Vai trò của HTX trong triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"

Đức Hùng| 20/05/2019 09:08

Thời gian qua, nhiều HTX trên địa bàn tỉnh Đắk Nông dựa vào tiềm năng, lợi thế của địa phương, từng bước khẳng định vai trò quan trọng khi tham gia thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” trên lộ trình xây dựng nông thôn mới.

ADQuảng cáo

Phát huy lợi thế

Năm 2016, những người trồng đinh lăng trên địa bàn xã Đắk Drô (Krông Nô) đã liên kết với nhau thành lập HTX Nông nghiệp Hoàng Nam, trụ sở đặt tại Buôn K62, xã Đắk Drô (Krông Nô). Sau khi thành lập, HTX hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc đinh lăng cho các thành viên, áp dụng quy trình sản xuất, từng bước hình thành vùng nguyên liệu chất lượng đáp ứng nhu cầu chế biến.

Có nguyên liệu, HTX đầu tư máy móc chế biến ra các sản phẩm từ cây đinh lăng. Các bộ phận của cây đinh lăng đều được tận thu và chế biến ra các sản phẩm dược liệu phục vụ người tiêu dùng như: Trà đinh lăng, cao bột đinh lăng, gối đinh lăng, rượu đinh lăng… với đầy đủ nhãn mác, địa chỉ, nguồn gốc xuất xứ được bán ra thị trường.

HTX xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất ổn định khoảng 15 ha, liên kết với khoảng 20 hộ dân bảo đảm phục vụ cho hoạt động chế biến.

Chị Trần Thị Trà My, Giám đốc HTX Nông nghiệp Hoàng Nam cho hay, dựa vào điều kiện tự nhiên về đất đai, khí hậu, tập quán canh tác, nhiều nông dân trên địa bàn xã Đắk Drô đã trồng đinh lăng quy mô lớn. Đây là cơ sở để HTX phát triển sản phẩm mang tính đặc trưng, theo hướng bền vững. Tham gia Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” hi vọng sản phẩm sẽ được nhiều người biết đến hơn và lượng tiêu thụ sẽ cao hơn. Mong muốn trong thời gian tới, HTX sẽ nhận được nhiều sự hỗ trợ từ chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”.

Tiêu được tuyển lựa kỹ trước khi đưa vào lò sấy để cho ra sản phẩm tiêu 5 màu của HTX Thuận Phát

Năm 2016, HTX Thuận Phát (trụ sở tại xã Thuận Hà, Đắk Song) được thành lập và đứng ra liên kết các nông hộ sản xuất hồ tiêu, tạo thành vùng nguyên liệu tập trung, sản xuất theo một quy trình, thực hiện các hình thức liên kết mua chung, bán chung. Sau khi hình thành vùng nguyên liệu, HTX đã đầu tư máy móc, chế biến sản phẩm chứ không còn bán thô theo hình thức nhỏ lẻ như trước. Chính việc đầu tư máy móc chế biến đã góp phần nâng giá trị sản phẩm. Không dừng lại ở đó, các sản phẩm sau khi chế biến đã được HTX gắn nhãn mác, đăng ký thương hiệu gắn với chỉ dẫn địa lý, từng bước tạo được chỗ đứng trên thị trường. HTX đã kết nối đầu ra theo hướng xuất khẩu và bán sản phẩm cao gấp 2 lần so với giá thị trường hiện nay.

ADQuảng cáo

Ông Nông Văn Lê, Giám đốc HTX Thuận Phát cho biết, dựa vào những tiềm năng, lợi thế của địa phương về đất đai, khí hậu, trình độ sản xuất của nông dân, HTX đã hình thành vùng nguyên liệu sản xuất tiêu hữu cơ với hơn 30 ha. HTX đã đầu tư máy móc sản xuất ra 4 sản phẩm tiêu sạch gồm tiêu ngũ sắc, tiêu đen, tiêu sọ, tiêu đỏ. Tham gia chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”, hồ tiêu của HTX trở thành sản phẩm đặc trưng của địa phương.

Sản phẩm tiêu 5 màu và tiêu so thành phẩm của HTX Thuận Phát

Sản xuất các “đặc sản địa phương”

Theo thống kê, đến nay, toàn tỉnh đã có 8 HTX đăng ký tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 - 2020, định hướng đến năm 2030 để sản xuất 4 nhóm sản phẩm được xem là thế mạnh của các địa phương gồm: Thực phẩm, đồ uống, thảo dược,  lưu niệm, nội thất.

Các HTX tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" đều xuất thân là người địa phương, có kinh nghiệm trong lao động sản xuất, gắn bó lâu năm với cây trồng HTX đang sản xuất,  nắm rõ tiềm năng, lợi thế địa phương. Cây trồng đang sản xuất là nguồn thu nhập chính của các thành viên HTX. Các HTX từ chỗ hình thành vùng nguyên liệu tập trung, đã đầu tư máy móc, bắt tay chế biến các sản phẩm, hạn chế dần tình trạng bán sản phẩm thô. Các sản phẩm bán ra thị trường đã được các HTX đăng ký thương hiệu, nhãn mác, chỉ dẫn địa lý… tạo chỗ đứng trên thị trường. Nhiều sản phẩm của các HTX đã được thị trường đón nhận như: hồ tiêu, cà phê, đinh lăng, gấc… Các sản phẩm của HTX bán trên thị trường gắn với nơi sản xuất, bản thân sản phẩm đã đại diện cho địa phương.

8 HTX đăng ký tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2018 - 2020 bao gồm: HTX Thủy nông Buôn Choáh (Krông Nô) chuyên sản xuất lúa gạo; HTX Thuận Phát (Đắk Song) sản xuất tiêu sạch (tiêu đen, tiêu đỏ, tiêu sọ, tiêu ngũ sắc); HTX Nông lâm nghiệp và Thương mại Tia Sáng (Gia Nghĩa) sản xuất chanh dây; HTX Nông nghiệp  Krông Nô (Krông Nô) sản xuất bơ sáp, booth, bơ 034; HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) sản xuất cà phê bột Đắk Đam; HTX Nông nghiệp Hoàng Nam (Krông Nô) sản xuất các sản phẩm từ đinh lăng; HTX Nam Hà (Cư Jút) sản xuất các sản phẩm tinh chế từ gấc; HTX đan thêu Thanh Hằng (Krông Nô) sản xuất tranh thêu con rồng và bông hoa.

Theo ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh thì các HTX nắm nhiều lợi thế để phát triển và bước đầu thực hiện hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Các HTX là đầu mối liên kết các nông hộ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún lại với nhau, hình thành việc sản xuất theo một quy trình, đạt các tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Thực hiện các hình thức mua chung, bán chung, góp phần giảm chi phí đầu tư và tăng lợi nhuận khi thực hiện các liên kết tiêu thụ sản phẩm.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Vai trò của HTX trong triển khai Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO