Nỗ lực tuyên truyền “chinh phục” danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu

Bài, ảnh: Mỹ Hằng| 16/01/2019 10:21

Công viên địa chất (CVĐC) toàn cầu là một danh hiệu cao quý do UNESCO công nhận với những bộ tiêu chí khắt khe về cảnh quan môi trường, văn hóa và tiềm năng phát triển du lịch... Nếu “chinh phục” được danh hiệu này, tỉnh Đắk Nông sẽ có cơ hội rất lớn trong việc phát triển kinh tế-xã hội bền vững, vừa bảo vệ được môi trường, bảo tồn được thiên nhiên, vừa xây dựng, phát huy hiệu quả các tiềm năng thế mạnh trong lĩnh vực du lịch.

ADQuảng cáo

Tỉnh Đắk Nông đón Đoàn khảo sát thực địa của UNESCO do Tiến sĩ Guy Martini dẫn đầu đến khảo sát tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu cho CVĐC Đắk Nông

Theo đó, từ năm 2014, sau khi hệ thống hang động núi lửa Krông Nô được các nhà nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước phát hiện, công bố, UBND tỉnh Đắk Nông đã thành lập Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô (sau này thống nhất tên gọi là Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông) và yêu cầu cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở vào cuộc, nêu cao quyết tâm xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu. Trong đó, việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC để người dân hiểu và đồng hành cùng chính quyền địa phương xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu là một trong những nhiệm vụ then chốt.

Bởi vì, khi các chuyên gia UNESCO đi đánh giá, điều tra thường độc lập, có khi họ cải trang thành những du khách để hỏi những vấn đề liên quan đến CVĐC và các bản sắc văn hóa đặc thù trong khuôn viên của một CVĐC. Xác định vấn đề trên, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đã nỗ lực tuyên truyền và tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức cộng đồng về CVĐC, thu hút hàng ngàn lượt người tham dự với đầy đủ thành phần.

Ngoài ra, Ban Quản lý còn tích cực phối hợp, liên kết với các cơ quan truyền thông để đẩy mạnh công tác tuyên truyền. Qua đó, hình ảnh CVĐC địa chất Đắk Nông được đưa lên truyền thông với thời lượng, tần suất ngày càng nhiều, đến gần hơn với bè bạn trong nước và quốc tế.

Đáng chú ý, đầu năm 2018, Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông đã phối hợp với Báo Đắk Nông làm chuyên trang tuyên truyền về CVĐC Đắk Nông với thời lượng 1 tháng 1 trang. Từ đây, Báo Đắk Nông phân công phóng viên chuyên trách tiếp cận, tìm hiểu chuyên sâu các hoạt động của CVĐC để có thể viết bài theo đúng định hướng tuyên truyền. Với tinh thần đó, phóng viên đã cố gắng sâu sát, tìm hiểu rất nhiều, kể cả đi điền dã, lăn lội ở cơ sở cùng với các cán bộ chuyên trách của Ban Quản lý để có những bài viết đúng với thực tế, tạo hiệu ứng xã hội cao. Qua mỗi chuyến đi cơ sở là một bài học kinh nghiệm quý báu đối với phóng viên về việc điều tra xã hội học, phỏng vấn chuyên sâu, cách bảo tồn văn hóa truyền thống đáp ứng du lịch CVĐC…

ADQuảng cáo

Sau những chuyến đi điều tra văn hóa phi vật thể tại các xã Nâm Nung (Krông Nô), Thuận An (Đắk Mil), Nam Dong, Tâm Thắng (Chư Jút)... phóng viên đã có một số bài viết về những nghệ nhân am hiểu văn hóa truyền thống, sự tích của các ngọn núi lửa trên địa bàn, hát sử thi, đánh cồng chiêng… Hay sau khi cùng đi điều tra các điểm di sản, mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh đang hoạt động trong khuôn viên CVĐC, nghe Ban Quản lý trao đổi về tác hại của việc khai thác tài nguyên khoáng sản đối với các tiêu chí của UNESCO…báo cũng có bài viết tuyên truyền kịp thời về việc cần thiết phải bảo vệ các di sản liên quan đến CVĐC.

Trong các ngày từ 16-20/7/2018, tỉnh Đắk Nông đã đón Đoàn khảo sát thực địa của UNESCO do Tiến sĩ Guy Martini-Chủ tịch Hội đồng thẩm định mạng lưới CVĐC toàn cầu đến khảo sát tiến trình xây dựng hồ sơ công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu Đắk Nông. Ngay trước, trong và sau chuyến khảo sát, lịch trình, hoạt động của các chuyên gia UNESCO đã được báo đăng tải rất đầy đủ, chi tiết, tạo hiệu ứng tuyên truyền rõ nét.

Tiến sĩ Guy Martini đã đánh giá cao giá trị nổi bật của CVĐC Đắk Nông và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông đối với việc xây dựng hồ sơ CVĐC toàn cầu ra sao đều được thông tin kịp thời. Trong đó có ý kiến của Tiến sĩ Guy Martini về việc tỉnh cần tiếp tục xây dựng, xúc tiến các kế hoạch làm việc chặt chẽ, hoàn thành tốt các hạng mục công việc, đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO cũng được thông tin chính xác, đầy đủ.

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Trưởng ban chuyên trách Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, thời gian qua, Ban đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, đoàn thể, địa phương, trường học và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền các vấn đề liên quan đến CVĐC để nâng cao nhận thức cho các tầng lớp Nhân dân, học sinh, góp phần tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Điển hình, tại các trường học, từ những kiến thức được tiếp cận, đội ngũ giáo viên đã lồng ghép truyền đạt cho học sinh hiểu rõ về ý nghĩa, giá trị của CVĐC. Trên cơ sở đó, một số trường học, học sinh đã hình thành nên các đề tài nghiên cứu, sử dụng các nguyên liệu sẵn có của vùng CVĐC để chế tạo sản phẩm du lịch.

Có thể nói, công tác tuyên truyền, bảo vệ và phát huy các giá trị di sản CVĐC Đắk Nông là trách nhiệm không chỉ riêng ai và Báo Đắk Nông cũng đã góp một phần công sức đáng kể vào đó. Năm 2019, tỉnh Đắk Nông tiếp tục tập trung thực hiện tốt hơn nữa các khâu chuẩn bị để các chuyên gia UNESCO thẩm định lần thứ 2. Đặc biệt, thời gian còn lại đệ trình hồ sơ lên UNESCO không còn nhiều, đòi hỏi sự tham gia, nỗ lực rất nhiều của các cơ quan liên quan và địa phương trong việc hoàn tất hồ sơ theo đúng quy trình, tiêu chí của UNESCO đã đề ra. Trong đó, công tác truyền thông, tuyên truyền cũng cần phải được đẩy mạnh hơn nữa, với tinh thần cùng chung tay xây dựng thành công danh hiệu CVĐC toàn cầu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tuyên truyền “chinh phục” danh hiệu Công viên địa chất toàn cầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO