Phát hiện về khảo cổ, góp phần nâng cao giá trị Công viên địa chất Đắk Nông

Bài, ảnh: Mỹ Hằng| 17/10/2018 10:22

Trong quá trình thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học tại hang động núi lửa Krông Nô, các nhà khoa học đã phát hiện vết tích cư trú của người tiền sử trong các hang động Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông. Đây là một trong những phát hiện có ý nghĩa quan trọng đối với việc hoàn thiện hồ sơ đệ trình UNESCO công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu.

ADQuảng cáo

Tại hang C6-1, các nhà nghiên cứu khoa học đã tìm thấy 3 di cốt người tiền sử cùng hàng ngàn di vật đá, gốm, nhuyễn thể...

Từ nghiên cứu di chỉ khảo cổ

Cuối tháng 12/2016 đến đầu tháng 1/2017, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đồng chủ trì thực hiện Dự án “Xây dựng bộ sưu tập mẫu vật quốc gia về thiên nhiên Việt Nam” và địa điểm được chọn thực hiện là khu vực có hang động núi lửa Krông Nô. Theo đó, địa điểm mà các nhà nghiên cứu lựa chọn và tiến hành khai quật là ngay tại khu vực cửa hang C6-1 có kích thước 1,0x2,0m và sâu 0,8m.

Các nhà khoa học đã chia hố thám sát gồm 2 mức (lớp mặt, lớp 1, lớp 2 và từ lớp 3-lớp 8) và đã phát hiện 2 hố đất đen là vết tích của bếp lửa do người tiền sử để lại. Cùng với đó, hàng vạn vỏ ốc biển cùng số lượng lớn di vật đá, đồ gốm, xương răng động vật, vỏ nhuyễn thể, thổ hoàng... Trong đó, đồ gốm được làm từ đất sét pha ít cát hạt nhỏ, xương gốm mịn có màu nâu đôi khi hơi nâu vàng, thành gốm mỏng, trung bình 0,2-0,3cm. Gốm có độ cứng, mỏng đều… cho thấy được nung ở nhiệt độ khá cao, những mảnh vỡ từ các đồ đựng có đường kính thân không lớn, khoảng 15 cm. Riêng đồ xương và 1 mũi tên bằng đồng được gặp ở lớp thứ 4 trở xuống, 1 tiêu bản mũi tên đồng bị phong hóa màu xanh còn nguyên vẹn, đầu ngạnh cách nhau 1,5 cm; chuôi dài 1,7 cm…

Từ kết quả bước đầu này đã ghi nhận hang động núi lửa Krông Nô còn bảo lưu dấu tích văn hóa, mộ táng và các hoạt động sống của các bộ lạc thời tiền sử. Theo các nhà nghiên cứu, đây là lần đầu tiên giới khoa học Việt Nam đã phát hiện các di tích cư trú của người tiền sử trong các hang động núi lửa, bổ sung một loại hình cư trú mới, một kiểu thích ứng mới của cư dân tiền sử ở Tây Nguyên.

Đến khai quật đợt 1

Trên cơ sở kết quả nghiên cứu ban đầu, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có Quyết định số 52/QĐ-BVHTTDL về việc khai quật khảo cổ và thực hiện đề tài khoa học cấp Nhà nước “Nghiên cứu giá trị di sản hang động, đề xuất xây dựng bảo tàng bảo tồn tại chỗ ở Tây Nguyên, lấy ví dụ hang động núi lửa ở Krông Nô, tỉnh Đắk Nông”.

ADQuảng cáo

Trên cơ sở đó, các nhà nghiên cứu khoa học hàng đầu Việt Nam gồm PGS.TS Nguyễn Khắc Sử, PGS.TS Nguyễn Lân Cường, TS. La Thế Phúc, cùng các cộng sự đã trực tiếp khai quật tại hang C6-1. Hố khai quật ở hang C6-1 có diện tích 6m2, sâu 1,85m gồm 8 lớp khác nhau. Giữa các lớp đất này không có tầng ngăn cách và có mối liên hệ với nhau về công cụ, vết tích văn hóa khác nhau. Các di tích tiêu biểu trong hố khai quật gồm: 3 hố đất đen, 1 cấu trúc đá xếp hình tròn; 3 di tích mộ táng nằm trong khoảng độ sâu 0,75-1,40m; 10 cá thể người tiền sử cùng nhiều hiện vật đá, đồ gốm, xương động vật, võ nhuyễn thể, thổ hoàng.

Hàng loạt phương pháp nghiên cứu chuyên sâu sau đó được thực hiện để xác định niên đại của các tầng văn hóa và xác lập giá trị khoa học của di sản độc đáo này. Qua phân tích, các di vật được xác định thuộc Trung kỳ Đá mới cách đây 7.000 - 5.000 năm, diễn biến liên tục đến Hậu kỳ Đá mới-Sơ kỳ Kim khí cách đây 5.000-4.000 năm và khi con người rời khỏi hang. Việc phát hiện các di vật khảo cổ hang động núi lửa ở đây đã minh chứng cho loại hình di tích cư trú, di tích công xưởng và di chỉ mộ táng.

Bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ

Kết quả khai quật hang C6-1 được các nhà nghiên cứu khoa học đánh giá cao và từ đây giá trị CVĐC núi lửa Krông Nô cũng được nâng lên một tầm cao mới. TS La Thế Phúc cho biết: “Trước đây, tại các điểm khảo cổ mà các nhà nghiên cứu đã khai quật trên địa bàn Tây Nguyên chưa hề có xương người, nhưng ở khu vực hang động núi lửa Krông Nô lại có di cốt người tiền sử. Đây là một phát hiện mang tính “chấn động” trong giới khoa học. Bởi các di sản trong hang động núi lửa Krông Nô rất độc đáo, rất hiếm gặp trong các hang động núi lửa trên thế giới. Tất cả các phát hiện này sẽ bổ sung vào hồ sơ trình UNESCO xem xét, đề nghị công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu cho khu vực Krông Nô một cách đầy đủ, chi tiết hơn”.

PGS.TS Nguyễn Lân Cường cũng nhận xét: “Việc phát hiện di cốt người tiền sử trong hang động núi lửa Krông Nô là một bước ngoặt quan trọng và mở ra một bước ngoặt mới cho ngành Cổ nhân học Việt Nam”.

TS Nguyễn Trung Minh, Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam cho hay: “Với những kết quả nghiên cứu được, thời gian tới Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sẽ tiếp tục phối hợp với các chuyên gia, cơ quan, địa phương để tiếp tục nghiên cứu chi tiết, bổ sung loại hình cư trú mới của cư dân tiền sử ở vùng đất đỏ Tây Nguyên. Các hướng nghiên cứu mới về khảo cổ hang động núi lửa ở Việt Nam và khu vực Đông Nam Á cũng được lưu tâm. Đặc biệt là sẽ đệ trình lên cấp Nhà nước để có thể nghiên cứu sâu hơn và toàn diện hơn, có thêm những phát hiện mới phục vụ cho khoa học cũng như phát triển kinh tế xã hội của địa phương”.

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc chuyên trách Ban Quản lý CVĐC Đắk Nông, kết quả khai quật khảo cổ là chứng cứ khoa học có giá trị bổ sung đầy đủ, chi tiết hơn vào hồ sơ trình UNESCO xem xét công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu đối với Công viên địa chất Đắk Nông. Mục tiêu cuối cùng của CVĐC là bảo tồn cả địa chất, thiên nhiên và văn hóa, kèm theo đó là phát triển du lịch. Do đó, việc bảo vệ các hang động cũng như di vật trong hang động là một trong những giải pháp cần thực hiện ngay trước mắt. Bởi một khi có tác động của con người vào hoạt động du lịch ở CVĐC thì sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, di vật của hang động.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát hiện về khảo cổ, góp phần nâng cao giá trị Công viên địa chất Đắk Nông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO