Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù công viên địa chất

Gia Bình| 11/09/2018 09:41

Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù vùng Công viên địa chất (CVĐC) là một trong những tiêu chí quan trọng mà UNESCO đưa ra để xét duyệt, công nhận danh hiệu CVĐC toàn cầu. Với sự đa dạng, phong phú về tài nguyên du lịch cũng như văn hóa truyền thống, tỉnh Đắk Nông đã và đang nỗ lực xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.

ADQuảng cáo

Là địa phương có hơn 40 dân tộc anh em sinh sống. Trong đó văn hóa của các dân tộc bản địa M’nông, Mạ, Ê đê vô cùng độc đáo. Một số lễ hội truyền thống có quy mô lớn, thu hút đông đảo nhân dân cũng như du khách tham dự như lễ cúng bến nước, lễ mừng sức khỏe, lễ tạ ơn của đồng bào Mạ; lễ rước K’pan, lễ mừng mùa của người Ê đê; lễ cúng sức khỏe, lễ kết tình thân của người Mạ…

Hiện nay, ở một số bon làng trên địa bàn vẫn còn duy trì một số ngành nghề thủ công truyền thống được xem là đặc trưng của dân tộc như dệt thổ cẩm, đan lát, làm rượu cần. Đây là một trong những yếu tố có thể khai thác du lịch cộng đồng.

Dệt thổ cẩm là một trong những nghề thủ công truyền thống của đồng bào các dân tộc bản địa, có thể khai thác phục vụ du lịch

Bên cạnh đó, Đắk Nông còn có thể khai thác một số lễ hội đặc sắc của đồng bào các dân tộc phía Bắc như lễ cấp sắc của người Dao, lễ gầu tào của người Mông, lễ hội Lồng tồng của người Tày… tất cả tạo nên một bức tranh sống động, chân thực rất hấp dẫn du khách. Ngoài sự giao thoa về văn hóa và cảnh quan thiên nhiên, Đắk Nông còn là vùng đất có khí hậu quanh năm mát mẻ, con người thân thiện và mến khách.

ADQuảng cáo

Hiện tại, tỉnh cũng đang trùng tu, xây dựng các bon văn hóa du lịch điển hình như bon N’Jriêng, xã Đắk Nia (Gia Nghĩa); bon B’tong, xã Đắk Som (Đắk Glong); bon Pi Nao, xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp); bon Bu Brâng, xã Đắk N’drung (Đắk Song); buôn Buôr, xã Tâm Thắng (Cư Jút)… để bảo tồn không gian văn hóa phục vụ du khách.

Tuy nhiên, trên thực tế, các sản phẩm du lịch của Đắk Nông vẫn còn đơn điệu và thiếu sự gắn kết giữa các tour, tuyến, điểm du lịch, không gian du lịch chưa gắn kết chặt chẽ trong mối liên kết vùng. Những tour du lịch độc đáo hấp dẫn du khách còn hạn chế, trong khi dịch vụ giải trí rất ít. Du khách đến với tỉnh còn mang tính tự phát, không lưu trú hoặc chỉ lưu trú 1 đêm rồi về. Một số sản phẩm thủ công truyền thống như đan lát, thổ cẩm, mỹ nghệ… còn thiếu đầu ra nên gặp rất nhiều khó khăn.

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban Quản lý CVĐC núi lửa Krông Nô, để có thể tạo ra những sản phẩm du lịch đặc thù của vùng CVĐC, ngoài việc kết hợp khai thác loại hình di sản văn hóa, di sản cảnh quan thì việc gia tăng số lượng, loại hình dịch vụ là một trong những yếu tố then chốt để làm nên sản phẩm mang tính đặc trưng của tỉnh Đắk Nông. Đặc biệt, để hình thành được sản phẩm du lịch đặc thù thì cần có sự vào cuộc của các cơ quan chuyên môn, ngành chức năng, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch. Xây dựng sản phẩm du lịch một cách tuần tự, bảo đảm tính nguyên sơ, thân thiện và đặc thù sẽ là yếu tố quan trọng để thu hút du khách, tạo đà cho du lịch Đắk Nông phát triển một cách bền vững.

Muốn làm được điều đó, cộng đồng dân cư trên địa bàn tỉnh nói chung và vùng CVĐC núi lửa Krông Nô nói riêng cần nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường sinh thái, bảo tồn bản sắc văn hóa. Trên cơ sở đó, vừa qua, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 1014/QĐ-UBND phê duyệt Đề án “Phát triển các sản phẩm du lịch, xây dựng mô hình du dịch cộng đồng (homestay) gắn với CVĐC núi lửa Krông Nô - Đắk Nông đến năm 2020, định hướng đến năm 2030”.

Trong đó, tỉnh yêu cầu các tổ chức xã hội, đơn vị, cộng đồng dân cư phải xây dựng bộ máy quản lý, điều hành hoạt động du lịch tại điểm được chọn, hợp tác chặt chẽ với các đơn vị khác; đồng thời bố trí nguồn lực về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch, đầu tư hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ du khách. Các tổ chức, cá nhân cam kết bảo đảm an ninh, an toàn và vệ sinh môi trường, tìm hướng nâng tầm thương hiệu và chất lượng phục vụ du khách.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù công viên địa chất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO