Thoát nghèo nhờ đa canh

Kim Ngân| 03/03/2016 14:35

Gia đình chị Chung Thị Lần ở thôn 8, xã Quảng Khê (Đắk Glong) nhờ thực hiện hiệu quả mô hình đa canh khép kín đã thoát nghèo, vươn lên trong cuộc sống.

ADQuảng cáo

Từ năm 2008, gia đình chị Chung Thị Lần đã bắt đầu phát triển trồng dâu nuôi tằm và từng bước tiếp cận kỹ thuật nuôi tằm công nghệ cao.

Chị Lần dùng công nghệ nuôi tằm Nhật Bản nong gỗ thay nong tre truyền thống

Theo chị Lần thì đây là phương pháp và công nghệ nuôi tằm của Nhật Bản chuyển giao mà chị là người tiên phong trên địa bàn huyện. Đó là phương pháp dùng nong gỗ thay thế nong tre truyền thống giúp tằm kéo kén đạt hiệu quả cao hơn.

Bên cạnh đó, chị còn sử dụng giống dâu mới là giống F7 với nhiều ưu điểm vượt trội so với các giống dâu hiện có như lá dày, kháng bệnh tốt giúp tằm ăn no lâu, đặc biệt có thể tiết kiệm được thời gian và công hái. Việc phát triển trồng dâu nuôi tằm theo phương pháp mới đã đem lại thu nhập hàng tháng cho gia đình chị từ 30 - 40 triệu đồng.

ADQuảng cáo

Từ việc phát triển nghề trồng dâu nuôi tằm, gia đình chị Lần đã có được nguồn phân tằm khá lớn để bón cho các loại cây trồng trong vườn như cà phê, hồ tiêu, ổi… Với 5 ha đất sản xuất, ngoài 1,5 ha trồng cây dâu, số diện tích còn lại gia đình chị trồng 1 ha tiêu, 1 ha cà phê và 1,5 ha ổi.

Theo anh Trần Văn Minh, chồng chị Lần thì riêng đối với cây cà phê, nhiều năm nay anh chỉ sử dụng nguồn phân tằm để bón là chủ yếu. Nếu như trước đây, anh sử dụng phân hóa học kết hợp với phân chuồng, năng suất chỉ đạt khoảng 3,5 tấn/ha thì vài năm trở lại đây, khi sử dụng phân tằm thì 1 ha cà phê cho thu hoạch được 10 tấn cà phê nhân.

Đây là kết quả mà nhiều người trồng cà phê khó mà theo đuổi kịp. Còn đối với cây ổi, khi sử dụng phân tằm thì 1 gốc ổi trung bình cho thu hoạch khoảng 50 kg/năm, 1 ha năng suất đạt 50 tấn/năm, so với các nhà vườn trồng ổi khác thì vườn ổi của gia đình chị Lần cao hơn ít nhất là 5 – 7 tấn/năm. Với giá bán tại vườn 20.000 đồng/kg, mỗi năm nguồn thu từ bán ổi cũng mang lại cho gia đình chị lợi nhuận hàng trăm triệu đồng.

Sử dụng giống dâu mới F7 có nhiều ưu điểm vượt trội

Ghi nhận sự mạnh dạn, sáng tạo trong phát triển kinh tế gia đình, đặc biệt là những sáng kiến mới trong phương pháp trồng dâu nuôi tằm, tại Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết 04/NQ-TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2010-2015, định hướng đến năm 2020, cá nhân chị Chung Thị Lần được tỉnh trao bằng khen. Trong cuộc thi sáng kiến nông dân huyện Đắk Glong lần thứ II năm 2015 do Hội Nông dân và Dự án Oxfam huyện tổ chức, mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình chị đã giành được giải nhì.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thoát nghèo nhờ đa canh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO