Phát triển du lịch Công viên địa chất là mục tiêu mà tỉnh Đắk Nông đang hướng đến

Mỹ Hằng ghi| 08/08/2019 10:21

Mới đây, UBND tỉnh Đắk Nông đã tổ chức gặp mặt Đoàn phóng viên báo chí quốc tế vào tác nghiệp tại Công viên địa chất (CVĐC) Đắk Nông. Tại buổi gặp mặt, đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trao đổi một số vấn đề liên quan đến xây dựng CVĐC Đắk Nông.

ADQuảng cáo

 Đồng chí Tôn Thị Ngọc Hạnh, TUV, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

PV Trần Thị Minh Hà đến từ AFP Hà Nội (Pháp): Đắk Nông đang bước vào thời kỳ sơ khai của CVĐC toàn cầu, vậy việc xây dựng CVĐC toàn cầu có ảnh hưởng gì đến bản sắc văn hóa các dân tộc trên địa bàn tỉnh Đắk Nông hay không?  

Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như của tỉnh Đắk Nông rất rõ ràng trong việc định hướng từng bước đi về phát triển kinh tế - giáo dục đào tạo - văn hóa. Đắk Nông có hơn 40 dân tộc anh em cùng nhau sinh sống và có tính đặc thù, đó là tình trạng di cư tự do, chủ yếu là của các dân tộc phía Bắc. Vì vậy, bài toán mà chính quyền tỉnh Đắk Nông đặt ra, đó là phải làm sao vừa nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho người dân vừa phát huy được bản sắc văn hóa của các dân tộc trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu xây dựng CVĐC Đắk Nông là “Xứ sở của những âm điệu”, tỉnh Đắk Nông đã và đang áp dụng những tiêu chí mà UNESCO đưa ra là giữ gìn, bảo tồn, phát huy bản sắc dân tộc vùng CVĐC. Thực tế đã có rất nhiều nghị quyết liên quan được ban hành để hỗ trợ bà con ổn định cuộc sống và việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa là một trong những vấn đề cốt lõi mà chúng tôi đặc biệt quan tâm.

Cùng với việc phát triển kinh tế-xã hội theo chiều hướng hiện đại thì nguy cơ mai một văn hóa truyền thống là điều không thể tránh khỏi. Do vậy, khi xây dựng CVĐC, ngoài việc gắn liền giá trị di sản địa chất, giá trị thiên nhiên, chúng tôi còn gắn liền với giá trị văn hóa truyền thống. Một khi chúng tôi tạo ra được sản phẩm du lịch thì đồng nghĩa với việc văn hóa sẽ được gìn giữ, bảo tồn. Bởi các sản phẩm du lịch mà chúng tôi tạo ra cũng xuất phát từ bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc như đan lát, dệt thổ cẩm, ẩm thực…

PV Tang Wei Qiang đến từ China Radio International (Trung Quốc): Việc đạt danh hiệu CVĐC toàn cầu có ý nghĩa như thế nào đối với tỉnh Đắk Nông?

ADQuảng cáo

Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Đạt được danh hiệu CVĐC toàn cầu là mục tiêu mà hệ thống chính trị tỉnh Đắk Nông đặt ra khi bắt tay xây dựng CVĐC Đắk Nông và danh hiệu này có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với tình hình phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh nhà. Bởi lẽ, nếu được công nhận CVĐC toàn cầu sẽ tạo điều kiện thuận lợi để chúng tôi quảng bá hình ảnh Việt Nam nói chung và CVĐC Đắk Nông nói riêng với bạn bè quốc tế và tạo đòn bẩy cho du lịch tỉnh Đắk Nông phát triển.

Ngoài những lợi ích cụ thể về kinh tế thì quan trọng hơn là những lợi ích tổng thể đó là các loại hình di sản được công nhận bảo tồn và phát huy. Có nghĩa là mở ra cơ hội tạo việc làm, tăng thêm thu nhập cho người dân vùng CVĐC… Ngoài những lợi ích nêu trên, khi trở thành CVĐC toàn cầu, những di sản địa chất không còn là của riêng địa phương nữa mà là của cả dân tộc Việt Nam.

PV Nguyễn Chung, Báo Thanh Niên: Trước đây và hiện tại Đắk Nông đã thu hút du khách đến với tỉnh như thế nào? Riêng đối với các hang động núi lửa thì trước đây du khách trong và ngoài nước đã đến đây nhiều chưa?

Đ/c Tôn Thị Ngọc Hạnh: Trong 2 nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh trước đây, tỉnh Đắk Nông đã xác định du lịch là 1 trong 3 mũi nhọn phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên cái khó của chúng tôi chính là điểm xuất phát thấp, trong khi ưu điểm, lợi thế của tỉnh chính là giá trị, tiềm năng về du lịch. Vì điều kiện kinh tế còn hạn chế nên việc đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch ngay từ khi thành lập tỉnh cũng đã gặp những khó khăn nhất định.

Trong suốt thời gian rất dài, tuyến quốc lộ 14 xuống cấp và dù có tiềm năng nhưng tỉnh Đắk Nông chưa thể hình thành được một tuor du lịch cụ thể để phục vụ du khách. Năm 2016, khi quốc lộ 14 được thông thương thì các doanh nghiệp đã bắt đầu tìm đến Đắk Nông. Hiện nay, các dự án liên quan đến du lịch cũng đã bắt đầu trong giai đoạn hoàn thành các thủ tục để đầu tư xây dựng.

Đặc biệt, việc phát triển du lịch CVĐC là hướng đi mà tỉnh Đắk Nông đã tính trước và khi bắt tay vào xây dựng CVĐC, chúng tôi đã hiểu được hướng đi và mục tiêu cần hướng đến. Đó là muốn trở thành CVĐC toàn cầu thì phải đáp ứng các tiêu chí nghiêm ngặt mà UNESCO đưa ra. Việc nghiên cứu các giá trị CVĐC là bước đi đầu tiên và bây giờ chúng ta đã thấy tỉnh Đắk Nông có hệ thống hang động núi lửa rất đặc biệt, hiếm có. Trên cơ sở tư vấn của các chuyên gia quốc tế, Đắk Nông đã xây dựng được 3 tuyến du lịch CVĐC gồm 44 điểm di sản.

Một tín hiệu rất vui là từ đầu năm đến nay, du khách đến với Đắk Nông tăng 41% so với cùng kỳ năm ngoái và khách quốc tế cũng đến rất nhiều. So với các tỉnh thành thì con số này còn khá khiêm tốn nhưng đối với Đắk Nông thì đó là một tín hiệu đáng mừng. Tôi hy vọng sau khi Hội nghị xúc tiến du lịch Đắk Nông được tổ chức vào tháng 9/2019 thì sẽ có nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đầu tư vào các điểm du lịch CVĐC.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển du lịch Công viên địa chất là mục tiêu mà tỉnh Đắk Nông đang hướng đến
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO