Gian nan hoạt động đài truyền thanh cơ sở

Bảo Anh| 08/12/2016 15:32

Theo ông Lưu Hồng Vân, Trưởng Phòng Văn hóa-Thông tin huyện Đắk Glong (Đắk Nông) thì đến nay, mỗi xã trên địa bàn đều được trang bị một hệ thống đài truyền thanh. Mỗi ngày, các đài đều tiếp sóng các chương trình của địa phương và Đài Tiếng nói Việt Nam.

Một số đài cũng đã tự sản xuất thêm chương trình bản tin của địa phương để làm phong phú thêm thông tin cung cấp cho các thính giả. Tùy vào tình hình thực tế, mỗi đài có những khung giờ phát sóng khác nhau, thường thì khoảng 3 lần một ngày. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều đài đang gặp khó khăn trong quá trình hoạt động, do cơ sở vật chất, trang, thiết bị xuống cấp nghiêm trọng…

Cụm loa ở thôn 4, xã Đắk P’lao (Đắk Glong) đã bị hư hỏng, không còn hoạt động được

Thực tế cho thấy, hiện nay, hầu hết thiết bị ở các đài đều không được đầu tư đồng bộ nên chưa phát huy hết công suất và hiệu quả sử dụng. Một số đài do trang, thiết bị được đầu tư từ khá lâu nên đã xuống cấp và lạc hậu.

Mặt khác, hệ thống loa ngoài trời bị hư hỏng nên đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động thông tin tuyên truyền tới người dân. Một số đài xã có thiết bị tiếp sóng nhưng hệ thống loa tại các điểm thôn, bon lại quá ít, trong khi đó, địa bàn rộng, dân cư sống không tập trung nên việc tiếp nhận thông tin không được đầy đủ.

Đặc biệt, do điều kiện kinh phí khó khăn nên hiện nay, phần lớn các đài truyền thanh xã đều không được bố trí phòng làm việc riêng, mà được sắp xếp chung với các phòng làm việc của các tổ chức đoàn thể nên khâu quản lý, bảo quản không được tốt.

Bên cạnh những khó khăn về cơ sở vật chất, vấn đề nhân lực cũng là một trong những yếu tố khiến công tác truyền thanh cơ sở gặp khó. Thực tế, mỗi đài đều được bố trí một cán bộ để làm công việc quản lý, tiếp, phát sóng hằng ngày. Do đội ngũ này đều hoạt động bán chuyên trách, chỉ được hưởng 85% mức lương cơ bản nên thu nhập khá thấp.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ đài truyền thanh lại không được đào tạo bài bản về chuyên môn, nghiệp vụ nên kỹ năng khai thác thông tin, viết bản tin không hiệu quả, chất lượng của chương trình truyền thanh không cao. Mỗi khi máy móc bị hư hỏng cũng không thể tự khắc phục được. Vì thế, họ thiếu nhiệt tình gắn bó với công việc của mình…

Cũng theo ông Vân thì trước đây, các đài truyền thanh xã chủ yếu được đầu tư từ nguồn ngân sách của huyện hoặc từ nguồn vốn chương trình mục tiêu quốc gia đưa thông tin về cơ sở. Hệ thống máy móc, thiết bị được đầu tư khá lâu nên phần nhiều đã bị xuống cấp. Trong tổng số các cụm loa được đầu tư thì hiện nay, các đài có tới 64% đã bị hư hỏng do thời tiết và do một số người dân tự ý tháo gỡ dây. Chất lượng của các cụm loa FM không còn hoạt động tốt như trước, âm thanh bị rè, nhiễu và lệch sóng, không thể phát tín hiệu được…

Trước tình hình đó, ngành cũng đã có văn bản chỉ đạo cho các đài phối hợp với địa phương tiến hành rà soát, kiểm tra thực trạng, thống kê lại hệ thống truyền thanh cơ sở. Trong trường hợp hư hỏng nhỏ, xã sẽ phải chịu trách nhiệm về kinh phí để sửa chữa. Với những trường hợp hư hỏng nặng, vượt tầm đầu tư của xã thì đề xuất với UBND huyện để bổ sung kinh phí khắc phục kịp thời. Ngoài ra, chính quyền cấp xã cũng cần quan tâm đến việc bố trí phòng làm việc rộng rãi, sạch sẽ để các đài truyền thanh có thể sắp xếp máy móc, thiết bị, bảo đảm các điều kiện phục vụ hoạt động tốt hơn.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Gian nan hoạt động đài truyền thanh cơ sở
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO