Quảng Khê phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm

Lê Dung| 05/08/2019 09:38

Chi phí đầu tư thấp, giá trị kinh tế cao, hiện nay, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Quảng Khê (huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông) đang tập trung phát triển nghề trồng dâu, nuôi tằm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng cho địa phương.

Gia đình ông K’Woa, thôn 5, xã Quảng Khê (Đắk Glong) hiện đang nuôi 2 ống tằm, với 6 lứa/tháng

Áp dụng công nghệ mới

Trước đây, nuôi tằm từng là một nghề vất vả và được ví là nghề “ăn cơm đứng”. Thế nhưng hiện nay, người dân xã Quảng Khê biết ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật mới vào nghề nuôi tằm, góp phần giảm sức lao động, tăng hiệu quả sản xuất.

Với gần 17 năm kinh nghiệm, Gia đình bà Chung Thị Lân, ở thôn Quảng Long, xã Quảng Khê, được xem là một trong những điển hình của địa phương trong nghề trồng dâu nuôi tằm. Gia đình bà hiện đang trồng 2 giống dâu lai cao sản là S7-CB và VA 201. Đây là những giống dâu mới cho năng suất và chất lượng lá khá cao. Gia đình bà cũng áp dụng phương pháp nuôi tằm “không nong” trên nền xi măng, nên giảm chi phí đầu vào, tăng thu nhập và nhất là giảm được 60% ngày công lao động.

Theo bà Lân, trước đây nuôi trên nong rất nặng công chăm sóc, dâu hái từng lá, ngày nào cũng phải bê nong lên, xuống để cho tằm ăn, mỗi ngày phải mất 3-4 lần làm vệ sinh. Hơn thế, hơi nóng của phân tằm bốc lên cũng khiến tằm hay bị bệnh, chất lượng kén không cao… Thế nhưng, với phương pháp mới này, việc nuôi tằm đã mang lại rất nhiều lợi thế. Trong đó, lá dâu không phải nhặt, chỉ cần rắc trực tiếp hoặc cả cành trên nền nhà, tằm sẽ tự ăn.

Tằm nuôi trên nền xi măng mát mẻ, thoáng khí, không bị hấp hơi nóng, tránh được nhiều bệnh. Sau khoảng 7-8 ngày tằm chuẩn bị chín, căng lưới lên nền tằm sẽ tự bò để vào né. Phương pháp nuôi mới này không phải thay phân, không phải di chuyển hàng ngày, nên tằm tránh được xây xát da, chất lượng con giống rất cao… Ngoài ra, gia đình bà còn nuôi tằm con với tần suất 12-15 lứa/năm và cũng mang lại thu nhập đáng kể. Hiện nay, tổng thu nhập bình quân từ nghề trồng dâu, nuôi tằm của gia đình bà đạt khoảng 230 triệu đồng/năm sau khi đã trừ hết chi phí.

Tương tự, gia đình ông K’Woa, thôn 5, xã Quảng Khê, cũng đang nuôi 2 ống tằm, với 6 lứa/tháng. Cùng với phương pháp nuôi tằm trên nền xi măng, gia đình ông còn cải tiến việc dùng né gỗ cho tằm bám thay cho né tre truyền thống. Phương pháp này đã giúp tằm không bị ảnh hưởng của phân và nước tiểu trong quá trình kết kén. Nhờ đó, sợi tơ có độ bền cao, lượng tơ nhiều. Đặc biệt, tơ phế phẩm ít, lại không có kén tằm đôi. Do vậy, giá bán kén tằm trên né gỗ thường cao hơn so với kén tằm trên né tre từ 15-20.000 đồng/kg… Nuôi tằm đã giúp gia đình ông tăng thu nhập, tranh thủ được 3 lao động nhàn rỗi trong gia đình.

Nhiều tiềm năng hứa hẹn

Hiện nay, nghề trồng dâu nuôi tằm ở Quảng Khê tập trung chủ yếu ở các thôn 7, 8, 11 và 12. Sản phẩm dâu tằm được đánh giá là có “đầu vào” và “đầu ra” ổn định. Với vị trí tiếp giáp với tỉnh Lâm Đồng, địa phương có nhiều doanh nghiệp ươm và chế biến tơ, nên Đắk Glong có nhiều điều kiện để giao lưu hàng hóa, mở rộng liên kết tiêu thụ sản phẩm tơ tằm. Người dân xã Quảng Khê khi có nhu cầu về giống tằm, chỉ cần liên hệ với các nhà máy là được cung ứng tận nơi. Sản phẩm kén tằm được cho các nhà máy ở thành phố Bảo Lộc (Lâm Đồng), với giá từ 115.000 đồng/kg trở lên.

Toàn xã Quảng Khê hiện có gần 30 hộ đang tham gia phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm. Đây là nghề được xem có nhiều lợi thế của địa phương, giúp nâng cao thu nhập cho người dân trên địa bàn. Hiện nay, toàn bộ lượng kén của người nuôi tằm trên địa bàn xã Quảng Khê được bán cho các nhà máy ở tỉnh Lâm Đồng, với giá cả khá ổn định. Trong thời gian tới, địa phương sẽ tiếp tục mở rộng các mô hình trồng dâu nuôi tằm; khuyến khích người dân chuyển đổi cây trồng, nghề nghiệp theo hướng trồng dâu, nuôi tằm.

Theo ông Nguyễn Hữu Kiện, Chủ tịch UBND xã Quảng Khê, trong vài năm trở lại đây, diện tích trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn tăng khá cao, với trên 50 ha. Nhiều người dân trên địa bàn đã có thâm niên hoạt động trồng dâu, nuôi tằm và có nhiều kiến thức chuyên sâu của ngành nghề này. Do đó, việc truyền bá kiến thức, kinh nghiệm trồng dâu nuôi tằm trên địa bàn cũng vì thế mà gặp nhiều thuận lợi hơn. Từ năm 2014, UBND xã cũng đã phối hợp tổ chức các lớp tập huấn trang bị các kiến thức về kỹ thuật chăm sóc, phát triển vườn dâu; cách chăm sóc, nuôi tằm sao cho năng suất đạt mức cao. Trong thời gian tới, UBND xã sẽ tiếp tục phối hợp với Phòng NN và PTNT huyện Đắk Glong rà soát những phần diện tích cây trồng mà hiện nay người dân trên địa bàn canh tác không hiệu quả. Từ đó, địa phương sẽ vận động người dân chuyển đổi sang trồng dâu để phục vụ nuôi tằm. Đây là cây trồng rất phù hợp với địa phương không chỉ nhờ thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, mà kỹ thuật chăm sóc cũng không quá phức tạp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quảng Khê phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO