Tăng cường công tác khuyến nông vùng đồng bào dân tộc

Kim Ngân| 05/06/2014 10:42

Theo UBND huyện Đắk Glong thì hiện nay, hệ thống khuyến nông của huyện được củng cố, kiện toàn từ huyện đến cơ sở; Trong đó, ở cấp huyện có 4 cán bộ, cấp xã có 7 khuyến nông viên/7 xã và 58/58 thôn, bon có cộng tác viên. Trong những năm qua, thông qua lực lượng này huyện đã từng bước chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân, góp phần nâng cao thu nhập, ổn định đời sống cho người dân.

Gia đình ông K’Ran ở xã Quảng Sơn có hai sào ruộng nước. Trước đây, việc sản xuất chủ yếu dựa vào kinh nghiệm và sử dụng các giống lúa của địa phương nên năng suất thường chỉ đạt từ 2-3 tạ/sào.

Sau khi được cán bộ Trạm Khuyến nông huyện trực tiếp về hướng dẫn sản xuất bằng giống lúa lai Nhị ưu 838 và các kỹ thuật chăm sóc như bón phân, phòng trừ sâu bệnh... thì gia đình ông K’Ran đã thay đổi hẳn thói quen sản xuất.

Việc chuyển giao khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa nước đã giúp nông dân huyện Đắk Glong nâng cao năng suất, thu nhập

Ngay sau vụ lúa đầu tiên sử dụng giống lúa lai Nhị ưu 838 và áp dụng các biện pháp khoa học kỹ thuật do cán bộ khuyến nông hướng dẫn, năng suất lúa của gia đình ông tăng gấp hai lần. Từ đó trở đi, ông đã áp dụng cách làm mới này trên toàn bộ diện tích của gia đình mình.

Ông K’Ran cho biết: "Nếu không được cán bộ khuyến nông hướng dẫn thì tôi vẫn sản xuất theo cách cũ và cái đói, cái nghèo cứ đeo bám gia đình không dứt ra được. Bây giờ thì khác rồi, tôi đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, cây lúa cho năng suất cao lắm, nhờ đó, gia đình tôi không còn nghèo đói nữa".

Còn gia đình bà H'Sin ở xã Ðắk Som, được chọn làm mô hình trình diễn 5 sào ngô lai, năng suất đạt đến 12 tấn/ha. Việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất không những giúp gia đình bà tăng thu nhập, nâng cao chất lượng cuộc sống mà bản thân bà H'Sin cũng trở thành một khuyến nông viên ở địa phương. Bà đã tận tình hướng dẫn lại cho bà con trong bon làng cách chọn giống, bón phân sao cho cây ngô đạt năng suất cao nhất.

Bà H'Sin tâm sự: "Bà con trong bon mình mừng lắm, kể từ khi biết sản xuất ngô lai, lúa lai và áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, gia đình nào cũng có ngô, thóc đầy nhà, chẳng bao lâu nữa bon làng mình sẽ trở nên no đủ, giàu có. Tất cả là nhờ cán bộ khuyến nông đó".

Theo Phòng Nông nghiệp - PTNT huyện thì toàn huyện có 500 ha lúa nước, những năm qua, nhờ áp dụng các biện pháp kỹ thuật vào sản xuất bình bình quân từ dưới 4 tạ/sào đối với giống cũ, đến năm 2013 đã đạt trên 5,25 tạ/sào.

Diện tích ngô năm 2013 đạt 1.600 ha, năng suất ngô bình quân đến nay đã đạt 5,2 tạ/sào, những hộ đầu tư thâm canh tốt có thể đạt 7 tạ/sào. Ngoài các mô hình trồng lúa, ngô, cây hoa màu thì các mô hình như trồng tre lấy măng, nuôi lợn hướng nạc, lợn sinh sản, nuôi dê bách thảo... Qua một thời gian triển khai, đến nay, đa số bà con trong huyện đã biết áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăn nuôi, mang lại hiệu quả rõ rệt.

Trong những năm qua, việc thực hiện Đề án phát triển khuyến nông, khuyến ngư giai đoạn 2006 - 2010 và định hướng đến năm 2020 của tỉnh trên địa bàn huyện đã có những hiệu ứng tích cực về định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi ở hầu hết các thôn, bon, các xã.

Từ những chương trình được triển khai, nhiều giống cây trồng, vật nuôi mới có giá trị kinh tế cao như cà phê vối lai đa dòng, gà ri thả vườn, heo hướng nạc… đã phát huy hiệu quả, được bà con gắn bó, tin tưởng đưa vào sản xuất đại trà trên đồng ruộng và chăn nuôi trong gia đình góp phần ổn định đời sống và xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, người dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn của huyện.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tăng cường công tác khuyến nông vùng đồng bào dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO