Cách nhìn mới về sản xuất ở Đắk Sin

Bài, ảnh: Hồng Thoan| 29/03/2022 08:41

Bằng những cách khác nhau, nhiều nông dân ở xã Đắk Sin (Đắk R’lấp) đã chủ động tìm giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, ổn định đời sống gia đình.

ADQuảng cáo

Gia đình anh Lê Văn Thắng, thôn 11, xã Đắk Sin, là một trong những gia đình đi đầu tại địa phương trong chăn nuôi heo theo hướng trang trại, quy mô lớn. Cách đây hơn 10 năm, gia đình đã đầu tư hệ thống chuồng trại kiên cố trên 10.000 m2 để phục vụ chăn nuôi heo.

Theo anh Thắng, để có được sự đầu tư ban đầu, anh đã đi học hỏi ở nhiều địa phương. Anh cũng mạnh dạn vay vốn từ các ngân hàng thương mại trên địa bàn để đầu tư chăn nuôi.

Trong chăn nuôi, anh chú ý bảo đảm nguồn gốc con giống tốt, cung cấp dinh dưỡng đầy đủ cho vật nuôi. Tuy nhiên, anh cũng không tránh khỏi những khó khăn, thất bại do dịch bệnh gây ra, giá cả đầu vào tăng cao. Thế nhưng, anh vẫn bám trụ để đi đến thành công như hôm nay.

Gia đình anh Lê Văn Thắng đầu tư chăn nuôi quy mô lớn, mang lại thu nhập cao

Ba năm nay, để giảm phụ thuộc vào một nguồn thu từ chăn nuôi heo, gia đình anh mạnh dạn chăn nuôi thêm gà. Anh lựa chọn hình thức chăn nuôi vừa nhốt, vừa thả vườn.

Theo anh Thắng, chăn nuôi theo hình thức công nghiệp thì chất lượng gà thịt không cao. Vì thế, anh vừa nuôi nhốt, vừa thả vườn, bảo đảm thịt gà ngon, chắc thịt. Sản phẩm thịt gà của gia đình anh luôn có giá bán cao hơn so với giá thị trường.

Hàng năm, gia đình anh Thắng duy trì nuôi khoảng 800 con heo/lứa, 2.000 con gà/lứa. Mỗi năm anh chăn nuôi 2 lứa, mang về khoản thu nhập tầm 2 tỷ đồng sau khi trừ chi phí.

Gia đình ông Trần Bá Vương, thôn 13, xã Đắk Sin, trước đây đầu tư sản xuất cà phê trên 3 ha đất. Hiện nay, ông đã chuyển đổi 1/2 diện tích sang trồng sầu riêng.

Gia đình áp dụng quy trình sản xuất sầu riêng theo hướng sạch, bảo đảm an toàn thực phẩm, có đầu tư hệ thống tưới nước, bón phân đến từng gốc. Năm 2021, vườn sầu riêng bắt đầu cho thu nhập chính, đạt khoảng 500 triệu đồng/vụ.

ADQuảng cáo

Gia đình ông Trần Bá Vương chuyển đổi một phần cà phê sang trồng sầu riêng để tăng thu nhập

Theo UBND xã Đắk Sin, xã có diện tích đất sản xuất nông nghiệp cao nhất huyện, trên 9.200 ha tại 11 thôn. Đất đai, khí hậu là điều kiện thuận lợi cho người dân đầu tư sản xuất, đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi.

Những năm qua, dù ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh, nhưng nhiều nông dân vẫn chủ động tìm hướng đầu tư sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Điều này đã góp phần bảo đảm thu nhập, ổn định đời sống kinh tế cho bà con.

Đến nay, thu nhập bình quân đầu người ở Đắk Sin đạt gần 42 triệu đồng/người/năm, tăng trên 10 triệu đồng so với năm 2017. Xã chỉ còn 73 hộ nghèo, chiếm 3,64%. Đắk Sin có 15 nhóm đồng sở thích về sản xuất cà phê sạch, bền vững theo tiêu chuẩn 4C; có 4 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả.

Theo ông Nguyễn Văn Hiệu, Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Sin, thu nhập của người dân đã có những bước chuyển biến tích cực. Thế nhưng, Đảng ủy, UBND xã Đắk Sin vẫn nhìn nhận còn nhiều hạn chế trong công tác nâng cao đời sống kinh tế cho Nhân dân.

Việc hình thành các chuỗi liên kết giá trị sản xuất vẫn chưa thật sự đồng bộ. Ở lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt còn khó khăn do thiếu liên kết, chất lượng sản phẩm vẫn còn khiêm tốn.  

Trong đó, xã nhận thấy rằng số hộ, diện tích thực hành nông nghiệp tốt ngày càng nhiều, nhưng bà con vẫn ngần ngại trong đầu tư hồ sơ, thủ tục, các bước để được cơ quan chức năng, đơn vị có thẩm quyền cấp các chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng.

Do đó, xã đặt mục tiêu giúp người dân nâng cao nhận thức, sản xuất đạt chứng nhận nông nghiệp tốt, nâng cao giá trị, thu nhập là giải pháp quan trọng trong giai đoạn 2021-2025.

Cùng với đó, Đắk Sin đẩy mạnh sự phối hợp với các cấp, ngành nhằm tạo các chuỗi liên kết từ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm cho nông dân...

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cách nhìn mới về sản xuất ở Đắk Sin
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO