Độc đáo hóa thạch Cúc đá

Bài, ảnh: Gia Binh| 05/12/2018 10:22

Một trong những nét đặc sắc của Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông là bên cạnh những giá trị di sản địa mạo và hệ thống hang động dày đặc còn có các điểm hóa thạch cổ sinh rất đặc biệt đó là hóa thạch Cúc đá.

ADQuảng cáo

Cúc đá là tên một nhóm các loài sinh vật biển thân mềm đã bị tuyệt diệt. Được cho là một trong những loài thân mềm tiến hóa cao nhất, so với các loài còn sống, chúng gần gũi với các loài bạch tuộc hay mực hơn là các loài có vỏ như ốc anh vũ. Sự phát triển mạnh mẽ, biến đổi và diệt vong nhanh chóng về thành phần loài theo thời gian địa chất đã làm cho các hóa thạch Cúc đá trở thành hóa thạch chỉ thị địa tầng rất tốt.

Hóa thạch Cúc đá ở thôn Nam Tiến, xã Ea Pô (Cư Jút)

Theo đó, trong vùng CVĐC Đắk Nông, các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm thấy hóa thạch Cúc đá phân bố trên diện rộng, chủ yếu địa phận của các  thôn 1 đến thôn 5 của xã Đắk Wil; thôn Nam Tiến, thôn Nhà Đèn và thôn Suối Tre của xã Ea Pô (Cư Jút). Mật độ phân bố hóa thạch khá dày với sự phong phú và đa dạng về loài cũng như kích thước các cá thể.

Vết lộ chứa hóa thạch Cúc đá ở đây tự nhiên, ở hai bên bờ và dưới lòng suối. Hóa thạch có kích thước phổ biến từ một vài cm đến hàng chục cm, cá biệt lên tới trên 50 cm. Hóa thạch Cúc đá tồn tại dưới dạng vết in và bắt hình khuôn trong. Đi cùng với Cúc đá thường có hóa thạch Hai mảnh vỏ, đường kính từ 5-20 cm.

ADQuảng cáo

Dựa vào đặc điểm cổ sinh và thạch học, điểm lộ tại thôn Nam Tiến được xác nhận thuộc kiểu thành tạo trầm tích hướng biển khơi/xa bờ nhưng vẫn thuộc thềm lục địa (pelagic sediment). Các hóa thạch sưu tập tại thôn Nam Tiến được xác nhận thuộc hai nhóm hóa thạch chính: Nhóm trôi nổi chủ yếu hóa thạch phụ thuộc lớp Cúc đá (Ammonoidea) và nhóm hóa thạch bám đáy gồm lớp Hai mảnh vỏ (Bivalvia) và lớp Chân bụng (Gastropoda).

Các di tích hóa thạch tồn tại dưới hai kiểu bắt hình khuôn ngoài và bắt hình khuôn trong. Sự phổ biến của các hóa thạch bắt hình khuôn trong một cách hoàn hảo của Cúc đá xác nhận quá trình chôn vùi xác sinh vật trong môi trường yên tĩnh, tại chỗ. Bên cạnh đó, sự có mặt đông đảo của nhóm hóa thạch bám đáy Hai mảnh vỏ và Chân bụng cho phép xác nhận cổ môi trường nước nông thềm lục địa, xa bờ của các nhóm hóa thạch này.

Theo các nhà nghiên cứu, các điểm hóa thạch Cúc đá của CVĐC Đắk Nông có quy mô khá lớn, nằm gần các điểm di sản văn hóa (di chỉ khảo cổ, làng nghề thổ cẩm…), núi lửa Lũng Khỉ, cấu trúc vòng Nam Dong… tạo nên quần thể di sản có giá trị và hấp dẫn du khách. Tuy nhiên, khu vực này lâu nay người dân đã khai phá làm đất canh tác nông nghiệp. Trong quá trình khai phá, san ủi nương rẫy đã làm xuất lộ hóa thạch Cúc đá. Thấy lạ mắt và bán được tiền, người dân đã đua nhau đi đào bới, đập đá để tìm kiếm hóa thạch đem về bán. Vì thế, các điểm hóa thạch lộ trên tầng mặt ở nơi đây hầu như không còn hóa thạch đẹp (nguyên con), mà chỉ còn các mảnh vỡ không có giá trị trưng bày.

Do đó, cùng với việc tăng cường bảo vệ, chính quyền ở các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, kêu gọi người dân nộp lại hóa thạch Cúc đá để phục vụ công tác trưng bày tại chỗ, giới thiệu khách tham quan, phát triển du lịch CVĐC Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Độc đáo hóa thạch Cúc đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO