Phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, chuyên canh để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp

Kim Ngân| 23/01/2019 09:12

Để phát huy thế tiềm năng, lợi thế về đất đai, khí hậu, huyện Cư Jút đã xây dựng Đề án phát triển các vùng sản xuất nông nghiệp tập trung (cánh đồng lớn) nhằm nâng tầm các sản phẩm nông nghiệp hiện có tại địa phương gắn với quy hoạch xây dựng nông thôn mới, chỉnh trang đồng ruộng.

Hiện nay trên địa bàn huyện Cư Jút cũng đã manh nha hình thành nên các vùng chuyên canh, sản xuất tập trung các loại cây trồng, vật nuôi chủ lực như: Vùng chuyên canh lúa ở các xã Cư K’nia (50 ha), Đắk D’rông (100 ha), Nam Dong (60 ha). Vùng chuyên canh đậu đỗ liên kết với Công ty Vinasoy trồng đậu nành ở các xã Đắk Wil, Nam Dong, Cư K’nia với diện tích 36,7 ha vào năm 2016 và 21 ha năm 2017- 2018… Ngoài ra, trên địa bàn cũng đang hình thành các vùng chăn nuôi gà, vùng chăn nuôi heo, bò… Các vùng sản xuất này tuy quy mô, số lượng còn hạn chế so với tiềm năng đất đai nông nghiệp của địa phương, song được đánh giá là bước khởi đầu, có tác dụng lan truyền, nhân rộng trong việc thực hiện mục tiêu phát triển sản xuất tập trung của huyện.

Từ những kết quả trên, năm 2018, căn cứ vào quy hoạch 15 loại cây trồng, vật nuôi và phân bố vùng sản xuất tập trung ở 8 xã, thị trấn, Cư Jút đã xây dựng kế hoạch từ năm 2017 – 2020 sẽ hình thành từ 16 đến 57 vùng sản xuất tập trung với các loại cây trồng, vật nuôi có thế mạnh của địa phương, phù hợp với điều kiện của từng xã, thị trấn, có thị trường tiêu thụ ổn định như: Cà phê, hồ tiêu, cao su, lúa, ngô, rau, đậu, bò thịt, heo và gia cầm. Ưu tiên các vùng đã có sản phẩm từ các dự án, doanh nghiệp đầu tư hoặc đã sản xuất theo phương thức tập trung, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết.

Để xây dựng thành công vùng sản xuất tập trung, chuyên canh, huyện Cư Jút sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng thiết yếu vùng sản xuất nông nghiệp tập trung và hoàn thành các thủ tục pháp lý cần thiết để đưa vùng sản xuất chuyên canh đi vào hoạt động. Đồng thời, địa phương sẽ chuẩn bị mô hình tổ chức quản lý, đào tạo nguồn nhân lực có đủ trình độ quản lý và điều hành các hoạt động của vùng sản xuất chuyên canh đạt hiệu quả. Cùng với đó, huyện khuyến khích, mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực trồng, chế biến cà phê, hồ tiêu, lúa, sản xuất ngô F1, đậu nành, đậu phụng, cây dược liệu, nuôi cá lồng, cá bè, nuôi heo theo hướng an toàn sinh học, sản xuất rau an toàn…

Theo ông Hồ Sơn, Trưởng Phòng Nông nghiệp – PTNT huyện Cư Jút, hiện nay, do hầu hết diện tích canh tác thuộc về hộ gia đình riêng lẻ, manh mún đan xen nhau trên một vùng phân bố lớn. Trong đó, diện tích của mỗi hộ lại trồng nhiều loại cây khác nhau, với thời điểm trồng, cách chăm sóc khác nhau… Do đó huyện sẽ từng bước thực hiện triệt để việc dồn điền, đổi thửa để đáp ứng tiêu chí về diện tích, quy trình sản xuất cho vùng sản xuất tập trung, chuyên canh theo mục tiêu, kế hoạch đề ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển các vùng nông nghiệp tập trung, chuyên canh để nâng tầm sản phẩm nông nghiệp
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO