Hiệu quả mô hình nuôi dê ở bon Ta Mung

Kim Ngân| 11/05/2022 08:41

Tổ nuôi dê bon Ta Mung, xã Trường Xuân (Đắk Song) có 10 thành viên, với 300 con dê. Nhờ chăn nuôi dê, bà con đã có thêm nguồn thu nhập, cải thiện cuộc sống.

ADQuảng cáo

Gia đình chị Mai Thị Yến, thành viên Tổ chăn nuôi dê bon Ta Mung, vừa đầu tư hơn 20 triệu đồng mua 12 con dê giống về nuôi. Theo chị Yến, những năm qua, ngoài trồng cà phê, hồ tiêu, gia đình chị còn nuôi thêm bồ câu, gà vịt. Giờ đây, chị chăn nuôi thêm đàn dê để tăng nguồn thu nhập.

Chị Yến cho biết: “Qua thời gian chăn nuôi dê, tôi thấy chi phí thấp hơn các loại vật nuôi khác. Vườn rẫy rộng, nên thức ăn cho dê không thiếu. Từ cây cỏ đến trái cây, cành lá của cây gòn làm trụ tiêu đều có thể làm thức ăn cho dê”.

Chị Yến cũng lưu ý, nuôi dê theo hình thức nhốt chuồng tuy đơn giản, nhưng nếu không nắm vững các khâu kỹ thuật về làm chuồng, chọn giống, chăm sóc, phòng bệnh... thì không hiệu quả. Dê không đạt trọng lượng, thương lái sẽ mua giá thấp.

Chị Mai Thị Yến, thành viên Tổ chăn nuôi dê bon Ta Mung có thêm nguồn thu nhập nhờ chăn nuôi dê

Còn gia đình chị Trần Thị Huệ, cũng ở bon Ta Mung, chăn nuôi dê hơn 4 năm nay. Theo chị Huệ, với điều kiện vườn rẫy đa dạng về cây trồng, quanh năm xanh tốt, nên chăn nuôi dê khá thích hợp.

Hiện nay, gia đình chị có 6 con dê sinh sản và đàn dê nuôi để thịt đang được nuôi dưỡng. Bình quân mỗi năm, chị thu về khoảng từ 30 - 40 triệu đồng từ chăn nuôi dê.

Chị Huệ cho hay: “Gia đình tôi còn gặp nhiều khó khăn. Nhờ có đàn dê, nên đã phần nào cải thiện được cuộc sống. Mỗi khi cần là tôi bán bớt đàn dê để lấy tiền trang trải trong gia đình”.

ADQuảng cáo

Chị Trần Thị Huệ, ở bon Ta Mung tận dụng cây lá trong vườn làm thức ăn cho dê

Theo các thành viên Tổ nuôi dê bon Ta Mung, sau dịch Covid-19, giá dê bắt đầu tăng trở lại, người nuôi dê cũng có thu nhập khá hơn. Hiện giá dê thịt trên thị trường dao động trong khoảng 120.000 – 135.000 đồng/kg, tăng hơn cùng kỳ năm trước khoảng 40.000 đồng/kg.

Giá dê tăng trở lại giúp nghề nuôi dê phát triển, người dân ở bon Ta Mung, nhất là các hộ đồng bào dân tộc thiểu số khó khăn, có thêm nguồn thu nhập, ổn định cuộc sống.

Theo lãnh đạo UBND xã Trường Xuân, trước đây, các hộ nuôi dê trên địa bàn thường thì nhà ai nấy nuôi, mạnh ai nấy làm, nên hiệu quả chưa cao. Việc tham gia vào Tổ nuôi dê đã giúp bà con có điều kiện gặp gỡ, trao đổi kinh nghiệm, tìm đầu ra tiêu thụ sản phẩm tốt hơn.

Ông Hoàng Văn Tăng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân cho biết, thời gian qua, địa phương luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trong đó, xã luôn khuyến khích phát triển sản xuất theo mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi.

Trong đó, mô hình Tổ chăn nuôi dê ở bon Ta Mung đã phát huy hiệu quả. Các thành viên trong tổ chăn nuôi dê đã biết chia sẻ thông tin thị trường, việc giám sát, phòng chống dịch bệnh với nhau.

Bên cạnh đó, bà con cũng áp dụng các quy trình chăn nuôi dê tiên tiến để tăng năng suất, chất lượng, bảo đảm vệ sinh môi trường. Mô hình ở bon Ta Mung, xã Trường Xuân sẽ nhân rộng cho các địa bàn khác để phát triển chăn nuôi dê hiệu quả.

ADQuảng cáo
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả mô hình nuôi dê ở bon Ta Mung
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO