Tổ hợp tác: Điểm tựa cho nông dân phát triển kinh tế

Văn Tâm| 12/04/2016 09:04

Việc phát triển các tổ hợp tác (THT) với những sáng kiến, sáng tạo của các tổ viên ở huyện Đắk Glong đã và đang mang lại hiệu quả kinh tế cao, từng bước nâng cao đời sống nông dân trong vùng.

ADQuảng cáo

Để thay đổi hình thức sản xuất truyền thống, THT Đoàn Kết ở thôn 8, xã Quảng Khê được thành lập và đi vào hoạt động nhằm quy tụ nhân dân cùng nhau hợp lực nâng cao hiệu quả sản xuất cây dâu tằm.

Chăm sóc tằm tại Tổ hợp tác Đoàn Kết

Chị Chung Thị Lân, Tổ trưởng THT Đoàn Kết cho biết: Sau khi gặp gỡ một số bà con trong thôn và biết nhiều người có nguyện vọng trồng dâu nuôi tằm, trong khi nghề nuôi tằm còn khá mới mẻ nên tôi đã vận động và tập hợp bà con tham gia vào THT. Đến nay, THT Đoàn Kết có 10 thành viên, trồng hơn 11 ha dâu. Từ khi tham gia vào THT, việc trao đổi, hướng dẫn kỹ thuật, phương pháp mới trong nuôi tằm cho người dân cũng thuận lợi hơn. Đồng thời, hiệu quả từ trồng dâu nuôi tằm của các thành viên cũng được nâng lên rõ rệt.

Anh Vũ Đức Duy, một thành viên của THT Đoàn Kết cho biết: “Gia đình tôi theo nghề trồng dâu nuôi tằm đã được 6 năm nhưng chỉ áp dụng theo phương pháp truyền thống. Sau khi áp dụng mô hình cải tiến mới do THT đưa ra, mỗi tháng gia đình tôi xuất 8-9 hộp tằm, đem lại thu nhập từ 13 - 15 triệu". Tham gia vào THT, các tổ viên còn cùng chia sẻ, giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm trong chăn nuôi, trồng trọt nên việc nuôi tằm khá thuận lợi.

Còn THT Tân Tiến ở xã Đắk P’lao thì chọn hướng chăn nuôi dê để giúp các thành viên cùng nhau phát triển kinh tế. Anh Nguyễn Trọng Thượng, Tổ trưởng THT Tân Tiến cho biết: THT được thành lập từ năm 2014, với nền tảng kinh tế không đồng đều giữa các tổ viên, tôi cũng như nhiều bà con trong THT rất khó khăn trong việc tìm hướng đi phù hợp trong phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo

Sau nhiều lần họp bàn, THT Tân Tiến quyết định đổi công, đi làm rẫy cho nhau nhưng không lấy tiền. Số tiền này dùng để xây dựng hai mô hình nuôi dê thử nghiệm. Với 6 con dê ban đầu, đến nay, THT đã có 21 con dê giống để các xã viên cùng nuôi. Nhờ điều kiện bãi chăn thả trên địa bàn khá rộng nên hàng ngày đàn dê tự đi kiếm ăn rồi chiều cả đàn cùng tự về chuồng. Bên cạnh đó, các thành viên trong tổ được tập huấn kỹ về kỹ thuật chăm sóc nên khi dê sinh sản đạt tỷ lệ sống cao.

Trong khi đó, THT Cà phê A-Z ở xã Quảng Sơn quyết tâm với mô hình sản xuất, chế biến cà phê bền vững. Với phương châm chỉ rang xay cà phê nguyên chất từ những hạt cà phê do chính các tổ viên trồng để cung cấp ra thị trường, THT cà phê A-Z đã có những kết quả ban đầu đáng ghi nhận.

Anh Đinh Văn Phong, Tổ trưởng THT Cà phê A - Z chia sẻ: “Nhiều lần trăn trở về công việc trồng, hái rồi bán cà phê cho thương lái, quần quật quanh năm nhưng nhiều lúc thu về không đủ để đầu tư cho vụ sau. Vì thế, tôi cùng một số nông dân trong vùng xây dựng chuỗi cà phê từ A-Z (từ trồng, hái rồi chế biến thành thành phẩm rồi tự tìm mối bán)”.

Để sản phẩm thu hút khách hàng, anh Phong đã nhờ một số người quen tư vấn in bao bì, thiết kế website, quảng cáo sản phẩm… Cũng theo anh Phong, do THT chưa có nhiều kinh phí nên đang chế biến ở mức độ bán thủ công. Việc rang cà phê được các thành viên dùng một cái lồng tự chế bằng inox, số lượng sản phẩm mới đạt từ 4 – 5kg/mẻ. Từ kết quả ban đầu này, trong thời gian tới, THT sẽ đầu tư việc chế biến bài bản hơn.

Trong điều kiện sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện còn nhỏ lẻ, manh mún, mức độ áp dụng công nghệ khoa học kỹ thuật còn thấp thì việc các THT đi tiên phong trong quy tụ nông dân, linh động, sáng tạo giúp nhau áp dụng phương pháp sản xuất mới là việc làm đáng khích lệ.

Ông Mai Thanh Tùng, Phó Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong cho rằng: “Việc nông dân suy nghĩ, tìm lời giải cho sản phẩm làm ra bán cho ai, đáp ứng nhu cầu của những thị trường nào cũng như cải tiến kỹ thuật nâng cao chất lượng sản phẩm trước khi đầu tư một mô hình sản xuất là việc làm rất quan trọng. Điều này đã và đang từng bước định hình tại các THT trên địa bàn huyện”.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tổ hợp tác: Điểm tựa cho nông dân phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO