Khởi động xây dựng thương hiệu “đậu nành Chư Jút”

Thanh Hà| 28/05/2018 14:33

Với năng suất và chất lượng vượt trội, đậu nành Chư Jút đã từng bước tìm được chỗ đứng trên thị trường. Trước những kết quả khả quan bước đầu, huyện Chư Jút đang triển khai việc xây dựng thương hiệu cho loại nông sản này.

Nông dân Chư Jút chăm sóc cây đậu nành. Ảnh tư liệu

Cách đây khoảng 20 năm, cây đậu nành đã bắt đầu xuất hiện tại Chư Jút. “Bén duyên” với khí hậu và thổ nhưỡng vùng đất này, cây đậu nành cho năng suất và chất lượng vượt trội hơn hẳn so với những khu vực khác ở Tây Nguyên. Nhờ vậy, diện tích đậu nành tại Chư Jút liên tục được mở rộng và có lúc lên tới cả chục nghìn ha.

Tuy nhiên, do sự biến động từ tình hình giá cả thị trường, tình trạng sâu bệnh, năng suất đậu nành giảm… nông dân Chư Jút bắt đầu chuyển đổi các diện tích trồng đậu nành sang các loại cây công nghiệp dài ngày như: cà phê, hồ tiêu… khiến diện tích giảm mạnh. Nếu như năm 2013, tổng diện tích gieo trồng đậu nành hàng năm toàn huyện là hơn 7.300 ha thì đến năm 2015 chỉ còn hơn 4.300 ha và hiện tại chỉ còn khoảng 2.500 ha.

Mặc dù vậy, đậu nành Chư Jút vẫn tìm được chỗ đứng trên thị trường nhờ chất lượng và hương thơm đặc biệt. Công ty Sữa đậu nành Vinasoy (gọi tắt là Vinasoy) đã tìm đến Chư Jút để tìm cách giữ vùng nguyên liệu này. Sau nhiều năm nghiên cứu, Vinasoy đã lai tạo thành công giống đậu nành Hoa trắng Chư Jút và đưa vào sản xuất đại trà trong năm 2015. Trước những kết quả khả quan về năng suất và chất lượng, năm 2017, Vinasoy đã bắt đầu liên kết với các hộ dân ở xã Nam Dong trên diện tích 20 ha. Các hộ dân trồng giống đậu nành của Vinasoy được bao tiêu sản phẩm đầu ra với giá cao hơn thị trường từ 2.000 đồng/kg trở lên.

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Chư Jút thì những diện tích liên kết với Vinasoy cho năng suất từ 2,5 - 3 tấn/ha, thậm chí cao hơn. So với năng suất giống đậu nành thuần trước đây (khoảng 1,5 tấn/ha), việc liên kết mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân cao hơn hẳn. Thấy vậy, số hộ dân đăng ký tham gia liên kết với Vinasoy tăng nhanh và hiện tổng diện tích liên kết đã lên tới 200 ha.

Trước những kết quả khả quan nói trên, chính quyền địa phương đã khởi động việc xây dựng thương hiệu cho loại nông sản này. Theo ông Hồ Sơn, huyện đã triển khai việc xây dựng lô gô và các thủ tục có liên quan. Tuy nhiên, muốn xây dựng được thương hiệu thì các hộ dân liên kết với Vinasoy để sản xuất đậu nành phải nằm trong hợp tác xã (HTX). Khi HTX đứng ra xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu chuỗi liên kết sẽ phát huy giá trị cao hơn. Sau khi thu hoạch vụ hè thu sắp tới, huyện sẽ vận động các hộ dân liên kết tham gia HTX để xúc tiến các bước xây dựng thương hiệu “đậu nành Chư Jút”.

Hiện tại, huyện Chư Jút đã triển khai quy hoạch hơn 30 ha tại xã Nam Dong để phát triển nông nghiệp công nghệ cao. Huyện dự kiến sẽ ưu tiên bố trí cho Vinasoy thuê khoảng 10 ha để công ty này đầu tư nghiên cứu, thử nghiệm các loại giống mới có năng suất và chất lượng cao.

Những động thái này cho thấy Chư Jút rất quan tâm đến việc phát triển vùng nguyên liệu và nâng cao thu nhập cho người nông dân. Với những nỗ lực của chính quyền địa phương, doanh nghiệp và người dân, hy vọng đậu nành Chư Jút sẽ sớm khôi phục và khẳng định “vị thế” của mình trên thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khởi động xây dựng thương hiệu “đậu nành Chư Jút”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO