Đắk Som phát huy vai trò tổ chức đảng trong phát triển kinh tế

Lê Dung| 14/06/2017 09:37

Với phương châm “Xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt, phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm", những năm qua, Đảng bộ xã Đắk Som (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đã tập trung gắn công tác xây dựng Đảng với phát triển kinh tế thông qua Nghị quyết Đại hội Đảng bộ từng nhiệm kỳ cũng như nghị quyết chuyên đề của Đảng bộ để lãnh đạo chính quyền, nhân dân thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ đề ra.

ADQuảng cáo

Người dân xã Đắk Som tích cực áp dụng tiến bộ khoa học trong sản xuất cây cà phê

Theo đồng chí Phạm Ngọc Thanh, Phó Bí thư Đảng ủy xã Đắk Som, trên cơ sở Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, xã nhiệm kỳ 2015-2020, Đảng bộ xã đã xây dựng và ban hành các nghị quyết chuyên đề về đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ban Chấp hành Đảng bộ xã xây dựng kế hoạch, triển khai chương trình, hành động cụ thể đến 19 chi bộ trực thuộc trong toàn xã; đồng thời phân công cho các đồng chí đảng ủy viên phụ trách từng địa bàn thôn, bon tổ chức tuyên truyền đến đảng viên và nhân dân.

Các chi bộ cũng triển khai chương trình hành động phù hợp với điều kiện thực tế của đơn vị mình. Qua đó, từng tổ chức đảng tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển những ngành nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, gia đình.

Đắk Som là địa phương với phần đông đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó kinh tế người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Vì thế, Đảng bộ xã xác định phải nâng cao vai trò của các tổ chức đảng trong lãnh đạo nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế phù hợp, đúng hướng.

Theo đó, Đảng bộ xác định mục tiêu đến năm 2020, tỷ trọng sản xuất nông nghiệp trên địa bàn giảm từ 92% như hiện nay xống còn 70% trong cơ cấu kinh tế và vẫn đóng vai trò chủ lực trong phát triển nền kinh tế của địa phương.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Đảng bộ xã xác định tập trung phát triển một số cây trồng chủ lực như cà phê, cây ăn quả, đồng thời phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm. Tổng diện tích cà phê của toàn xã hiện 2.200 ha, tăng 900 ha so với năm 2011, năng suất trung bình đạt 2,5 tấn/ha.

Để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm cà phê, thời gian qua xã đã phối hợp với các ngành chuyên môn thực hiện ghép cải tạo, tái canh trên diện rộng. Nhờ đó, tính đến năm 2016, toàn xã có 300 ha cà phê ghép cải tạo, 47 ha diện tích cà phê tái canh.

ADQuảng cáo

Đặc biệt, với đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 72% dân số, trong đó dân tộc Mông chiếm tới 38% nên việc tập trung nâng cao trình độ canh tác cho bà con cũng được xã chú trọng. Qua các lớp tập huấn khoa học kỹ thuật, nhiều hộ gia đình đã chủ động được việc trồng, chăm sóc, bón phân... Bằng nhiều cách làm cụ thể, xã đã hướng dẫn bà con từng bước thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.

Nếu như trước đây, bà con người Mông di cư vào làm ăn sinh sống trên địa bàn chỉ mới tiếp cận với cây trồng ngắn ngày thì nay họ đã làm chủ được kỹ thuật trồng và chăm sóc cho cây cà phê. Vì vậy, ngoài những cây công nghiệp dài ngày, nhiều hộ dân đã biết đưa các giống cây ăn trái như bơ, sầu riêng… vào trồng xen canh, luân canh trên cùng một diện tích. Đến nay, toàn xã đã có trên 100 ha cây ăn trái, trồng tập trung ở 6/9 thôn, bon. Kết quả cho thấy, những cây trồng này rất phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu, cây sinh trưởng, phát triển tốt và bước đầu cho thu trái…

Bên cạnh việc đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xã chú trọng và đẩy mạnh phát triển chăn nuôi. Đảng bộ xã luôn xác định, chăn nuôi gia súc như: Trâu, bò, dê… là ưu tiên số một, mũi nhọn để phát triển kinh tế cho địa phương. Đến năm 2016, tổng đàn gia súc, gia cầm của toàn xã đạt gần 27.300 con, vượt 93% chỉ tiêu huyện giao.

Bí thư Chi bộ bon B’Sêrê A - K’ Chung cho biết: "Để nghị quyết từng bước đi vào cuộc sống, chi bộ đã quán triệt, vận động các cán bộ, đảng viên trên địa bàn bon đi đầu thực hiện. Từ những mô hình, cách làm mới đó, bà con mới tích cực học tập, làm theo. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo tuy còn cao nhưng đã giảm mạnh so với trước, ở mức gần 65% và là địa phương có tỷ lệ hộ nghèo thấp nhất toàn xã”…

Ngoài ra, công tác trồng rừng cũng được địa phương chú trọng. Việc lồng ghép các chương trình, dự án như: Dự án 3EM, WB, FLICH… được xã tích cực triển khai đồng bộ, tạo tiền đề phát triển sinh kế cho người dân, nhất là các hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ đó, đến năm 2016, tỷ lệ hộ nghèo bình quân toàn xã Đắk Som còn 66,9%, giảm 3% so với năm 2015; bình quân thu nhập đầu người của toàn xã đạt 14 triệu đồng/người/năm, tăng 1,3 triệu đồng/người/năm so với năm 2015…

Để phấn đấu thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu trong phát triển kinh tế theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2015-2020 như tỷ trọng ngành nông nghiệp giảm xuống 70% vào năm 2020, tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân hàng năm giảm từ 5 đến 7%..., cùng với việc làm tốt công tác lãnh đạo trong phát triển chung, Đảng ủy xã tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo địa phương tăng cường công tác đào tạo, tập huấn về kỹ thuật sản xuất nông nghiệp cho nhân dân thông qua các chương trình, dự án.

Địa phương cũng tập trung nhân rộng các mô hình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, mô hình sản xuất chuyên canh, tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa. Đặc biệt là xây dựng và nhân rộng các mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ giữa hộ nghèo, cận nghèo với doanh nghiệp…

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đắk Som phát huy vai trò tổ chức đảng trong phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO