Nông dân đã chú trọng hơn về khoa học kỹ thuật

Kim Ngân| 09/07/2015 11:05

Trước đây, khi nghe đến chuyện “mang đất đi xét nghiệm” những hộ trồng cà phê trên địa bàn huyện Đắk Glong đều hết sức ngạc nhiên. Nhưng nay hầu hết mọi người đều biết rằng để trồng được cây cà phê thì phải biết đất của mình thiếu chất gì, thừa chất gì...

Cán bộ kỹ thuật của huyện hướng dẫn người dân xã Đắk R'măng kỹ thuật bón lót để trồng cà phê

Trước đây, gia đình ông K’Phim ở xã Đắk Som cũng như nhiều hộ dân trên địa bàn huyên Đắk Glong từ mùa này sang mùa khác cứ thấy mọi người lân cận trồng cây gì thì trồng theo cây đó. Gia đình ông cứ hết trồng lúa, sang trồng ngô rồi trồng cà phê… Thấy cây vàng vọt thì gia đình mua phân về bón. Do vậy, đất sản xuất ngày càng bạc màu, chai sạn.

Năm 2012, được cán bộ của Công ty cà phê Nestle mở lớp tập huấn về tìm hiểu chuỗi giá trị cây cà phê, trong đó nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc lấy mẫu đất phân tích để biết đất cần gì? Cây cà phê có phát triển tốt trên đất đang trồng hay không? Sau buổi hướng dẫn của cán bộ Công ty cà phê Nestle, bà con các xã Đắk Som, Đắk R’măng, Đắk P’lao… quay về nhà tích cực lấy mẫu đất và gửi về Trung tâm Nghiên cứu đất, phân bón và Môi trường Tây Nguyên để phân tích.

Cầm kết quả trên tay, ông K’Phim được hướng dẫn cách bón phân dựa trên kết quả phân tích đất. Bởi lâu nay, bà con chủ yếu bón phân đạm urê, NPK mà ít khi bổ sung phân chuồng, trung, vi lượng… cho cây cà phê.

Ông K’Phim cho biết: “Gia đình tôi bón phân theo nhu cầu của đất nên đã giảm được tiền mua phân bón so với trước, vườn cà phê lại xanh tốt, năng suất cao hơn 3 – 10 lần. Giờ thì tất cả mọi người đều tin, đất cũng cần xét nghiệm, mà xét nghiệm chẳng tốn kém mấy nhưng hiệu quả thì thấy rõ”.

Bà Lê Thị Hợi ở thôn 4, xã Đắk R’măng cũng cho biết: Lúc đầu, tôi nghĩ đất thì làm sao phải xét nghiệm? Sau này, tôi mới biết xét nghiệm để biết trong đất nhà mình có chất gì mà bón phân cho phù hợp. Thế là tôi đóng 250.000 đồng để làm xét nghiệm.

Theo ông Lê Trương Thịnh, cán bộ Trạm Bảo vệ thực vật huyện Đắk Glong thì ngay đầu vụ hè thu 2015, đơn vị đã phối hợp với Đại lý phân bón, thuốc bảo vệ thực vật Việt Tuấn ở xã Quảng Khê và Công ty TNHH Vật tư nông nghiệp Khánh Linh (TP. Hồ Chí Minh) tổ chức chương trình phân tích đất miễn phí cho bà con nông dân.

Trước ngày lấy mẫu phân tích, các đơn vị đã hướng dẫn nông dân cách lấy mẫu đất cho đúng để phân tích sao cho chính xác nhất. Qua tổng số 60 mẫu phân tích đất cho thấy, đa số các mẫu đất đều thiếu các nguyên tố vi lượng như Cu, Zn, Mg, Si, dư lượng lưu huỳnh do bón nhiều phân SA, hàm lượng hữu cơ trong đất từ 1,0 đến 1,3%, độ pH thấp trung bình từ 3,5 - 5,5, tồn tại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, tồn tại một số kim loại nặng như Asen, Cadimi, chì, thủy ngân, Crom, Mangan…

Kết quả phân tích đất được in ra phiếu và trả lại cho bà con ngay trong ngày làm việc. Các chuyên gia đã tư vấn tại chỗ cho từng hộ dân về việc thừa thiếu dinh dưỡng trong đất và giải pháp để giải quyết những vấn đề mà người dân cần biết.

Theo Tiến sỹ Tôn Nữ Tuấn Nam, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên thì trong kỹ thuật canh tác tổng hợp để đạt năng suất cao, ổn định và có hiệu quả kinh tế cao thì bón phân cho cây trồng luôn đóng vai trò quan trọng. Để bón phân hợp lý cho một loại cây trồng, người dân cần nắm vững nhu cầu dinh dưỡng của nó và phải cung cấp đúng, đủ các chất dinh dưỡng cây cần. Đây là một vấn đề vô cùng quan trọng cho việc chống lãng phí và tăng hiệu quả sử dựng phân bón.

Theo đó, Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đã đưa ra công thức bón phân chung cho cây cà phê vối kinh doanh 1ha/năm là 220-250kg đạm (N), 80-100 kg lân (P2O5), 200-230 kg kali (K2O), ngoài ra cây cà phê cũng cần một lượng lưu huỳnh từ 40-60 kg/ha/năm. Việc áp dụng cách bón phân này sẽ giúp người nông dân thực hiện một chế độ bón phân hợp lý, qua đó không những giúp tăng hiệu quả trong đầu tư phân bón mà còn góp phần bảo vệ tài nguyên đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân đã chú trọng hơn về khoa học kỹ thuật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO