của Công ty TNHH Dịch vụ thương mại bơ M’nông (Gia Nghĩa), bơ của HTX Nam Hải (Tuy Đức)...

Các thành viên của THT sản xuất bơ an toàn Đắk Mil thường xuyên gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm

Theo Sở Nông nghiệp và PTNT, việc sản xuất bơ theo tiêu chuẩn chất lượng cao là điều mà nông dân, doanh nghiệp cần nhân rộng. Bởi vì khi liên kết với nhau, bà con sẽ tạo được vùng nguyên liệu lớn hơn, ổn định, làm tiền đề, cơ sở cho việc hình thành các thương hiệu sản phẩm lớn trong tương lai. Mặt khác, khi có được vùng nguyên liệu lớn, sản lượng ổn định hàng năm sẽ tạo nên thế mạnh để tỉnh kêu gọi, thu hút đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến tại chỗ các sản phẩm từ quả bơ…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhiều triển vọng với bơ VietGap có truy xuất nguồn gốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO