Hiệu quả từ đầu tư thâm canh, đa dạng hóa cây trồng

Kim Ngân| 07/08/2014 10:14

Đắk Glong là một trong những huyện có thế mạnh về đất đai, đồi rừng. Thời gian qua, bà con đã từng bước áp dụng các biện pháp kỹ thuật về thâm canh, gối vụ, đưa các loại giống chất lượng thích hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của địa phương vào sản xuất nên đã mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Tại xã Quảng Sơn, vụ hè thu này, địa phương đã gieo trồng được 1.629 ha cây trồng các loại. Trong đó, lúa nước có 150 ha, 265 ha ngô, 326 ha khoai lang…

Người dân xã Quảng Sơn chăm sóc lúa vụ hè thu

Hiện nay, trên khắp các đồi nương, ngoài những vùng sản xuất cà phê được kiến thiết hết sức cơ bản thì các diện tích còn lại trồng ngô, khoai lang Nhật Bản… mang lại thu nhập cao.

Ông Trần Văn Khoái ở thôn 2 cho biết: “Trước đây, do bà con khai thác chưa hiệu quả quỹ đất sản xuất, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số, qua 2-3 năm trồng sắn, thu nhập chỉ đạt 15 triệu đồng/ha, trồng cà phê năng suất khoảng 1,5 tấn… nên người dân sản xuất để có cái ăn trước mắt là chủ yếu. Bây giờ, mọi người ai cũng nắm vững được kỹ thuật trong sản xuất nên hiệu quả, thu nhập trong mỗi mùa vụ mang lại khá cao”.

Theo UBND xã Quảng Sơn thì thời gian qua, địa phương đã phối hợp với ngành nông nghiệp huyện triển khai nhiều chương trình khuyến nông, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, tổ chức các lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng giúp bà con nắm vững các biện pháp kỹ thuật trong sản xuất…

Nhờ đó, bà con trong xã không những khai thác hiệu quả đất sản xuất nông nghiệp mà còn đưa các giống mới vào trồng như khoai lang, ngô lai, dược liệu để thay thế diện tích lúa rẫy kém năng suất.

Không riêng gì xã Quảng Sơn mà các địa phương khác như Quảng Khê, Đắk Som, Đắk Ha, Quảng Hòa… cũng thực hiện khá hiệu quả việc đa dạng hóa cây trồng với các giống ngô lai, đậu đỗ, giúp bà con cải thiện nguồn thu nhập và phá vỡ thế độc canh cây trồng là cây sắn trong những năm trước đây.

Theo Trạm Khuyến nông-Khuyến ngư huyện thì để giúp bà con áp dụng hiệu quả các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất, trong 3 năm qua, đơn vị đã hướng dẫn nông dân thực hiện hàng trăm ha đất trồng lúa, ngô và khoai lang Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Trạm cũng giúp bà con xây dựng trên 10,5 ha mô hình thâm canh lúa lai Hương ưu 3068, lúa lai Dương Quang 10, năng suất đạt 7 tấn/ha. Hiện nay, diện tích lúa lai trên toàn huyện có hơn 500 ha với năng suất trung bình 5,5 tấn/ha và nhiều nơi năng suất đạt trên 7 tấn/ha. Còn đối với các vùng trồng ngô lai thì hiện nay, năng suất tăng từ 3,5 tấn/ha trước đây  lên 7 tấn/ha và diện tích ngô không ngừng được mở rộng…

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì xác định nông nghiệp vẫn là ngành kinh tế chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế nên địa phương đã có những giải pháp tích cực để khắc phục khó khăn, chủ động triển khai phương án sản xuất, giao chỉ tiêu kế hoạch ngay từ đầu nhiệm kỳ và hàng năm cho các xã.

Cùng với đó, địa phương đã bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ sản xuất nông nghiệp với các chương trình mục tiêu, tổ chức tập huấn khoa học kỹ thuật, thực hiện quyết liệt các giải pháp để phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, tăng cường đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ sản xuất, hỗ trợ tín dụng… nên kết quả các chỉ tiêu sản suất nông nghiệp năm sau luôn cao hơn năm trước.

Các mô hình nông nghiệp chất lượng cao cũng được đưa vào áp dụng như mô hình trồng cây thanh long ruột đỏ, ổi, cam ca ra… đã góp phần giúp nông dân trên địa bàn huyện thuận lợi hơn trong việc thực hiện đa dạng hóa cây trồng đạt hiệu quả.  

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả từ đầu tư thâm canh, đa dạng hóa cây trồng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO