Ông Chạc Nàm Giểng - “Cánh tay nối dài” của ngành Y tế

Kim Ngân| 03/12/2015 09:06

Mặc dù tuổi đã cao, nhưng hàng ngày, ông Chạc Nàm Giểng (sinh năm 1949) ở thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) vẫn tận tụy với các hoạt động y tế của thôn. Chính nhờ sự nhiệt tình, cần mẫn của ông đã thật sự trở thành “cánh tay nối dài” của ngành Y tế huyện trong công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân.

Từ nhiều năm nay, hình ảnh ông cụ Giểng với dáng dấp mảnh khoảnh, hoạt bát hàng ngày vẫn thường đi đến từng hộ dân để tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về phòng, chống dịch bệnh, vệ sinh môi trường, kế hoạch hóa gia đình, thông báo lịch tiêm chủng… đã trở nên thân thuộc đối với người dân thôn 8 nơi đây. 

Ông Chạc Nàm Giểng (bên trái ảnh) đến thăm và trò chuyện với một gia đình trong thôn 8

Trong một lần đưa chúng tôi đi đến thăm những gia đình có trường hợp khá “đặc biệt” được ông Giểng vận động không sinh con thứ 3, thứ 4, dọc đường đi, ai gặp ông cũng tay bắt, mặt mừng. Thỉnh thoảng, ông dừng lại nói chuyện về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em với người này, nuôi trồng thuốc nam tại gia đình với người kia…

Có một chị bế con nhỏ ngồi trước hiên nhà, ông vui vẻ hỏi: Cháu mấy tháng rồi? Chị cho cháu tiêm đủ mũi tiêm chưa? Biết cháu bé chưa tiêm đủ và đã trên 9 tháng tuổi, ông ân cần dặn dò chị cho con đi tiêm đúng quy định và không quên nhắc nhở là phải đi tiêm buổi chiều chứ đừng tập trung tất cả vào buổi sáng phải mất công chờ đợi.

Ông Giểng là vậy đó, chỉ trong khoảng thời gian ngắn ngủi, trên đoạn đường chừng 1 km, nhưng chúng tôi có cảm tưởng trong 9 nhiệm vụ trọng tâm của một nhân viên y tế thôn, bon thì ông đã đề cập đến 6 – 7 lĩnh vực rồi.

Được biết, năm 1997, sau khi học lớp nhân viên y tế thôn, bon, ông đã được giao đảm nhiệm công tác y tế thôn tại thôn 8, xã Quảng Khê. Vào thời điểm đó, thôn 8, xã Quảng Khê mật độ dân cư rất thưa thớt, đời sống của nhân dân trong thôn còn gặp nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, vì thế nhận thức về công tác chăm sóc sức khỏe, phòng chống dịch bệnh của nhân dân nơi đây còn hạn chế. Từ khi đảm nhiệm công việc, ông đã không quản sớm, chiều đi đến từng hộ, gặp gỡ, trao đổi với người dân mọi lúc, mọi nơi để truyền đạt những gì ông đã được học, được tiếp thu cho bà con hiểu.

Ông Giểng chia sẻ: “Ngày đó làm gì có xe máy như bây giờ, tôi phải đi bộ, lội tắt nương rẫy đến từng nhà để vận động bà con đưa trẻ đi tiêm chủng và thực hiện dân số-KHHGĐ. Một tháng đi thăm từ 7 – 8 nhà, để nhiều khi họ quên thì mình nhắc lại cho họ nhớ”.

Cứ như vậy, công việc mỗi năm của ông xoay quanh các chương trình như: Tiêm chủng mở rộng, tẩm màn phòng chống muỗi đốt, tai nạn thương tích, bệnh chân tay miệng, phòng chống HIV/AIDS, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không sinh con thứ 3, vệ sinh môi trường...  Ấy vậy mà đã 18 năm trời ông gắn bó với công việc này.

Với thâm niên 18 năm làm y tế thôn, cùng biết bao khó khăn ban đầu, đến nay, ông Giểng đã chứng kiến vô vàn những đổi thay của bộ mặt y tế cơ sở. Trong đó, phải kể đến những đổi thay trong nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe, phòng ngừa dịch bệnh. Những kết quả này luôn có sự đóng góp không nhỏ của cá nhân ông Giểng.

Ông Nguyễn Xuân Trường, Thôn phó thôn 8 cho biết: Là cán bộ y tế ở thôn, ông Giểng đã đảm trách và hoàn thành tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Không chỉ chăm lo việc chăm sóc sức khỏe của người dân trong thôn, ông Giểng còn tích cực tham gia chương trình phòng chống sốt rét như: phun thuốc, tẩm màn ở các thôn trong xã do Trạm y tế điều động.

Nói về bản thân, ông Giểng tâm sự: “Bây giờ tuổi tác của tôi cũng thuộc vào hàng xưa nay hiếm, nhưng các anh ở trạm xá chưa muốn tôi về hưu nên tôi cố gắng làm đến khi nào chân không bước nổi nữa là tôi xin nghỉ”.

Không chỉ tham gia công tác y tế thôn, ông Giểng còn được tín nhiệm làm Trưởng Ban công tác mặt trận thôn, Tổ trưởng Tổ vay vốn thôn 8, trong vai trò nào ông cũng hoàn thành chu toàn, được chính quyền, đoàn thể và nhân dân địa phương khen ngợi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ông Chạc Nàm Giểng - “Cánh tay nối dài” của ngành Y tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO