Cây khoai lang Nhật “bén duyên” với đất Đắk D’rông

Lê Phước| 29/04/2019 08:18

Mặc dù mới được đưa về trồng thử nghiệm nhưng giống khoai lang Nhật đã nhanh chóng “bén duyên” với đất Đắk D’rông (Cư Jút) và mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho người dân tại địa phương.

ADQuảng cáo

Máy móc, nhân công thu hoạch khoai lang trên cánh đồng thôn 15, xã Đắk D'rông

Những ngày gần đây, trên cánh đồng thôn 15, xã Đắk D’rông luôn nhộn nhịp cảnh máy móc, người dân tấp nập thu hoạch khoai lang. Cùng tham gia thu hoạch khoai lang trên phần đất của gia đình, bà Hà Thị Sừm cho biết, đây là diện tích được Công ty TNHH MTV ANT Farm (viết tắt là Công ty ANT) thuê đất để trồng. Những chân ruộng này lâu nay trồng lúa ở vụ hè thu, vụ còn lại (đông xuân) phải trồng màu hoặc bỏ hoang.

“Nhà tôi có hơn 6 sào đất, cho công ty thuê lại với giá 600.000 đồng/sào/vụ. Ngoài ra họ còn thuê chúng tôi trồng, chăm sóc và thu hoạch với giá 200.000 đồng/ngày. Cả vụ này gia đình tôi cũng đóng góp được mấy chục công, mang lại nguồn thu khá đáng kể”, bà Sừm chia sẻ.

Được biết, sau khi khảo sát, Công ty ANT đã quyết định đưa khoai lang Nhật về trồng thử nghiệm tại Đắk D’rông trong vụ đông xuân 2018 - 2019. Vụ này, công ty thuê 30 ha đất của người dân tại thôn 15 và thuê chính họ tham gia trồng, chăm sóc khoai lang. Do mới trồng thử nghiệm nên năng suất khoai lang chưa cao và còn bị một số loại sâu bệnh như: hà, sùng… tấn công. Mặc dù vậy, trung bình mỗi ha đất vẫn đạt năng suất trên 20 tấn khoai chất lượng, có thể đưa về nhà máy của công ty tại Lâm Đồng để chế biến.

ADQuảng cáo

Đạt năng suất cao sau đợt trồng thí nghiệm, Công ty ANT dự kiến liên kết với nông dân tăng diện tích khoai lang Nhật tại Cư Jút

Theo đại diện ANT, những năm gần đây, nhu cầu nguyên liệu khoai lang xuất khẩu của ANT (trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh) khá lớn nên doanh nghiệp đã chủ động tìm, xây dựng vùng nguyên liệu tại các địa phương. Qua đánh giá sơ bộ, Đắk D’rông có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp để phát triển cây khoai lang. Vậy nên sắp tới, ANT có xu hướng mở rộng diện tích loại cây này theo hướng thông qua chính quyền địa phương để tạo sợi dây liên kết với người dân, hình thành chuỗi sản xuất.

“Nếu người dân tham gia liên kết, chúng tôi sẽ hỗ trợ giống, kỹ thuật canh tác và bao tiêu sản phẩm đầu ra. Khi đó, người dân trồng trên chính mảnh đất của họ thì chắc chắn công tác bảo vệ và năng suất sẽ tốt hơn nhiều so với công ty thuê đất để trồng. Qua đợt thử nghiệm lần này, chúng tôi sẽ sơ kết, đánh giá lại những tồn tại, hạn chế và có phương án phát triển diện tích khoai lang tốt hơn tại Đắk D’rông trong thời gian tới”, Đại diện ANT cho hay.

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Cư Jút, sau khi ANT đặt vấn đề, huyện dự kiến trong vụ đông xuân 2019 - 2020 sẽ vận động bà con tại Đắk D’rông, Cư K’nia và thị trấn Ea T’ling tham gia liên kết, mở rộng diện tích khoai lang lên hơn 100 ha. Đây cũng là hướng chuyển đổi cây trồng chống hạn của ngành nông nghiệp Cư Jút, giúp người dân tăng thu nhập và xây dựng vùng nguyên liệu nông nghiệp lớn tại địa phương.

Theo Chủ tịch UBND xã Đắk D’rông Trần Văn Thành, khoai lang là một loại cây tiềm năng, có thể phát triển mạnh ở địa phương. Khi trồng gối đầu (1 vụ lúa, 1 vụ khoai) thì mỗi ha đất có thể mang lại cả trăm triệu đồng/năm. Vậy nên vụ đông xuân năm tới, xã Đắk D’rông có hướng quy hoạch khoảng 40 ha đất ở thôn 15, nằm gần đập Ea Diêr để trồng khoai lang. Nếu hình thành được quy trình liên kết với doanh nghiệp, khoai lang hoàn toàn có thể trở thành loại cây giúp người dân nâng cao giá trị trên cùng một diện tích đất canh tác, giúp họ tăng thu nhập, vươn lên làm giàu.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cây khoai lang Nhật “bén duyên” với đất Đắk D’rông
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO