Nông nghiệp công nghệ cao chuyển biến tích cực

Lê Dung| 11/09/2019 11:02

Kể từ khi triển khai thực hiện Nghị quyết 04-NQ/TU ngày 7/4/2011 của Tỉnh ủy về Phát triển nông nghiệp công nghệ cao, giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, nông nghiệp huyện Đắk Glong đã có sự chuyển dịch mạnh mẽ, nhất là việc sản xuất hàng hóa gắn với thị trường.

Giống mít nghệ được Trang trại trái cây sạch Đắk Ha (Đắk Glong) trồng xen, cho hiệu quả kinh tế cao

Theo Huyện ủy Đắk Glong, qua triển khai thực hiện Nghị quyết số 04, trên địa bàn huyện đã có những chuyển biến rõ nét về hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Diện tích, năng suất, sản lượng, chất lượng các loại sản phẩm nông sản tăng dần qua các năm. Đến nay, tổng diện tích gieo trồng của huyện là 29.798,3 ha; tổng đàn gia súc, gia cầm là 176.888 con.

Trên địa bàn huyện đang có 5 trang trại nuôi lợn theo quy trình của Công ty CP Việt Nam; 1 dự án chăn nuôi lợn sinh sản tập trung của Công ty Tấn Lộc Vinh tại xã Đắk Ha... Nhiều giống mới đã được địa phương đưa vào sản xuất thành công và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực cho địa phương.

Từ khi có Nghị quyết số 04, việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi được triển khai rộng rãi ở các xã. Việc ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật được chú trọng. Người dân đã tập trung triển khai thực hiện các quy trình sản xuất nông nghiệp sạch đạt tiêu chuẩn như: Cà phê 4C, VietGAP, GlobalGAP trên cây ăn quả. Nhiều giống mới như: lúa lai, ngô lai, cà phê vối lai đa dòng, gà ri thả vườn, lợn hướng nạc… được bà con mạnh dạn đầu tư.

Việc chuyển đổi mùa vụ phù hợp với biến đổi khí hậu, biện pháp canh tác bền vững trên đất dốc, đầu tư thâm canh theo chiều sâu, luân canh, xen canh các loại cây trồng… được ngành Nông nghiệp huyện đẩy mạnh. Các loại phân vi sinh được sản xuất từ phế thải nông nghiệp đã dần thay thế một phần các loại phân hóa học, giúp tăng năng suất cây trồng, tăng độ phì nhiêu trong đất và thân thiện với môi trường…

Từ các nguồn vốn khác nhau, 10 năm qua, Đắk Glong đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều mô hình nông, lâm nghiệp ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao. Trong đó, các mô hình thuộc nhóm cây lương thực, cây ăn quả, chăn nuôi được người dân đón nhận và nhân rộng. Cụ thể như ở nhóm cây lương thực đã triển khai thực hiện được 60 mô hình. Trong đó, thâm canh được 20 mô hình  lúa lai Hương ưu 3068; 10 mô hình lúa lai Dương Quang 10; 10 mô hình lúa Đài thơm 8; thâm canh 30 mô hình ngô lai NK67.

Ở nhóm cây ăn quả cũng đã có nhiều loại cây mang lại giá trị kinh tế cao như: chuối Laba từ nuôi cấy mô, cam Cara, ổi Đài Loan, mít nghệ, bưởi da xanh... Các giống cây trồng phát triển rộng ở một số xã. Trong đó có: mô hình trồng hoa ly tại xã Quảng Khê; mô hình trồng dâu, nuôi tằm sử dụng giống dâu mới S7-CB, VA-201 ở xã Quảng Khê và Quảng Sơn.

Nghề nuôi tằm lấy kén đang được nhiều nông dân ở xã Quảng Khê (Đắk Glong) phát triển

Về chăn nuôi cũng đã triển khai thực hiện được 90 mô hình nuôi cá nước ngọt; gà thả vườn an toàn sinh học, ngan pháp, nuôi gà J-Dabaco... Trong đó, nhiều mô hình nuôi cá nước ngọt có hiệu quả cao được nuôi trong lồng bè tại lòng hồ thủy điện Đồng Nai 3 và tại 100 ha các lòng hồ thủy lợi nhỏ, ao, hồ của hộ gia đình…

Ngoài ra, nhiều mô hình nông nghiệp khác về nuôi lợn hướng nạc, nhất là nuôi lợn gia công; trồng rau trong nhà kính; ghép cải tạo vườn cà phê; sản xuất phân hữu cơ sinh học từ chế phẩm nông nghiệp… cũng đã và đang triển khai thành công trên địa bàn huyện. Bên cạnh đó, việc sử dụng các phương pháp bảo quản sạch các loại nông, lâm, thủy sản sau thu hoạch từng bước được bà con áp dụng như: bảo quản lạnh đối với trái cây và sản phẩm chăn nuôi; bảo quản kín điều hòa khí quyển đối với lương thực và nông sản từ các loại cây công nghiệp; sử dụng các chế phẩm sinh học để bảo quản nông sản…

Trong thời gian tới, huyện sẽ tập trung triển khai nhiều giải pháp phát triển nền nông nghiệp bền vững. Trong đó, địa phương tiếp tục ổn định diện tích cây cà phê hiện có và thực hiện tái canh, ghép cải tạo cho khoảng 3.000 ha. Chú trọng đẩy mạnh sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn xuất khẩu, phấn đấu từ năm 2020 trở đi, năng suất cà phê bình quân của huyện đạt 30 tạ/ha/năm.

Các loại cây trồng sẽ chú trọng phát triển đạt chứng nhận VietGAP. Về chăn nuôi, huyện khuyến khích phát triển đàn gia súc theo hướng an toàn sinh học. Trong đó, coi chăn nuôi bò là chủ lực và khuyến khích phát triển chăn nuôi lợn trang trại đạt chứng nhận GAP. Huyện định hướng phát huy lợi thế địa hình có nhiều hồ, đập để kêu gọi dự án đầu tư thâm canh các loại cá truyền thống như trắm, trôi, chép, rô phi đơn tính… Về lâu dài, huyện tiếp tục điều chỉnh quy hoạch các loại cây trồng, vật nuôi đi đôi với quy hoạch phát triển thủy sản, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất vừa phát triển ổn định thủy sản…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông nghiệp công nghệ cao chuyển biến tích cực
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO