Giúp nông dân tái canh cà phê

Văn Tâm| 05/02/2015 09:05

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện Đắk Glong thì hiện nay, địa phương có hơn 8.680 ha cà phê, trong đó, có gần 30% diện tích vườn cây kém hiệu quả cần phải tái canh. Trong 3 năm qua, huyện đã triển khai tái canh được trên 270 ha. Cùng với việc cấp phát giống chất lượng, huyện cũng đã hướng dẫn chăm sóc, phòng trừ nấm bệnh, giúp người dân thực hiện tái canh đạt kết quả nhất định.

ADQuảng cáo

Vườn cà phê tái canh năm thứ 3 của ông K’Bôn ở thôn 4, xã Đắk Som sinh trưởng, phát triển tốt

Ông K’Kran ở thôn 4, xã Đắk Som có trên 1 ha cà phê. Những năm trước đây, do nguồn giống cà phê chất lượng tại địa phương còn hạn chế cùng với việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng trọt chưa đảm bảo nên năng suất cà phê của ông rất kém. Năm 2012, được Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện giúp đỡ về giống, kỹ thuật, ông đã bắt tay vào thực hiện tái canh diện tích cà phê của gia đình.

Ông K’Kran cho biết: “Sau khi chặt bỏ vườn cây cà phê, tôi trồng hoa màu được 2 – 3 năm thì được biết huyện có chương trình tái canh cà phê nên tôi đi đăng ký. Sau đó ngoài được cán bộ huyện  hướng dẫn cách xử lý đất, đào hố, tôi còn được hỗ trợ giống cà phê chất lượng, kháng bệnh để trồng. Đến nay, vườn cà phê của gia đình tôi đang chuẩn bị bước vào giai đoạn kinh doanh. Nhìn chung, so với giống cà phê tôi trồng trước đây thì giống cà phê TR4 do huyện cấp có ưu điểm vượt trội như phát triển cành đều, khỏe, tỷ lệ đậu quả cao… Do đó, năng suất chắc chắn cao hơn rất nhiều”.

Theo UBND xã Đắk Som trong 3 năm qua, địa phương có 83 hộ tham gia chương trình tái canh cà phê, với hơn 48.611 cây cà phê giống trên diện tích 44 ha. Qua theo dõi, cây cà phê sinh trưởng và phát triển khá tốt, thích nghi với điều kiện sinh thái tại địa phương, tỷ lệ cây sống đạt 95%. Riêng diện tích cà phê tái canh từ 2012 đến nay đã cho thu bói năm thứ nhất, với chất lượng quả tốt, đạt 3,8 kg tươi/kg nhân.

Tương tự, ông Trần Văn Lợi ở thôn 2, xã Quảng Khê cũng thực hiện tái canh vườn cà phê trên 2 ha vào mùa mưa năm 2013. Để vườn cây đạt kết quả, ngoài việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh, ông còn trồng xen cây họ đậu để tạo thêm thu nhập, vừa tạo bóng râm, tăng độ phì nhiêu của đất.

Ông Lợi cho biết: “Giống cà phê của chương trình tái canh có nhiều ưu điểm, trước hết là cành lá phát triển mạnh, từ khi trồng đến nay chưa phát hiện các bệnh thông thường như giống cà phê trồng trước đây”.

Thời gian qua, khi triển khai chương trình, các cán bộ của Phòng Nông nghiệp - PTNT, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện đã tiến hành kiểm tra trực tiếp tình hình trồng, chăm sóc cà phê tại 558 hộ, với  297.840 cây cà phê được cấp từ năm 2012 đến nay.

ADQuảng cáo

Qua kiểm tra, giống cà phê cấp về cho các hộ nông dân đều phát triển tốt, một số ít cây bị nhiễm bệnh cháy lá và đốm mắt cua và tỷ lệ sống đạt trên 95%. Trước hiện tượng một số loại bệnh đó, các cán bộ khuyến nông, cộng tác viên khuyến nông đã được tập huấn để trực tiếp hướng dẫn phun thuốc trị bệnh và hướng dẫn chăm sóc đúng quy trình, đảm bảo cây sinh trưởng, phát triển tốt trong điều kiện thời tiết của mùa mưa lẫn mùa khô cho nông dân.

Để thực hiện tái canh đạt kết quả cao thì tất cả các hộ có diện tích cà phê cần tái canh như diện tích cà phê già cỗi, kém chất lượng, năng suất đạt dưới 1,5 tấn/năm... được đưa vào danh sách tái canh. Bên cạnh đó, trước khi cấp giống, Phòng Nông nghiệp - PTNT cùng với UBND các xã tiến hành rà soát tiến độ làm đất, chuẩn bị phân bón, hộ nào không đảm bảo yêu cầu sẽ không được cấp phát giống...

Nhờ chuẩn bị tốt các khâu từ ươm giống đến chuyển giống đến nông hộ như vậy nên việc thực hiện tái canh cà phê của huyện trong 3 năm qua đã diễn ra khá thuận lợi và việc chăm sóc cà phê tại các hộ dân cũng đạt kết quả cao.

Đặc biệt, việc hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật chăm sóc cà phê cho các hộ thực hiện tái canh đã giúp chương trình có sức lan tỏa rộng rãi, kích thích người dân trong vùng chú trọng các khâu chăm sóc, phòng bệnh cho cây cà phê. Nhờ vậy, năng suất cà phê niên vụ 2014-2015 đã đạt bình quân 2,2 tấn/ha, cao hơn năm trước 0,4 tấn/ha.  

Theo ông Nguyễn Hiền, Trưởng Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì trong những năm tới, huyện tiếp tục cấp giống cà phê cho nông dân để thực hiện trồng tái canh mỗi năm khoảng từ 80 – 100 ha, mục tiêu đến năm 2020, huyện sẽ tái canh 730 ha.

Do đó, huyện đã xây dựng kế hoạch phân ra thực hiện phù hợp cho từng năm, có thể tổ chức “về đích” sớm, song phải đảm bảo kết quả đúng chất lượng. Từ thực tế đó, ngành nông nghiệp huyện cũng sử dụng các giống cà phê đã qua chọn lọc có chất lượng cao như TR1, TR4... thay thế dần cho những giống cũ, đồng thời áp dụng kỹ thuật sản xuất tiến bộ và thâm canh hợp lý để nâng cao năng suất, tăng hiệu quả sản xuất và thu nhập cho nông dân.

Có thể nói, việc thực hiện kiểm tra đánh giá tổng thể, định kỳ chương trình tái canh cây cà phê đã mang lại hiệu quả cho người dân trên địa bàn huyện, từ đó sẽ giúp tăng năng suất cũng như sản lượng cà phê và nâng cao thu nhập cho người dân.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giúp nông dân tái canh cà phê
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO