Kết quả giao đất, giao rừng cho cộng đồng ở Đắk Glong

Văn Tâm| 06/11/2014 10:45

Sau một vài năm triển khai, mô hình giao đất, giao rừng cho cộng đồng ở huyện Đắk Glong đã và đang được định hình, giải quyết cơ bản phần diện tích đất rừng chưa được giao hoặc những khu rừng nghèo, ở xa khu dân cư. Thực hiện mô hình rừng cộng đồng không chỉ giúp bà con ổn định cuộc sống, nâng cao ý thức bảo vệ tài nguyên rừng mà còn tạo tiền đề cho việc áp dụng các công cụ quản lý rừng bền vững.

Cộng đồng tự tin giữ rừng

Trên địa bàn huyện Đắk Glong hiện nay, việc giao đất cho cộng đồng quản lý được thực hiện tập trung ở các xã như Đắk Som, Đắk P’lao, Quảng Sơn, Đắk Ha… Trong đó, mô hình quản lý rừng cộng đồng do khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng đã tiến hành giao khoán bảo vệ cho 167 hộ của 3 xã là Đắk Som (Đắk Glong), Phi Liêng, Đạ K’Nàng, huyện Đam Rông (Lâm Đồng) và tại 17 tiểu khu, với tổng diện tích hơn 7.961 ha.

Các tổ quản lý rừng đều được tập huấn nâng cao năng lực và được hướng dẫn xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động. Qua đó, hoạt động của các tổ, nhóm bước đầu đã phát huy hiệu quả trong việc giữ rừng.

Các thành viên Tổ quản lý rừng cộng đồng thôn 3, xã Đắk Som đi tuần tra, bảo vệ rừng

Theo ông Phạm Đặng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện thì ngoài việc giao đất, giao rừng cho các cộng đồng thôn, bon quản lý, bảo vệ, Huyện ủy cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các cơ quan chuyên môn thường xuyên theo dõi diễn biến tài nguyên rừng và đất lâm nghiệp trên địa bàn. Theo đó, hàng tháng, quý, Hạt Kiểm lâm huyện và các cơ quan chuyên môn của địa phương đã thống kê cập nhật số liệu diện tích trồng rừng, khai thác, chuyển đổi, rừng bị phá …

Nếu như năm 2007, tổng diện tích rừng trên địa bàn là 103.275 ha, diện tích rừng tự nhiên 98.448 ha, diện tích rừng trồng là 4.879 ha, độ che phủ là 71,28% thì đến năm 2013, diện tích có rừng đã giảm xuống còn 85.000 ha, trong đó, diện tích rừng tự nhiên gần 78.000 ha, diện tích rừng trồng 6.800 ha, độ che phủ xuống mức 58,6%.

Đây là con số suy giảm tài nguyên rừng đáng báo động đã và đang diễn ra hết sức bức xúc tại địa phương. Do vậy, để đất lâm nghiệp và rừng của địa phương thật sự có chủ và thực hiện công tác quản lý, bảo vệ rừng theo hướng bền vững, huyện đã tiến hành giao khoán đất rừng cho các cá nhân, nhóm hộ, thôn bon và cho các doanh nghiệp thuê rừng.

Từ năm 2007 – 2013, huyện đã tổ chức tạm giao diện tích rừng và đất rừng do các địa phương quản lý về cho các gia đình, cộng đồng thôn, bon với diện tích trên 4.500 ha, trong đó có 25 hộ, 61 nhóm hộ, 6 cộng đồng thôn, bon trên địa bàn 7 xã tham gia nhận khoán. Ngoài ra, hiện nay, toàn huyện có 24 đơn vị đơn vị chủ rừng nhận quản lý và phát triển rừng, với tổng diện tích gần 94.000 ha rừng và đất rừng.

Ông K’Phim, Tổ trưởng Tổ quản lý rừng cộng đồng bon Păng So, xã Đắk Som cho biết: “Nhóm hộ chúng tôi gồm có 8 thành viên, nhận khoán bảo vệ trên 300 ha rừng. Hàng ngày, tổ luôn cắt cử người trực chốt, tuần tra bảo vệ rừng. Những người tham gia trực chốt bảo vệ rừng sẽ được nhân viên các trạm kiểm lâm chấm công và cùng nhau phối hợp tuần tra, bảo vệ rừng”.

Và tín hiệu vui từ PES, REDD+

Ông Phạm Đặng Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Cùng với chương trình chi trả dịch vụ môi trường rừng (PES), Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện giảm phát thải do phá rừng và suy thoái rừng (REDD+) trên địa bàn huyện sẽ giúp tạo động lực để người dân sống được bắng nghề rừng”.

Theo đó, tại huyện Đắk Glong, Ban quản lý Dự án Hỗ trợ chuẩn bị sẵn sàng thực hiện REDD+ tỉnh Đắk Nông đã lựa chọn 4 thôn, bon trên địa bàn huyện gồm bon Păng So, bon B’Nơr, xã Đắk Som và bon R’Bút, bon N’Đóh, xã Quảng Sơn để triển khai chương trình.

Qua đó, rừng cộng đồng sẽ là một trong những mô hình cần thiết trong tiến trình thực hiện các dự án, chương trình lồng ghép góp phần bảo vệ, phát triển rừng, nâng cao giá trị của rừng, phát triển kinh tế xã hội, đồng thời thể hiện thiện chí của Việt Nam chung tay cùng cộng đồng quốc tế bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kết quả giao đất, giao rừng cho cộng đồng ở Đắk Glong
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO