Xứ sở của âm thanh và giai điệu

Gia Bình| 12/04/2019 10:32

Công viên địa chất Đắk Nông trải dài qua 6 huyện, thị xã và là nơi sinh sống của hơn 40 dân tộc anh em. Trong quá trình lao động sản xuất, đồng bào các dân tộc cũng đã sáng tạo ra nhiều loại nhạc cụ có âm thanh riêng biệt, với nhiều sắc thái và được UNESCO gọi là “Xứ sở của âm thanh và giai điệu”.

ADQuảng cáo

Đoàn chuyên gia UNESCO tham quan Trung tâm thông tin huyện Cư Jút với nhiều loại nhạc cụ được trưng bày. Ảnh chụp ngày 1/1/2014

Ngay từ xa xưa, đồng bào các dân tộc M’nông, Mạ, Ê đê trên địa bàn tỉnh đã sáng tạo ra một hệ thống âm nhạc phong phú với nhiều loại nhạc cụ độc đáo mang âm hưởng của đại ngàn. Hầu hết các nhạc cụ đều được làm từ những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên như đá, lồ ô, tre, nứa... có hình dáng, âm thanh khác nhau nên được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau.

Điều đáng nói, tuy đơn giản, mộc mạc nhưng các loại nhạc cụ đều chứa đựng được tâm tư, tình cảm của con người với ước vọng về tương lai tươi sáng hơn. Tiêu biểu nhất của sự sáng tạo này chính là từ những tấm đá thô sơ nhưng người M’nông đã sáng chế ra bộ đàn đá (goong lú) nổi tiếng gồm 6 thanh đá, có kích thước và hình dạng khác nhau. Mỗi thanh đá đều có một âm sắc tương ứng với một chiếc chiêng trong bộ chiêng đồng và đàn đá được UNESCO chọn làm biểu trưng của Công viên địa chất Đắk Nông.

Trong các nhạc cụ của đồng bào, cồng chiêng được xem là nhạc cụ thiêng nên chỉ được sử dụng trong lễ hội lớn của cộng đồng như lễ mừng lúa mới, lễ sum họp cộng đồng, lễ kết nghĩa bon buôn... Tiếng chiêng là “linh hồn” làm nên buổi lễ, là “cầu nối” giúp con người giao tiếp với thần linh (Yang) và cầu nguyện thần linh ban cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bội thu. Mỗi khi tiếng chiêng ngân lên thì mọi người lại tề tựu đông đủ để cùng nhau chung vui với các sự kiện của bon làng.

Hay như chỉ từ chiếc sừng trâu, đồng bào cũng sáng tạo ra chiếc nung (tù và). Mỗi khi bon làng tổ chức lễ hội hay có sự kiện gì quan trọng, tiếng tù và như là một lời hiệu triệu, kêu gọi mọi người gác lại mọi công việc để cùng cộng đồng làm việc chung.

ADQuảng cáo

Đàn đá- biểu trưng của CVĐC Đắk Nông

Ngoài ra, đồng bào các dân tộc bản địa còn sử dụng lồ ô, tre, nứa để chế tác ra một số nhạc cụ như: trống, sáo, khèn, gôc, kni, đinh năm, đinh ktuk, đàn brố, chiêng tre của đồng bào Ê đê; rlét, tù và, m’buốt, n’hôm, goong rêng (đàn tre), guếch (đàn môi), goong lú (đàn đá), m’ló…của đồng bào M’nông…

Ngoài các nhạc cụ của đồng bào bản địa, trong những năm gần đây, đồng bào các dân tộc phía Bắc như Tày, Dao, Nùng, Mông, Thái… vào định cư lập nghiệp cũng đã mang theo các nhạc cụ truyền thống của dân tộc mình, góp phần tạo nên sự phong phú, đa dạng cho hệ thống nhạc cụ Đắk Nông như khèn Mèo, sáo Mèo (của người Mông), pí lè (của người Dao), khèn bè của người Thái… Đặc biệt, cây đàn Tính, điệu hát Then của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng đã trở nên quen thuộc với mọi người…

M'buốt- nhạc cụ truyền thống của người Mạ

Theo bà Lê Thị Hồng An, Phó Giám đốc Ban quản lý CVĐC Đắk Nông thì hệ thống nhạc cụ của các dân tộc trên địa bàn tỉnh rất phong phú, đa dạng và cũng rất đặc biệt. Trên cơ sở nghiên cứu, các chuyên gia UNESCO đã gọi CVĐC Đắk Nông bằng một tên gọi hết sức thân thương là “Xứ sở của âm thanh và giai điệu”. Để xứng danh với tên gọi đó, hiện tại, trong tiến trình xây dựng danh hiệu CVĐC toàn cầu và chuẩn bị cho cuộc thẩm định chính thức lần thứ 2 vào tháng 7/2019, tỉnh Đắk Nông đang tiến hành xây dựng Bảo tàng âm thanh và sẽ trưng bày toàn bộ nhạc cụ truyền thống của các dân tộc anh em đang sinh sống trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt, tại các tuyến du lịch CVĐC cũng sẽ xây dựng một số nhà trưng bày đàn đá, cồng chiêng và nhạc cụ các dân tộc để giới thiệu với bạn bè trong và ngoài nước khi đến tham quan, du lịch tại Đắk Nông.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Xứ sở của âm thanh và giai điệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO