Phát huy lợi thế để chủ động hội nhập

Hà An| 30/06/2016 10:47

Với lợi thế về vị trí cũng như tài nguyên thiên nhiên, huyện Đắk R’lấp đang được đánh giá là địa phương có nhiều triển vọng để phát triển khi nền kinh tế hội nhập ngày càng sâu, rộng. Những kết quả đạt được trên các lĩnh vực thời gian qua chính là tiền đề, cơ sở để khẳng định địa phương đang có những hướng đi hợp lý.

Những kết quả bước đầu

Xét về lợi thế so sánh, huyện Đắk R’lấp được xem là vùng kinh tế động lực phía Nam của tỉnh và là mắt xích quan trọng trong chuỗi liên kết kinh tế các tỉnh Tây Nguyên với vùng kinh tế phía Đông Nam và TP. Hồ Chí Minh. Bên cạnh đó, địa phương đang được biết đến với những dự án lớn tầm cỡ quốc gia như Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ, Khu công nghiệp Nhân Cơ, Nhà máy Điện phân nhôm Đắk Nông. Ngoài ra, nông nghiệp huyện cũng đang khẳng định được những lợi thế về chăn nuôi, phát triển cây công nghiệp dài ngày…

Từ những lợi thế đó, những năm qua, huyện Đắk R’lấp đã quan tâm đến công tác quy hoạch, quản lý tốt quy hoạch chiến lược phát triển kinh tế, xã hội cho từng giai đoạn cùng với quy hoạch mạng lưới giao thông, thủy lợi; quy hoạch các đề án phát triển vùng nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đây, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững gắn với phát triển hệ thống nhà máy chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp.

Đắk R'lấp có lợi thế là nơi tập trung các dự án công nghiệp lớn của tỉnh. (Trong ảnh: Công nhân Nhà máy nhiệt điện thuộc Dự án Nhà máy Alumin Nhân Cơ (Đắk R'lấp) lắp đặt các thiết bị tại bộ phận ống dẫn nước của lò hơi). Ảnh: N.H

Đơn cử như hiện nay, huyện đã xây dựng được một số chuỗi giá trị từ sản xuất hồ tiêu, cà phê. Toàn huyện hiện có 50 nhóm đồng sở thích tham gia vào chuỗi giá trị sản xuất cà phê theo tiêu chuẩn VietGap, 4C, UTZ với tổng diện tích khoảng 40.000 ha. Mới đây, UBND tỉnh cũng đã chấp thuận chủ trương đầu tư cho doanh nghiệp Hương Quế xây dựng và phát triển mô hình tiêu sạch sinh thái.

Hiện nay, một số hộ dân đã liên kết với doanh nghiệp triển khai mô hình với diện tích ban đầu gần 10 ha. Đắk R’lấp còn là địa phương có thế mạnh trong sản xuất và tiêu thụ chuỗi giá trị về cây điều; chuối Nam Mỹ… Với việc kêu gọi doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu, nhà máy chế biến, xuất khẩu dòng chuối Nam Mỹ tại thôn 13, xã Đắk Wer đang mở ra một triển vọng mới cho người dân trong việc tận dụng vùng đất sình lầy, đất ven ao, hồ, suối để trồng chuối. Không chỉ cho thu nhập cao, dễ trồng mà sản phẩm chuối Nam Mỹ cũng đang là một sản phẩm hấp dẫn trên thị trường thế giới.

Trong lĩnh vực chăn nuôi, tính đến 30/6, tổng đàn gia súc trên địa bàn huyện khoảng 33.190 con, tăng 8.022 con so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, đàn trâu có 203 con; bò: 2.561 con; heo: 29.859 con; dê: 567 con. Tổng đàn gia cầm toàn huyện hiện khoảng 285.852 con, tăng 89.977 con so với cùng kỳ năm trước. Không chỉ tăng về số lượng mà ngành chăn nuôi huyện Đắk R’lấp cũng đang phát triển theo hướng tập trung với các mô hình trang trại. Cụ thể, hiện toàn huyện có khoảng trên 9 trang trại chăn nuôi quy mô lớn với mức thu nhập bình quân trên 10 tỷ đồng/năm.

Đắk R'lấp chú trọng phát triển mô hình trang trại tập trung. (Trong ảnh là trang trại nuôi heo ở xã Đắk Sin). Ảnh: Thanh Nga

Đổi mới về tư duy, hình thức sản xuất

Theo ông Lê Văn Thị, Chủ tịch UBND huyện Đắk R’lấp thì những kết quả trên là rất đáng mừng. Tuy nhiên cái mừng hơn là quá trình phát triển, từ những mô hình, cách làm hay, việc đổi mới về tư duy, hình thức sản xuất theo hướng công nghiệp hóa đang ngày một nhân rộng trong quần chúng nhân dân.

Chỉ đơn cử, trong vấn đề liên kết, nếu như trước đây, đa phần nông dân trên địa bàn chủ yếu sản xuất nhỏ lẻ, manh mún thì hiện nay, nhiều nông dân đã ý thức được việc liên kết thành nhóm, tổ hợp tác và tham gia hợp tác xã là cần thiết để tiếp cận khoa học kỹ thuật, liên kết bao tiêu sản phẩm… Từ đây, cùng với sự hỗ trợ từ phía nhà nước, các chương trình, dự án, hàng chục nhóm đồng sở thích, các tổ hợp tác và hợp tác xã đã xuất hiện. Đây chính là những hạt nhân quan trọng để mở rộng liên kết 4 nhà nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Cũng theo ông Thị, để tiếp tục phát triển nông nghiệp theo hướng công nghệ cao, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu thị trường thời kỳ hội nhập, huyện cũng sẽ tăng cường công tác tuyên truyền, vận động, chuyển giao khoa học kỹ thuật để nâng cao năng lực, trình độ sản xuất cho người dân. Ưu tiên hiện nay của huyện là đẩy mạnh thu hút đầu tư, tìm đầu ra ổn định cho các dòng sản phẩm chủ lực trên địa bàn. Ngoài việc phát triển hệ thống các nhà máy chế biến sâu, huyện cũng đang đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ để tạo môi trường cạnh tranh sôi động, lành mạnh.

Bên cạnh đó, huyện cũng đang đẩy mạnh quy hoạch, xây dựng đô thị, trung tâm xã kết hợp xây dựng nông thôn mới để làm chuyển biến căn bản bộ mặt nông thôn. Từ các giải pháp đồng bộ cũng như hiệu quả thực tiễn của các mô hình, dự án, mục đích cuối cùng và trọng tâm cũng nhằm từng bước đổi mới mạnh mẽ hơn nữa tư duy, hình thức sản xuất của người dân theo hướng hiện đại, tập trung, tạo được sức mạnh cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp trên thị trường trong nước và thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát huy lợi thế để chủ động hội nhập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO