Đắk Glong nỗ lực giảm nghèo bền vững

Lê Dung| 30/03/2017 10:45

Cùng với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, các dự án, chương trình giảm nghèo trên địa bàn huyện Đắk Glong (tỉnh Đắk Nông) đã, đang tích cực hỗ trợ, từng bước nâng cao điều kiện sống, sản xuất cho người dân, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

ADQuảng cáo

Từ năm 2011 đến nay, thông qua nhiều chương trình, dự án, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện Đắk Glong đã giảm rõ rệt. Theo thống kê, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chuẩn cũ của toàn huyện đã giảm từ 66,94% (năm 2011) xuống còn 37,08% (năm 2015). Như vậy, bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo của huyện đã giảm 5,11% - 7,13%. Hiện hộ nghèo theo tiêu chí mới đã được khảo sát, thống kê và đang chờ Trung ương phê duyệt.

Chương trình tái canh, ghép cải tạo cà phê trên địa bàn đã mang lại hiệu quả sản xuất thiết thực cho người dân. Vườn cà phê của gia đình ông K’Krang ở thôn 2, xã Quảng Khê, sau gần 3 năm được nhà nước hỗ trợ tham gia chương trình tái canh, năng suất, sản lượng mang lại vượt hẳn so với thời gian trước.

Ông K’Krang chia sẻ: Trước kia, khi chưa tái canh, 1 ha cà phê, gia đình chỉ thu khoảng 1,5 tấn. Sau khi tái canh rồi, được thay bằng giống mới, kết hợp với các chương trình tập huấn ứng dụng khoa học kỹ thuật, năng suất vườn cây đã tăng gấp đôi. Cuộc sống của gia đình đỡ vất vả hơn so với trước.

Vườn cà phê sau 3 năm tái canh của gia đình ông K’Krang, thôn 2, xã Quảng Khê (Đắk Glong) cho năng suất gấp đôi so với trước kia.

ADQuảng cáo

Theo ông Trần Ngọc Thuận, Phó Chủ tịch UBND xã Quảng Khê thì từ khi tham gia một số chương trình, dự án giảm nghèo, bộ mặt nông thôn của địa phương đã có phần khởi sắc. Cơ sở hạ tầng nông thôn như điện, đường trường, trạm… được đầu tư. Hiện tại, địa phương đang định hướng cho bà con tiếp tục tận dụng các nền tảng hỗ trợ đã có, đầu tư phát triển sản xuất, nhất là mở rộng diện tích tái canh cà phê để mang lại năng suất, sản lượng cao hơn. Địa phương cũng xem đây là một trong những là đòn bẩy vững chắc, giúp hộ nghèo có thể giảm nghèo một cách bền vững trong thời gian tới.

Với mục tiêu đến năm 2020, Đắk Glong sẽ thoát ra khỏi tình trạng huyện nghèo của tỉnh và có tỷ lệ hộ nghèo ngang bằng các huyện trong tỉnh, hiện tại Đắk Glong đang nỗ lực đẩy mạnh một số giải pháp giảm nghèo trọng tâm.

Trên cơ sở mục tiêu đề ra, huyện phân tích, đánh giá và chỉ rõ nguyên nhân cơ bản của các hạn chế. Trong đó, một số chương trình giảm nghèo triển khai còn chồng chéo, thiếu đồng bộ nên chưa phát huy hết hiệu quả. Việc lồng ghép giữa các chương trình, dự án thiếu sự gắn kết. Các chương trình đầu tư cho xóa đói, giảm nghèo còn dàn trải, thiếu tập trung… Vì vậy, thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện đồng bộ, có hiệu quả cơ chế, chính sách về giảm nghèo để cải thiện điều kiện sống của người nghèo và tiếp cận được các dịch vụ xã hội cơ bản như: Chính sách phát triển sản xuất, đất ở, đất sản xuất, tín dụng ưu đãi, chăm sóc sức khỏe, tiếp cận thông tin… Địa phương cũng sẽ tập trung giải quyết một cách cơ bản về cơ sở hạ tầng kinh tế, xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo tiêu chí nông thôn mới, trước hết là hạ tầng thiết yếu. Đặc biệt, chính sách đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng của Thủ tướng Chính phủ trong thời gian qua đang được xem là rất thiết thực đối với sự phát triển chung của huyện. Vì thế, trong  giai đoạn 2016-2020, huyện tiếp tục đề nghị với Chính phủ đưa vào diện huyện nghèo của cả nước.

Ông Trần Nam Thuần, Phó Chủ tịch UBND huyện Đắk Glong cho biết, đến nay, việc điều tra, khảo sát hộ nghèo cũng như toàn bộ thủ tục, hồ sơ đề nghị, huyện đã được tỉnh hỗ trợ và gửi ra Trung ương. Hiện tại, địa phương mong muốn Trung ương sớm phê duyệt, để có thể xây dựng kế hoạch triển khai hỗ trợ ngay từ những tháng đầu năm, giúp cho người dân được tiếp tục hưởng lợi các chế độ, chính sách theo quy định. Còn về lâu dài, huyện đã đề xuất, những phần hỗ trợ mang tính chất nhỏ lẻ cho người dân như: Muối, tiền điện, nhu yếu phẩm… thì nên hạn chế, bởi nó chỉ mới mang lại hiệu quả tức thì. Cái cốt yếu là nhà nước từng bước hoàn thiện cơ chế hỗ trợ, giúp người dân thay đổi tư duy, cách thức làm ăn. Trong đó, một giải pháp căn cơ nhất đó là làm sao giữa đồng bào các dân tộc có thể sinh sống lồng ghép, để tự học hỏi lẫn nhau trong cuộc sống cũng như trong quá trình phát triển kinh tế.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Glong nỗ lực giảm nghèo bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO